Lợi bất cập hại!

Thứ hai, 28/09/2020 11:05

- Có gì mà đăm chiêu, âu lo vậy Tư nhà giáo?

Bộ GD-ĐT cần quy định rõ việc sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học. Ảnh minh họa.

- Tư đang đau đầu vì cái Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trong đó có quy định cho phép HS dùng điện thoại trong giờ học. Từ khi biết thông tin này, cháu trai của Tư mới học lớp 6 cứ nằng nặc đòi cha mẹ phải mua cho nó một cái ĐTDĐ, mà phải là di động thông minh mới chịu!

- Theo như Bề Tui biết, tại Điều 37 Thông tư 32 quy định “Các hành vi HS không được làm” nguyên văn thế này: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”. Vì vậy, phải hiểu cho đúng bản chất của quy định này. Hơn nữa, thời đại công nghệ số rồi, không nên cấm đoán việc trẻ sử dụng ĐTDĐ. Thực tế, nhiều trẻ vẫn được cha mẹ trang bị ĐTDĐ để liên lạc, quản lý đó thôi…

- Tư cũng biết điều đó chứ, nhưng với cách viết như thế thì có thể hiểu theo cách này: HS được dùng điện thoại trong lớp học cho mục đích học tập và khi được GV chấp thuận. Tư đây cũng biết, thời đại công nghệ số mà cấm trẻ sử dụng ĐTDĐ thì… cổ lỗ sĩ lạc hậu quá. Tuy nhiên, điều Tư quan ngại ở đây là có không ít trẻ vì “nghiện” các trò chơi điện tử, nghiện facebook… sẽ nhân cơ hội này mà “qua mặt” cha mẹ, GV để thỏa “cơn ghiền” của mình trong giờ học. Đó là chưa nói đến chuyện trẻ lạm dụng thiết bị công nghệ dẫn đến việc mất tập trung, không chịu khó động não suy nghĩ, giết chết tư duy sáng tạo… Ngoài ra, việc sử dụng các thiết bị này không đúng cách, khoa học còn dẫn đến việc giảm thị lực và hại sức khỏe… Tư thấy việc cho phép HS sử dụng điện thoại trong giờ học “hại” nhiều hơn “lợi”. Điều mà bọn trẻ cần trang bị  trong quá trình học tập chính là kiến thức, các kỹ năng sống, là đạo đức, lối sống… Đó là Tư chưa nói đến chuyện cũng vì chuyện này sẽ tạo nên sự tự ti, mặc cảm đối với những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ không có điều kiện để mua sắm, trang bị cho con ĐTDĐ để bằng bạn, bằng bè…

Ờ... ờ! Nghe Tư phân tích, Bề Tui đồng ý với quan điểm của Tư. Đúng là Bộ GD-ĐT cần xem xét và điều chỉnh lại trong việc nới lỏng quy định này. Dù là việc nới lỏng này nhằm để phù hợp với chủ trương “khuyến khích GV, HS sử dụng và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học” thì vẫn “lợi bất, cập hại”.

Bề Tui