Lời giải cho nguồn năng lượng
(Cadn.com.vn) - “Mặc dù trình độ công nghệ còn ở mức khiêm tốn, tiềm lực kinh tế còn khó khăn nhưng nếu không giải quyết được bài toán về nguồn năng lượng điện cho nhu cầu phát triển KT-XH thì đến năm 2020, Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại như chúng ta mong muốn” - Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cảnh báo. Phát triển điện hạt nhân là tất yếu, nhưng phát triển thế nào là vấn đề đang được quan tâm.
Không thể khác
Theo ông Lê Doãn Phác - Phó Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KHCN), thực tế ở nước ta cho thấy từ nay đến năm 2020, nguồn cung ứng điện từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) và năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời...) đang dần cạn kiệt, sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH. Các nguồn năng lượng mới (gió, mặt trời, địa nhiệt...) đã và đang được nghiên cứu, khai thác nhưng không ổn định, giá thành còn cao.
Mặc dù được ưu tiên phát triển nhưng chỉ trong một thời gian nữa, các nguồn năng lượng này chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ trong tổng sản lượng năng lượng quốc gia. Do vậy, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ chuyển từ nước xuất khẩu năng lượng sang nhập khẩu năng lượng.
Hiện nay, việc nhập khẩu nhiên liệu để sản xuất điện và nhập khẩu điện đã được tiến hành, nhưng cũng bị hạn chế và phụ thuộc vào nguồn cung, diễn biến thị trường năng lượng trên thế giới, đặc biệt là trong tương lai một số thị trường xuất khẩu năng lượng sẽ bị thu hẹp. Ngoài ra, khả năng dự trữ nhiên liệu nhập khẩu dài ngày (kho, bãi, bể chứa...) cũng hạn chế.
Trong vài chục năm tới, Việt Nam vẫn chưa có thêm các nguồn năng lượng mới khác được đưa vào khai thác và sử dụng thương mại rộng rãi với giá cả hợp lý, chấp nhận được. Ông Phác khẳng định: “Như vậy, xét về dài hạn, các giải pháp hiện nay bao gồm khai thác năng lượng truyền thống, phát triển năng lượng mới, nhập khẩu năng lượng vẫn tiềm ẩn khả năng không đáp ứng được nhu cầu, không bảo đảm an ninh cung cấp năng lượng cho đất nước”.
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân từng bày tỏ quan điểm: “Thực tế ở Việt Nam cho thấy, trong thời gian từ nay đến năm 2020, chúng ta cũng chưa nhìn thấy công nghệ để sản xuất điện thay thế được nguồn năng lượng cổ điển như than, dầu, khí thiên nhiên và hạt nhân.
Vì thế chúng ta vẫn phải nghĩ đến phát triển nhà máy điện hạt nhân (NMĐHN) cho đến khi thế giới tìm thấy được nguồn năng lượng thay thế”. Bộ trưởng Quân cũng cảnh báo: “Mặc dù trình độ công nghệ còn ở mức khiêm tốn, tiềm lực kinh tế còn khó khăn nhưng nếu không giải quyết được bài toán về nguồn năng lượng điện cho nhu cầu phát triển KT-XH thì đến năm 2020 Việt Nam không thể trở thành một nước công nghiệp hiện đại như chúng ta mong muốn”.
Phối cảnh nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam. |
Những bước đi cẩn trọng
Theo ông Lê Doãn Phác, từ năm 1996, Việt Nam đã tiến hành nhiều nghiên cứu về phát triển năng lượng bền vững, bao gồm cả việc xem xét vai trò của điện hạt nhân trong hệ thống năng lượng quốc gia. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nhiều bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường ĐH và các tổ chức liên quan đã tham gia vào các chương trình, đề tài, DA nghiên cứu.
Giai đoạn 1996-2011, Chính phủ đã phê chuẩn và đầu tư kinh phí cho các chương trình và đề tài, DA như chương trình quốc gia về phát triển năng lượng bền vững, nghiên cứu tổng quan đưa điện hạt nhân vào Việt Nam, nghiên cứu làm rõ một số vấn đề liên quan đến phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam, đề án xây dựng Chiến lược sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình ở Việt Nam đến năm 2020...
Nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước, Đảng và Chính phủ đã sớm quan tâm, chỉ đạo lĩnh vực này. Nghị quyết T.Ư lần 2 khóa VIII đã yêu cầu: “Chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2000”.
Văn kiện Đại hội Đảng khóa IX đã đề ra nhiệm vụ: “Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử”. Để cụ thể hóa chủ trương này, nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành các chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch liên quan đến phát triển điện hạt nhân.
Ngày 25-11-2009, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư DA điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển KT-XH đất nước và tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, NMĐHN Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, H. Thuận Nam; NMĐHN Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, H. Ninh Hải.
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định hướng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, trong đó nêu rõ mục tiêu từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp điện hạt nhân Việt Nam bảo đảm quản lý an toàn và khai thác hiệu quả các NMĐHN, từng bước tăng dần tỷ lệ tham gia của các ngành công nghiệp trong nước vào việc thực hiện các DA xây dựng NMĐHN, tiến đến tự chủ về thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng các NMĐHN.
Theo đó, đến năm 2020 xây dựng NMĐHN đầu tiên bao gồm hoàn thành việc xây dựng và đưa tổ máy đầu tiên của NMĐHN Ninh Thuận 1 vào vận hành phát điện thương mại năm 2020, tổ máy 2 vào vận hành năm 2021. Đến năm 2030, triển khai xây dựng các NMĐHN tiếp theo, đưa điện hạt nhân thành một trong những nguồn năng lượng chủ lực của đất nước, chiếm tỷ lệ thích hợp trong cơ cấu nguồn điện của quốc gia.
N.T