Lỗi hẹn những mùa trăng
(Cadn.com.vn) - Không còn là đứa trẻ háo hức đếm từng ngày đến Trung thu để được nhận quà, không còn nỗi mong ngóng mỗi tối được ùa ra đường đi theo đám múa lân với những chiếc lồng đèn xanh đỏ, nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên niềm hân hoan xen lẫn những cảm giác không thể gọi thành tên mỗi độ trăng rằm vào mùa đẹp nhất trong năm.
Tôi không nhớ chính xác từ năm nào, đèn ông sao dán giấy màu xanh đỏ đã được thay thế bằng chiếc lồng đèn điện hình con cá, con cua, hình thiên nga... Tiện ích thật đấy, chỉ cần bỏ vào hai cục pin, bật công tắc, đèn không chỉ rực sáng mà còn có nhạc nữa. Thuở ấy, có được chiếc đèn thế kia kể cũng đã tự hào lắm lắm, dường như là một niềm hãnh diện khi mang trên tay chiếc lồng đèn kỳ diệu, đi theo ông lân khắp các ngả đường... Còn tôi, niềm khao khát con trẻ không dám cất thành lời bởi gánh nặng áo cơm với nhà tôi ngày ấy cũng đã gần như quá sức. Tôi có cách chơi đèn của riêng tôi.
Năm ấy tôi học lớp 2, môn Thủ công có mục “dán lồng đèn”. Vốn không khéo tay và cũng là quá nhỏ bé để có thể làm những việc chẻ, chuốt, đan lát, tôi bỏ cả một buổi trưa bêu dưới nắng, đi nhặt nhạnh những lạt tre mẹ đan rổ rá bỏ lại bên nhà, mang về ngâm rồi rửa sạch. Chỉ riêng cái “tiết mục” này cũng đã làm mất của tôi không biết bao nhiêu là... máu. Những chiếc lạt được tuốt sạch cũng là lúc hai bàn tay tôi nát bét bởi những lằn ngang dọc do tre cứa.
Nỗi đau trên da thịt không lấn át được niềm khát khao chiếc đèn lồng rực rỡ. Tôi lục tìm những tờ giấy kiếng đủ màu (ngày ấy thường dùng để gói bánh in vào những dịp Tết), cắt thành hình tam giác, cắt giấy màu trang trí viền hình răng cưa... Loay hoay hết cả buổi chiều rồi tôi cũng đã có chiếc đèn cho riêng mình. Giấy kiếng vàng đỏ lung linh, giấy màu rực rỡ. Chỉ còn thiếu cây đèn nữa thôi là tôi có thể tung tăng xuống phố đêm rằm.
Chiếc đèn lồng của tôi được cô giáo khen đẹp nhưng... sặc sỡ quá (đèn của các bạn tôi toàn nhờ ba mẹ, anh chị làm rồi mang lên lớp nộp). Cô mang chiếc đèn của tôi ra trước lớp làm mẫu, tôi chợt òa khóc. Lúc đó và cả đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu vì sao ngày ấy tôi lại bật khóc trong một hoàn cảnh rất... đáng tự hào thế kia. Một chút hạnh phúc, một chút tủi thân, một chút xót xa bởi mình là... con nhà nghèo. Gần 20 năm, bây giờ, trong dòng chảy khắc nghiệt của cơm áo gạo tiền, đôi lúc ngồi nhớ lại chiếc lồng đèn và những vết thương trên hai bàn tay ngày ấy, tôi mỉm cười một mình mà khóe mắt cay xè.
Chiếc đèn được tôi treo ở vị trí trang trọng trong phòng. Tôi mong từng ngày cho đến Trung thu, chỉ để được mang chiếc đèn lồng tự tay mình làm theo đám rước. Trung thu của tôi ngày ấy không có bánh dẻo, bánh nướng mỹ miều thơm ngọt trong những chiếc hộp sang trọng mà ngoại tôi vẫn thường nói “tiền hộp nhiều hơn tiền bánh” như ngày nay. Các mẹ, các bà góp nhau năm trăm, một nghìn đồng để mua quà cho cháu. Chiều 14, niềm hân hoan lớn nhất là khi cô đại diện Hội phụ nữ mang một túi quà to, đến nhà phát cho mỗi cháu một phần.
![]() |
Nhớ Trung thu xưa... |
Tôi còn nhớ, phần quà của tôi năm ấy thường là vài chiếc bánh quy, một cái bánh bông lan, dăm bảy viên kẹo. Tôi thích nhất là chiếc bánh tạc thành hình con lợn, có hai tai bé bé. Bánh toàn là bột mỳ, không nhân, nhưng bao giờ tôi cũng để dành ăn sau cùng. Tôi cũng không ăn ngay một lần hết “con lợn” ấy, mà chia ra làm nhiều phần, ngày đầu khi mới “làm thịt” con lợn, tôi chỉ dám ăn phần đuôi, cái thủ lợn mum múp luôn được tôi để đến cuối độ trăng rằm. Khi cái đầu con lợn bị “xử” xong cũng là lúc mùa Trung thu của tôi đã hết.
Những năm về sau, khi không còn được nhận quà Trung thu từ các mẹ, các bà nữa, có lúc tôi quay quắt đi tìm chiếc bánh lợn của một thời, nhưng chẳng nơi nào bán, thay vào đó những hộp bánh sang trọng đắt tiền người lớn không mua cho trẻ con mà lại mua cho... người lớn. Có lẽ chẳng ai như tôi, ngẩn ngơ tiếc nhớ về món bánh của một thời cơ cực mà nếu đem cho trẻ con bây giờ, chắc là chẳng đứa nào chịu ăn.
Còn nhớ lần đầu tiên được ba dẫn đi xem múa lân, tôi sợ ông địa đến khóc thét lên, nép vào chân ba tìm sự che chở. Những mùa Trung thu sau, tôi không còn sợ ông địa nữa và có thể một mình chạy ra đường hòa vào đám múa lân đi khắp ngõ ngang lối dọc. Ba tôi dạy, đi chơi phải xin phép, nhưng những đêm trăng rằm, chỉ đợi nghe tiếng trống lân lốc cốc đầu đường là tôi ù té chạy ra cổng mà quên mất lời ba dặn. Có hôm đi theo đám rước, tôi bị lạc xa thật xa, vừa khóc vừa lần tìm lối về, đến nhà đã gần 12 giờ khuya.
Chim đủ cánh phải rời tổ mẹ. Đã tám mùa trăng tôi xa quê, xa nhà. Trước rằm Trung thu 3 ngày tôi thắt lòng khi nhận được tin bão đổ bộ vào Đà Nẵng. Bỏ dở công việc, suốt một ngày tôi chỉ ngồi theo dõi biểu đồ bão và cập nhật liên tục tin tức về cơn bão càn quét dữ dội đất quê. Để đến cuối ngày, nỗi lo lắng trong tôi òa vỡ khi biết tin cơn bão đã đi qua. Nhưng lại thoáng một chút đắng lòng, Trung thu này, các em nhỏ quê tôi có rộn ràng lân trống? Lại thêm một mùa ở quê tôi, trăng rằm tháng Tám không tròn.
Xa quê, xa nhà. Khắp các ngả đường rực rỡ lồng đèn, nhất là các khu phố của người Hoa. Năm nay lồng đèn giấy trở lại chiếm một diện tích lớn thay cho lồng đèn điện. Buổi chiều trên đường về sau giờ tan sở, tôi lại thấy các em nhỏ ríu rít dán đầu lân. Ông lân ngày càng tân tiến, bây giờ đến bộ râu cũng được gắn điện chớp sáng nữa. Tôi đứng lặng tìm lại mình trong đó, nghe trong lòng cuộn lên nỗi xao xác nhớ quê. Nơi ấy, mẹ vẫn đợi tôi về, nấu cơm cho tôi ăn sớm để đi xem múa lân. Ba vẫn đợi tôi về để dỗ dành, vỗ về tôi trong nỗi sợ ông địa ngày nào. Đã tám mùa trăng tôi lỗi hẹn với ước mơ tôi.
Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ. Để thấy một tôi đang mải miết chảy xuôi giữa chập chờn ánh nến ngày thơ, với các anh tôi ấm áp chở che bằng ánh đuốc đỏ rực soi đường. Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ để thấy một tôi khác đang cố gắng bươn chải giữa một Sài thành nhộn nhịp, đôi lúc vỡ tan một khao khát được trở về bên vòng tay ba mẹ. Tôi đi tìm mình trong những mùa trăng cũ, để thấy một tôi khác nữa đang trở về sau những mùa trăng lỗi hẹn.
Trần Phượng