Lối mở cho người lầm lỗi

Thứ sáu, 01/01/2016 10:44

(Cadn.com.vn) - Những con người từng “khoác” án về tội giết người, cướp tài sản hay trộm cắp tài sản... nghĩ rằng cuộc đời như khép lại. Thế nhưng sau khi ra trại, được sự giúp đỡ từ mô hình “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” của xã Thủy Thanh (TX Hương Thủy, TT-Huế) và từ nghị lực của bản thân, họ đã vươn lên làm lại cuộc đời...

Trần Duy Thịnh năm nay 32 tuổi, ở thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh. Không ai ngờ, 15 năm trước, khi còn là học sinh lớp 11, Thịnh phạm tội giết người. Thời đó, Thịnh trọ học ở thành phố, vào dịp nghỉ hè, Thịnh đạp xe về quê thăm nhà. Đúng hôm đó, có đoàn lô-tô về làng biểu diễn nên Thịnh xin gia đình ở lại chơi. Tối đó, Thịnh cùng nhóm bạn đi chơi thì có anh Hùng ở xã Hương Hồ (giáp với xã Thủy Thanh) qua chọc ghẹo bạn gái trong làng nên Nguyễn Viết Chiêm (bạn của Thịnh) có mâu thuẫn với anh Hùng nên đuổi đánh. Thấy Chiêm chạy đuổi đánh anh Hùng thì Thịnh cùng các bạn cũng chạy theo. Không ngờ khi đến gần bến nước đầu làng, anh Hùng nhảy xuống sông và tử vong...

Thịnh là một trong 5 người bị kết án 12 năm tù về tội “Giết người” với vai trò đồng phạm. Thịnh tỏ ra hối hận: “Chỉ vì một phút bồng bột của tuổi thanh niên để rồi tôi cùng bạn bè đã gây ra tội lỗi cho người khác, dù là gián tiếp”. Trong ký ức của Thịnh, ngày vào trại giam Bình Điền, cứ mỗi buổi sáng nghe cán bộ quản giáo điểm danh, gọi tên Trần Duy Thịnh phạm tội giết người, Thịnh lại giật cả mình vì vẫn thấy rùng rợn bởi hai chữ “giết người”. Những ngày đầu ở  tù, Thịnh cứ bị ám ảnh, cảm thấy bế tắc trong cuộc sống và mất hết niềm tin. “Nhưng rồi ngày qua ngày, được sự giúp đỡ, dạy dỗ, cảm hóa của những cán bộ quản giáo, tôi dần thức tỉnh. Tôi cố gắng cải tạo tốt, có nhiều đóng góp tích cực cho trại giam, vì vậy được giảm án đến 6 năm”- Thịnh nhớ lại.

Công an xã Thủy Thanh trò chuyện, thăm hỏi Trần Duy Thịnh (giữa).

Ngày ra tù, cởi bỏ chiếc áo sọc đen, Thịnh nói rằng: “Tôi vui lắm và đã khóc to thành tiếng”. Nhưng niềm vui chưa qua thì thanh niên này lại bị “sốc” khi mà nhiều ông chủ nơi Thịnh đến xin làm công nhân đều nhìn với ánh mắt đầy nghi ngờ. Nhưng khi nói chuyện, nhìn khuôn mặt, ánh mắt của Thịnh; nhiều ông chủ nhận ra rằng, đây là con người tốt và có thể đã phạm tội nhất thời nên cho Thịnh cơ hội. Năm  2010, Thịnh được CLB “Cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương” hỗ trợ vay vốn và cho đi tham quan, học hỏi mô hình chăn nuôi. Trở về nhà, Thịnh mạnh dạn đầu tư nuôi thủy cầm kết hợp với mô hình cá lúa với diện tích hàng ngàn mét vuông. Mỗi năm, Thịnh thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Không chỉ chăm chỉ làm ăn, giúp đỡ người khác, năm 2014, Thịnh phát hiện một nhóm 4 đối tượng đột nhập nhà dân lấy trộm tài sản, đã nhanh chóng cùng với người dân kịp thời khống chế bắt giữ đối tượng, bàn giao cho cơ quan CA. Thịnh đã được Giám đốc Công an tỉnh TT- Huế tặng giấy khen.

Điểm tựa cho người hoàn lương

Trần Duy Cư (47 tuổi) ở xã Thủy Thanh từng là một tên trộm khét tiếng  Đà Nẵng. Khoảng vào những năm 1990, nhà ở Huế nhưng Cư thường xuyên vào Đà Nẵng buôn bán thuốc lá. Làm có tiền nên Cư sa đà vào cờ bạc. Đến khi bao nhiêu tài sản “đội nón” ra đi, Cư đi trộm cắp. Cư đã trộm một số lượng tiền và vàng rất lớn và bị TAND Đà Nẵng tuyên phạt 11 năm 6 tháng tù. Ngày ra tù, Cư trở về quê nghèo và hứa làm lại cuộc đời. “Khi nớ, vừa đi về đầu làng, nhiều người nhìn tôi với ánh mắt kỳ thị, nghi ngờ rằng “ngựa quen đường cũ”. Tôi nản lắm, định bỏ đi vào Nam vì mất hết rồi. Nhưng quá may mắn, lúc đó, mấy anh cán bộ ở xã Thủy Thanh đến nhà hỏi thăm. Mấy anh nói, mô hình giúp đỡ người lầm lỗi của xã có dự án khuyến công 50 triệu đồng để hỗ trợ cho tui làm kinh tế và còn được cấp đất nữa. Ban đầu, tui tưởng mấy anh nói giỡn nhưng không ngờ lại là thiệt. Tui gật đầu cái rụp”- Cư nhớ lại.

Anh Trần Duy Cư trò chuyện với Trưởng CAX Thủy Thanh Ngô Quang Rin về những dự định
sắp tới về việc mở rộng khu du lịch sinh thái.

Hơn 10 năm nay, từ mảnh đất khô cằn, Cư đã “biến” thành khu du lịch sinh thái kết hợp với dịch vụ ăn uống phục vụ du khách trong và ngoài nước cùng người dân địa phương. “Hôm đó, có một đoàn cán bộ công an ra ở miền Nam ra tham quan cầu ngói Thanh Toàn, rồi ghé vào quán tui ăn. Họ thấy tui tay vừa quạt than, tay cầm con gà bọc đất sét đang nướng giữa vườn, ai cũng chạy đến hỏi. Khi tui kể về quá khứ của mình, ai cũng không tin; rồi họ động viên tui cố lên”- Cư kể. Trung bình, mỗi năm Cư thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Hiện, anh đã lấy vợ và có hai con. Đối với những anh em mới ra tù, anh thường hay gặp gỡ động viên, chia sẻ, giúp đỡ họ trong cuộc sống hoặc nhận vào lao động tại khu dịch vụ của anh với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Dẫn chúng tôi đi về phía khu vườn sinh thái, Cư nói: “Nếu không có sự giúp đỡ của mấy anh trong câu lạc bộ cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi hoàn lương của xã Thủy Thanh, chắc chắn tui sẽ không bao giờ có được như hôm nay”. Cư cho biết, mỗi khi thấy có những đối tượng ở xa đến địa phương với dấu hiệu nghi vấn, anh đều bí mật trình báo cơ quan CA. Anh cũng đóng góp rất nhiều cho phong trào thôn, xã và được các cấp, ngành ghi nhận, tặng giấy khen.

Trưởng CAX Thủy Thanh Ngô Quang Rin cho biết, anh Cư và anh Thịnh là hai cá nhân vinh dự được tham dự hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình trong việc thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Hải Lan