Lối mở qua “cơn giông bão”

Thứ tư, 22/06/2016 10:33

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-6, tại TP Đông Hà, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cùng Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam tổ chức tổng kết Dự án Bảo vệ nạn nhân - Chương trình Chấm dứt mua bán người (ETIP) tại Quảng Trị sau 5 năm triển khai (từ tháng 10-2011 đến 6-2016). Theo Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tại Việt Nam, ngoài Quảng Trị, dự án trên còn thực hiện tại Quảng Nam và Yên Bái với mục tiêu tăng cường các dịch vụ bảo vệ những người ảnh hưởng và nạn nhân mua bán người ở khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đồng thời củng cố quá trình tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Ghi nhận riêng tại Quảng Trị, với sự vào cuộc tích cực của các lực lượng chức năng, dự án đã mở ra nhiều cơ hội thực sự làm đổi thay những cuộc đời tưởng chìm sâu trong đau đớn và tuyệt vọng.

BĐBP tỉnh Quảng Trị thăm, hỗ trợ một nạn nhân bị đưa vượt biên sang Lào và ép bán dâm.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị cho biết, kết quả điều tra, phát hiện từ năm 2001 đến 2014, trên địa bàn có 9 nhóm/18 đối tượng thực hiện hành vi mua bán người, trong đó có 7 nhóm/13 đối tượng mua bán người sang Trung Quốc, còn lại sang Lào. Số liệu rà soát người mất tích, nạn nhân bị mua bán và có dấu hiệu là nạn nhân bị mua bán tính đến nay cho kết quả với 26 chị em bị bán sang Trung Quốc, 6 người bị lừa bán sang Lào, 13 người có dấu hiệu là nạn nhân, hiện còn có 10 người bị mất tích. Nhưng bên cạnh đó, các lực lượng chức năng đã kịp thời giải cứu và hỗ trợ đưa được 27 người trở về Việt Nam. Hồi hương mang theo nỗi đau tinh thần, thể xác, mặc cảm và nghề nghiệp không ổn định, nghèo khó, các nạn nhân đứng trước nguy cơ rơi vào cạm bẫy lần nữa. Trước hoàn cảnh nghiệt ngã này, họ đã được tiếp cận dự án Bảo vệ nạn nhân, từ đó thụ hưởng nhiều hỗ trợ, đặc biệt là tạo sinh kế bền vững để vươn lên trong cuộc sống.

Chia sẻ của nạn nhân P. (1986) đến từ TX Quảng Trị cho chúng ta thấy rõ kết quả đáng ghi nhận ấy. P. thất học từ sớm, bố tàn tật, mẹ lại đau ốm thường xuyên nên gia cảnh vô cùng khó khăn. Vào tháng 5-2006, P. được một phụ nữ phỉnh dụ ra Hà Nội bán hàng ở siêu thị với mức lương khá. Lần đầu rời xa gia đình, P. chỉ biết theo sự chỉ dẫn của người phụ nữ nọ. Bà ta còn cho P. uống thứ nước mà chỉ thấy mê mệt, hơn 1 ngày đêm sau tỉnh lại thì P. mới nhận ra đã bị bán vào “động mại dâm” tại Trung Quốc. Sau gần 1 năm trở thành nô lệ tình dục của “động quỷ”, P. trốn về được Việt Nam. Lấy chồng rồi sinh con, những tưởng êm ấm nhưng người chồng luôn ám ảnh về quá khứ đau buồn của vợ, thay vì thương cảm, giúp đỡ thì người bạn đời của P. chọn cách rời bỏ, để lại chồng chất khó khăn lên đôi vai người vợ tội nghiệp.

Biết được hoàn cảnh của chị, Chương trình ETIP cùng với cơ quan đối tác gồm Sở LĐ - TB & XH, Phòng LĐ - TB & XH thị xã và chính quyền nơi chị P. sinh sống tìm biện pháp giúp chị vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định. Từ nguồn kinh phí của dự án, chị P. được hỗ trợ mua một máy nổ, máy ép plastic và xe đẩy bán hàng lưu động. Sau một thời gian, cuộc sống đã ổn định, chị mạnh dạn tiếp tục vay vốn mở rộng làm hàng lưu niệm thủ công. “Lúc khó khăn, đau đớn tôi dường như qụy ngã, chỉ nghĩ đến cái chết. Nhưng giờ tôi đã thấy cuộc sống ý nghĩa hơn sau khi được giúp đỡ. Cuộc đời của tôi đã sáng lại rồi” - P. tâm sự đầy xúc động.

3 đối tượng trong một đường dây buôn bán người bị bắt.

Lực lượng BĐBP bắt giữ một đối tượng buôn bán người.

Câu chuyện của chị G. (1959, trú H. Hải Lăng) cũng là lời cảnh giác đến nhiều chị em khó khăn khác. Năm 1997, chị được một người móc nối đưa sang Trung Quốc lao động chui với lời hứa lương cao, thu nhập ổn định. Chị G. nghẹn ngào để lại đàn con 5 đứa cho chồng chăm sóc rồi sang xứ lạ với hy vọng đổi thay kinh tế gia đình. Nhưng đến đó, chị mới hay mình bị bán để làm vợ của một người đàn ông vùng núi. 3 năm quay quắt nhớ thương chồng con và hối hận bởi sự nông cạn của mình, chị G. nhiều lần bỏ trốn nhưng bất thành. Cho đến khi gặp được một người Việt Nam tốt bụng giúp đỡ, chị đã lần ra được vùng giáp Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Từ đây, lực lượng CA Trung Quốc liên hệ với CA Việt Nam đưa chị về quê.

Mừng như sống lại nhưng chị G. lại bị tổn thương tinh thần nghiêm trọng, đặc biệt đời sống gia đình càng trở nên khốn đốn sau ngày chị bị lừa bán. Cái đói cứ bao quanh lấy gia đình chị. “Trước hoàn cảnh này thì dự án tìm đến, cả nhà tôi quá đỗi hạnh phúc khi được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò, gà. Đến bây chừ thì có của để dành rồi đó” - giọng chị G. như reo.

Không chỉ chị P., chị G. mà nhiều nạn nhân khác được hỗ trợ sinh kế, y tế như máy ép nước mía, BHYT cùng nhiều vật dụng thiết yếu khác. Bà Nguyễn Hải Anh, Điều phối viên Dự án phấn khởi khi nạn nhân được hỗ trợ sinh kế có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, từ đó tích cực đóng góp trở lại cho hoạt động phòng chống mua bán người.

Phát huy kết quả đạt được của dự án cũng như khắc phục những tồn tại gặp phải thời gian qua, Quảng Trị tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm mua bán người và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân, trong đó tạo sinh kế bền vững cho nạn nhân sẽ rất được quan tâm, chú trọng.

Bài, ảnh: Bảo Hà