“Lời nhắc nhở” với Pakistan
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong tuần qua đã có chuyến thăm đáng chú ý đến Ấn Độ, trong đó có bài phát biểu quan trọng tại thành phố Ahmedabad. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất hành tinh đến quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Vì vậy, chuyến thăm này có ý nghĩa đối với tất cả Nam Á. Ngoài ra, New Delhi chủ yếu được xem là người bạn đáng tin cậy để Washington chống lại sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong khu vực. Giống như người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump quyết định không đến Pakistan trong chuyến thăm Nam Á này. Vì vậy, sự kiện ngoại giao này có ý nghĩa không chỉ đối với Trung Quốc mà còn đối với Pakistan.
Trong bài phát biểu, ông Trump đã không nói về các cuộc biểu tình đang diễn ra ở Ấn Độ chống lại Đạo luật Sửa đổi quyền Công dân (CAA) gây tranh cãi hoặc về tình cảnh của hai khu vực tranh chấp Jammu và Kashmir. Ông chủ Nhà Trắng, vốn đang rất cần một thỏa thuận hòa bình với Taliban ở Afghanistan để tăng cơ hội tái đắc cử, chỉ đề cập đến Pakistan vì lợi ích chính trị của mình. Ông nói rằng Mỹ có quan hệ rất tốt với Pakistan và hy vọng sẽ giảm căng thẳng trong khu vực.
Mặc dù giới truyền thông Pakistan hô hào rằng, tuyên bố của ông Trump như vậy là một chiến thắng ngoại giao, nhưng thực tế là ông Trump chỉ nói về Pakistan theo kiểu “cho có”. Chính phủ Thủ tướng Nawaz Sharif trước đây đã xoay xở thoát dần sự phụ thuộc vào Washington và Riyadh, và ông Sharif đã cố gắng xây dựng mối quan hệ với khối mới nổi của Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Không chỉ vậy, ông Sharif còn có thể duy trì mối quan hệ suôn sẻ với New Delhi và với chính Thủ tướng Modi bất chấp những chỉ trích ở trong nước. Tuy nhiên, ông Sharif đã phải trả giá khi cố gắng thay đổi chính sách đối ngoại mơ hồ và bịt mắt của Pakistan, vốn chìm trong các quyết định tư pháp gây tranh cãi. Kể từ khi ông Sharif bị cách chức, Pakistan cho đến nay không thể duy trì chính sách đối ngoại tiến bộ.
Chuyến thăm của Trump tới Ấn Độ đã giúp ông Modi khỏi “một bàn thua trông thấy” khi nhà lãnh đạo này đối mặt với nhiều chỉ trích trong xử lý vấn đề Kashmir và luật hạn chế quyền công dân của các cộng đồng thiểu số Hồi giáo từ 3 nước láng giềng. Nhưng chính nó cũng là “lời nhắc nhở” với Pakistan. Đã đến lúc Islamabad kiểm tra lại chính sách đối ngoại của mình và thoát khỏi xiềng xích của Washington và Riyadh. Islamabad không chỉ cần nhìn xa hơn chính sách đối ngoại truyền thống phụ thuộc vào Riyadh và Washington mà còn phải duy trì mối quan hệ cân bằng và định hướng kinh doanh với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Họ cũng cần tập trung chú ý vào việc tìm kiếm cơ hội ở Đức, vì sau khi Vương quốc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, Berlin sẽ dẫn đầu Châu Âu.
THANH VĂN