Lớp học đặc biệt của Trung úy Công an

Thứ bảy, 24/04/2021 23:12

Dù bận rộn với công tác chuyên môn, thế nhưng với mong muốn mang đến lời ca tiếng hát để gắn kết, truyền lửa tinh thần đến những hoàn cảnh không may trong cuộc sống, Trung úy Lê Hoàn (26 tuổi, cán bộ Đội An ninh, Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) vẫn dành thời gian mở lớp dạy guitar miễn phí cho thanh niên khuyết tật. Với anh, cuộc sống tươi đẹp khi con người san sẻ cho nhau yêu thương, lan tỏa thông điệp về tình người.

Lớp học đặc biệt của Trung úy Hoàn được duy trì suốt 2 năm qua.

Truyền lửa đam mê

Hơn 2 năm nay, căn phòng nhỏ tại Trung tâm Hướng nghiệp và Từ thiện thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) vang lên âm thanh ngân nga từ tiếng đàn guitar nghe rất du dương, truyền cảm hứng. Trong căn nhà ấm áp ấy, 7 cô cậu học trò đang cần mẫn tập đàn, tập hát.

Trung úy Lê Hoàn, là cán bộ trẻ, anh đã trải qua nhiều lĩnh vực công tác nghiệp vụ khác nhau. Ngoài công tác chuyên môn, anh còn đem lời ca tiếng hát của mình đến với những thanh thiếu niên khuyết tật, những mảnh đời bất hạnh, góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân. Nhận thấy các em khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội cần được bảo vệ che chở, Trung úy Hoàn đã mở lớp học này. Đều đặn mỗi tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần, Hoàn luôn dành thời gian truyền lửa đam mê đến những “người bạn” của mình. Việc dạy đàn cho người bình thường đã khó, dạy cho các bạn kém may mắn còn khó hơn gấp nhiều lần. Có bạn bị bệnh về mắt, bạn thì run tay, bạn chậm tiếp thu… nên việc dạy đôi lúc khó khăn. “

Nhiều lúc dạy hôm nay, thì hôm sau các bạn lại quên. Nên khi từ đầu mở lớp tôi không đặt kì vọng cao là các bạn sẽ đàn tốt, đàn giỏi. Chỉ hy vọng sân chơi này tạo cho các bạn một không gian sống vui tươi hơn, lạc quan, yêu đời để quên đi khiếm khuyết của bản thân”, anh Hoàn chia sẻ.

Trong quá trình luyện tập nhiều em không có được khả năng và đam mê đối với lĩnh vực âm nhạc này nên ban đầu lớp được 9 em, bây giờ duy trì và động viên còn 7 em theo học. Hiện tại có bạn đã bắt đầu thành thạo và đã đánh được một số bản nhạc cơ bản. Không những vậy, một số bạn còn có thể vừa đàn vừa hát.

Trương Quang Hiếu (20 tuổi, quê Quảng Ngãi) là học trò “ưu tú” của thầy Hoàn vốn bẩm sinh đã bị cận. Em nhìn mọi vật xung quanh chỉ thấy mờ mờ. Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân và sự chỉ dạy tận tình của thầy Hoàn, Hiếu đã thực hiện được ước mơ của mình là biết chơi đàn. “Tuy đàn vẫn chưa tốt, và còn sai sót nhưng em rất muốn cảm ơn thầy Hoàn. Em mong muốn thầy sẽ luôn đồng hành để tiếp tục dạy cho nhiều người khuyết tật như tụi em. Chơi đàn mang lại nguồn động lực rất lớn, vừa truyền cảm hứng, nghị lực sống mà lại giúp em rèn luyện được sự kiên nhẫn trong cuộc sống”, Hiếu bộc bạch.

Em Nguyễn Thị Vân Anh (17 tuổi, quê Quảng Nam) vốn bị tật run tay bẩm sinh, nên từ nhỏ em làm gì cũng khó khăn. Vân Anh chia sẻ: “Lúc bắt đầu, em cũng rất khó khăn trong việc dùng lực và điều khiển ngón tay, nhưng nhờ nỗ lực của bản thân sự và động viên của thầy Hoàn, bệnh run tay của em nhờ thế cũng được cải thiện”.

Sống là cho…

Theo anh Hoàn, nguồn cảm hứng giúp anh mở lớp guitar tới từ Đại úy Trần Anh Tuấn, người dạy đàn miễn phí cho học sinh khiếm thị ở Hà Nội. Sau khi được gặp giao lưu và học hỏi về những hoạt động này, anh đã mang mô hình về với Đà Nẵng. Từ đó anh đồng hành với công tác thiện nguyện tại Trung tâm Hướng nghiệp và Từ thiện.

Gọi anh là nghệ sĩ, nhạc sĩ hay ca sĩ đều đúng cả. Tuy nhiên Hoàn vẫn thích nhất khi được gọi là một người chiến sĩ. Ngoài những giờ dạy, anh còn nghiên cứu viết nhạc. Tuy chưa trải qua trường lớp đào tạo về âm nhạc nào nhưng Trung úy Hoàn đã viết khoảng 30 tác phẩm. Các sáng tác của anh chủ yếu tuyên truyền, cổ động, xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân.

Với Hoàn, niềm vui của anh chính là được đến lớp, truyền dạy những kiến thức về âm nhạc, chơi đàn cho các bạn trẻ. “Mình xuất phát từ cái tâm thiện nguyện, không quảng cáo giới thiệu hình thức lớp học. Bản thân mình luôn tâm niệm sống là cho đi, đâu chỉ nhận riêng mình. Chính vì vậy, lớp học được mở ra là điều mình rất tâm đắc, là nơi để thầy và trò có thể gắn kết với nhau, giúp các bạn tự tin hơn với chính bản thân mình. Tôi hy vọng, mô hình truyền dạy kỹ năng cho người khuyết tật sẽ tiếp tục được nhân rộng, được nhiều người biết đến. Đặc biệt, ở các quận, huyện trên địa bàn TP cũng cần thí điểm một câu lạc bộ dạy kỹ năng cho người khuyết tật để các bạn có thể phát huy được những khả năng tiềm ẩn trong người của các bạn”.

Ngoài những nỗ lực vì cộng đồng, trong công tác chuyên môn, Trung úy Hoàn còn đạt các thành tích nổi bật như: Giải thưởng trong phong trào thi đua “Vì An ninh Tổ quốc” năm 2019, 2020; Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2020; Thành tích xuất sắc trong cuộc thi viết Tìm hiểu 75 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND Việt Nam và 17 năm Ngày hội Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc do Bộ Công an tổ chức; đạt giải B trong cuộc vận động xét chọn ca khúc tiêu biểu về đề tài CAND năm 2020; chứng nhận tác giả có ca khúc mới, chất lượng về đề tài Công an nhân dân tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng CAND lần thứ XI…

THÙY DƯƠNG