Lớp học đặc biệt

Thứ ba, 14/04/2015 09:58

(Cadn.com.vn) - Với mong muốn mang lại cho những trẻ em khuyết tật có được cơ hội đến trường học tập như các bạn cùng trang lứa và đặc biệt là được hòa nhập cộng đồng, giữa năm học 2011 - 2012, Trường tiểu học Nghi Tân (TX Cửa Lò, Nghệ An) quyết định mở 1 lớp học tình thương hoàn toàn miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật, chậm phát triển, thiểu năng trí tuệ...

Vốn là một trường học dành cho những học sinh bình thường nên việc tìm giáo viên, soạn giáo án, đưa ra lộ trình, phương pháp giảng dạy cho các em khuyết tật là vô cùng khó khăn. Thầy Nguyễn Tiến Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghi Tân cho biết: "Là lớp học đặc biệt dành cho những trẻ em tàn tật và chịu thiệt thòi trong cuộc sống nên việc tìm giáo viên dạy cho các em là điều hết sức khó khăn, giáo viên đứng lớp này phải là người tốt nghiệp ở khoa giáo dục đặc biệt ở các trường sư phạm, dũng cảm, có tâm huyết với nghề và đặc biệt là phải yêu thương học sinh mới có thể đối mặt với những "tai nạn nghề nghiệp" hoặc những tình huống bất ngờ mà các em mang lại".

Sau khi có kế hoạch thành lập lớp học tình thương cho trẻ em khuyết tật, Trường Tiểu học Nghi Tân đã dành 1 phòng học riêng và cử cô giáo Nguyễn Thị Liên, một giáo viên có kinh nghiệm và từng dạy tại lớp giáo dục đặc biệt của TX Cửa Lò đứng lớp chủ nhiệm.

Cô Liên cùng các trò đang say sưa luyện chữ.

Cô Liên chia sẻ: "Những ngày đầu vô cùng gian nan vất vả, được thầy hiệu trưởng giao trọng trách nên tôi đã liên hệ với Hội phụ nữ các phường trong thị xã để thống kê danh sách những gia đình có con, em khuyết tật rồi vận động, thuyết phục bố mẹ cho các em đến trường. Sau một thời gian vận động, thuyết phục, nhiều phụ huynh đã đồng ý cho con mình đến lớp để "học thử". Lớp học bắt đầu với 13 em và duy trì sĩ số này trong suốt 4 năm qua. Mỗi em có một khiếm khuyết khác nhau rất đáng thương. Những ngày đầu bước vào giảng dạy, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc các em vì hầu hết các em đều bị khuyết tật như khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ... Nhưng sau một thời gian rèn luyện thì hiện tại, các em đã biết cách ăn mặc sạch sẽ, biết chào hỏi mọi người, cầm bút viết chữ. Thậm chí nhiều em biết đọc, viết chữ đẹp, biết làm toán, biết kể chuyện...".

 Nhớ lại những ngày đầu đứng lớp, cô Liên vẫn nhớ như in cảnh tượng phải xoay như chong chóng giữa hơn chục đứa học trò chạy lung tung trong lớp và sang các lớp bên cạnh. Thậm chí có hôm giờ ra chơi mà lớp học ở tầng 2 nên có em leo lên ngồi ở lan can khiến ai cũng khiếp vía. Các em cũng không biết phân biệt giờ học, giờ chơi, cứ cô vào lớp là trò theo vào, cô ra khỏi lớp là trò cũng chạy theo...

Do các em rất hiếu động, nghịch ngợm, nhưng không ý thức được việc mình làm nên sau khi tan học không chịu về nhà mà lang thang khắp nơi hoặc về nhà người quen. Có hôm 12 giờ trưa rồi mà bố mẹ không thấy con đi học về nên gọi điện hỏi cô giáo. Vậy là cả cô và phụ huynh đều hốt hoảng đi tìm. Chính vì vậy, để quản lý tốt các em thì cô Liên phải lưu số điện thoại của tất cả các phụ huynh. Mỗi lần có thông báo, cô lại ghi vào mảnh giấy, dặn các em về đưa cho bố mẹ, nhưng vẫn phải gọi điện cho phụ huynh để xác minh và dặn lại.

"Dạy các em là phải dành cả tình yêu thương, bằng cái tâm nghề nghiệp và bằng cả trái tim nếu không sẽ không làm được. Vì tôi quan niệm, các em vốn đã chịu số phận thiệt thòi, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn, nên sẽ cố gắng giúp đỡ các em hết lòng", cô Liên chia sẻ.

 Chị Hoàng Thị Phan, mẹ em Phùng Thị Hằng (19 tuổi) cho biết: "Trước đây, khi chưa đi học, Hằng thường đi lung tung, không có ý thức mà cứ thích gì là làm nấy. Theo lớp học tình thương này 4 năm giờ cháu đã biết đọc, biết viết, biết làm toán cộng trừ nên gia đình phấn khởi lắm. Sau giờ học trên lớp, về nhà Hằng còn biết giúp đỡ bố mẹ dọn dẹp, giặt giũ quần áo...".

Còn chị Võ Thị Giang, mẹ của em Sơn Trung Kha (13 tuổi) thì cho biết: "Cháu Kha bị tự kỷ, rất bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai kể cả bố mẹ, ông bà. Sau khi cho cháu đi học tại lớp học đặc biệt của trường được 2 năm, bây giờ, Kha đã biết hết bảng chữ cái, các con số, học đánh vần, nhớ được số điện thoại của bố mẹ. Đặc biệt, Kha rất ý thức trong việc đi học, giao tiếp hòa nhập với mọi người. Bây giờ cháu có thể tự đi xe đạp đến trường và không là gánh nặng của bố mẹ. Gia đình rất  cảm ơn cô Liên và trường Tiểu học Nghi Tân đã tận tình dạy bảo cháu".

Chỉ có những lớp học đặc biệt với những tấm lòng đặc biệt như cô giáo Nguyễn Thị Liên thì các em học sinh khuyết tật mới vơi bớt thiệt thòi, thiếu thốn trong cuộc sống.

D.Hóa