Luật Tố cáo năm 2018 (sửa đổi, bổ sung): Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo năm 2018 (sửa đổi, bổ sung, gọi tắt LTC-2018) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 bổ sung nhiều quy định mới. Trong số đó, người dân đặc biệt quan tâm đến việc xử lý đơn tố cáo nặc danh và người tố cáo được bảo vệ như thế nào. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về Luật này, PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lương Công Tuấn- Phó chánh Thanh tra TP Đà Nẵng.
Ông Lương Công Tuấn- Phó chánh Thanh tra TP Đà Nẵng |
P.V: Ông có thể cho bạn đọc biết những quy định mới cơ bản được bổ sung tại Luật Tố cáo năm 2018?
Ông Lương Công Tuấn: LTC- 2018 có nhiều quy định mới, trong đó đáng chú ý một số quy định mới như: bổ sung các quy định về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo (TC); quy định xử lý đối với đơn TC được gửi đến nhiều cơ quan, đơn vị và cá nhân; quy định về việc cho phép rút TC; quy định về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết TC; quy định giao Thanh tra Chính phủ là đầu mối trong việc tiếp nhận, phân loại và đề xuất giải quyết TC thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ...
Một điểm mới nổi bật trong LTC- 2018 đáng quan tâm đó là thời hạn giải quyết TC đã được rút ngắn. Theo đó, thời hạn giải quyết TC được quy định tại Điều 30 như sau: Thời hạn giải quyết TC tối đa 30 ngày kể từ ngày thụ lý TC; đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết TC một lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết TC hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
P.V: Một nội dung người dân thực sự quan tâm trong LTC- 2018 đó là việc xử lý đối với đơn tố cáo nặc danh, cụ thể nội dung này được thể hiện như thế nào?
Ông Lương Công Tuấn: Điều 25 LTC- 2018 quy định về nguyên tắc khi nhận được thông tin có nội dung TC nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của NTC hoặc qua kiểm tra, xác minh không xác định được NTC hoặc NTC sử dụng họ tên của người khác để TC hoặc thông tin có nội dung TC được phản ánh không theo hình thức quy định của Luật này (TC bằng đơn và TC trực tiếp) thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không xử lý. Tuy nhiên, trường hợp thông tin TC này có các điều kiện như: có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật; có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật; có cơ sở để thẩm tra, xác minh... thì sẽ được cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tiến hành việc thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để tiến hành việc thanh tra, kiểm tra phục vụ cho công tác quản lý.
P.V: Việc bảo vệ NTC như trong, LTC-2018 được quy định như thế nào?
Ông Lương Công Tuấn: LTC-2018 quy định rất cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người được bảo vệ (NĐBV); quy định rất rõ cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ và trách nhiệm của các cơ quan này. Theo quy định này, cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ, đó là: Người giải quyết TC có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm của NĐBV thuộc quyền quản lý và những nội dung bảo vệ khác nếu thuộc thẩm quyền của mình; trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung TC có trách nhiệm bảo vệ bí mật thông tin của NTC. Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của NĐBV. Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc bảo vệ vị trí công tác, việc làm của NĐBV. UBND các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ thực hiện việc bảo vệ bí mật thông tin, vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của NĐBV.
Ngoài ra Luật còn quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục bảo vệ khi NTC có văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ. Đây là điểm mới rất quan trọng, bởi vì quy định trách nhiệm của người giải quyết TC và cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ NTC. Về các biện pháp bảo vệ, LTC-2018 quy định 3 biện pháp: bảo vệ bí mật thông tin; bảo vệ vị trí công tác, việc làm; bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm. Trong đó, nội dung bảo vệ của từng biện pháp được quy định bổ sung thêm để đảm bảo NTC được bảo vệ tốt nhất về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
P.V: Để người dân TP Đà Nẵng hiểu và tiếp cận có hiệu quả LTC-2018, Thanh tra TP Đà Nẵng có kế hoạch phổ biến như thế nào, thưa ông?
Ông Lương Công Tuấn: Ngay từ cuối năm 2017, Thanh tra TP đã tham mưu đưa nội dung triển khai phổ biến LTC-2018 vào Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, viên chức năm 2018 của TP Đà Nẵng. Thanh tra TP sẽ đăng tải, cập nhật toàn văn nội dung văn bản LTC-2018 và những điểm mới của LTC trên Cổng Thông tin điện tử của Thanh tra TP để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân dễ dàng tiếp cận. Dự kiến trong quý IV-2018, Thanh tra TP sẽ tham mưu UBND TP tổ chức hội nghị triển khai phổ biến những quy định mới của LTC-2018 cho lãnh đạo các ngành, địa phương và cho cán bộ ngành thanh tra, cán bộ làm công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết TC trên địa bàn Đà Nẵng. Chỉ đạo các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của LTC đến nhân dân ở xã, phường để người dân có thể tiếp cận có hiệu quả nhất. Ngoài ra, Thanh tra TP sẽ tổ chức biên soạn, in ấn tờ gấp "Những quy định mới của LTC-2018" để các địa phương sử dụng tuyên truyền. Bên cạnh đó, để đạt hiệu quả trong công tác tuyên truyền, thời gian đến sẽ thông qua công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, TC, kiến nghị, phản ánh và thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý ở cơ sở để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về những quy định mới của LTC-2018.
P.V: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
TRANG TRẦN (Thực hiện)