Lưu giữ cho mai sau

Thứ hai, 02/11/2015 09:15

(Cadn.com.vn) - Sáng 1-11, người dân thôn Hưởng Phước (xã Hòa Liên, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) tổ chức khánh thành đình làng và đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp TP. Được biết, từ năm 1994, đình Hưởng Phước cùng với nhiều đình khác như Túy Loan (xã Hòa Phong), Quá Giáng (xã Hòa Phước, H. Hòa Vang), mộ danh nhân Ông Ích Khiêm (P. Hòa Thọ, Q. Cẩm Lệ)… đã được Sở VH-TT Quảng Nam-Đà Nẵng (cũ) đăng ký di tích cần được bảo vệ.

Đình làng Hưởng Phước đón nhận Bằng Di tích lịch sử văn hóa cấp TP.

Theo ông Phạm Xích-nguyên Trưởng thôn Hưởng Phước, mấy hôm nay, đi đến đâu cũng thấy dân làng phấn khởi, râm ran trò chuyện về ngôi đình vừa được trùng tu tôn tạo. Niềm xúc động và tự hào ánh lên trong mỗi ánh mắt, nụ cười của người dân bởi mới đây thôi, trên nền đất cũ, không ai có thể nhận ra dáng dấp của ngôi đình Hưởng Phước với hơn 15 Sắc phong xây dựng trước thời vua Thành Thái (1895). Toàn bộ mái đình lúc đó rệu rã. Tẩm thờ biến mất, họa tiết hoa văn trên các bình phong phai mờ, nhiều mảng tường sụt bể, hàng cột xiêu vẹo, mục nát, gạch đá ngổn ngang, cỏ dại mọc um tùm ngang đến thắt lưng người… “Hàng chục năm trước, cứ đến ngày 25-3 Â.L, thay vì có nơi “che mưa, che nắng” tổ chức tế lễ cầu an thì dân làng lại “bùi ngùi” thắp hương trước ngôi đình đổ nát, rồi tỏa đi các âm linh từng xóm cúng bái. Do bà con trong làng còn khó khăn, vận động nội lực thì chẳng thấm thía vào đâu, lần lữa mãi mà vẫn không đủ kinh phí tu bổ. Đến tháng 3-2015, khi biết TP cấp kinh phí 2,6 tỷ đồng trùng tu đình làng, bà con phấn khởi lắm”, ông Xích chia sẻ.

Nặng lòng với ngôi đình có lẽ là những lão làng - những người ý thức được đạo nghĩa của kẻ hậu sinh. Ông Trần Cước-Chi hội trưởng NCT thôn Hưởng Phước cho biết, sau nhiều thế kỷ tồn tại, năm 1974, đình được dân làng trùng tu lần cuối nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, sau lại xuống cấp hơn, cho nên những người giữ “lửa” làng chỉ biết hương khói, chớ không còn nơi cúng bái… Gần 40 năm qua, không ngày nào người dân không mong mỏi, chờ đợi ngôi đình được trùng tu để tiếp tục có chốn thờ tự, tri ân công đức các bậc tiền nhân khai hoang, mở đất. Sau khi ngôi đình được trùng tu, dân làng tự nguyện đóng góp hơn 300 triệu đồng lót gạch sân đình, xây dựng tường rào, cổng tam quan để cảnh quan đình làng thêm uy nghiêm, rạng rỡ.

Còn nhớ, tháng 8-2010, khi về địa phương thu thập tư liệu đình làng Hưởng Phước, ông Xích là người đã nhiệt tình giúp chúng tôi tiếp cận với nhiều nhân chứng cao niên. Lúc đó, các cụ đều cho rằng: “Các thế hệ mai sau chỉ còn lại chút này cho nên việc tồn tại hay không của ngôi đình sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của người dân”. Bây giờ gặp lại, ông Xích quả quyết với chúng tôi, từ nay, ngôi đình làng khang trang, tôn nghiêm này sẽ mãi mãi là nơi linh khí triệu bồi, lòng người hội tụ. Nơi đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu về mặt tinh thần của dân làng, mà còn là nơi lưu giữ tấm lòng yêu nước, hiếu học của bao lớp người đi trước nhằm giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau. Song, đây chỉ là nền tảng vật chất ban đầu. Việc gìn giữ giá trị văn hóa di tích đình làng trong điều kiện nông thôn đang bị tác động đô thị hóa như hiện nay cần phải được tiếp tục bảo tồn, phát huy…

Chia tay bà con thôn Hưởng Phước, chúng tôi vẫn còn lưu giữ được niềm vui trên từng nét mặt, nụ cười. Nụ cười và niềm vui ấy nói lên nhiều điều, là sự thỏa nguyện một mong ước, là niềm tự hào về truyền thống quê hương, là tinh thần đoàn kết cộng đồng để thực hiện trọn vẹn đạo lý dân tộc “Cây có cội, nước có nguồn”.

An Dương