Lưu giữ cho muôn đời sau...
Từ bao đời nay người dân Tây Nguyên luôn quan niệm cồng chiêng không chỉ là một nhạc cụ thông thường mà nó còn là phương tiện nối liền con người với thần linh từ khi sinh ra cho đến khi giã biệt cõi đời, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, cũng như trong mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ cúng thần lúa, lễ mừng cơm mới v.v... Trong sinh hoạt cộng đồng hay trong một buổi nghe các bậc cao niên kể Khan đều phải có tiếng cồng chiêng...
Lễ cúng thần lúa ở buôn Tliêr. |
Buôn Tliêr xã Hòa Phong (H. Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) là một vùng đất điển hình của truyền thống ấy, đã và đang giữ truyền thống đó, để truyền mãi cho muôn đời sau. Buôn có 176 hộ, 841 khẩu, 99% dân số là đồng bào Ê Đê Mdhur, nhưng còn giữ được 15 bộ chiêng đồng (Cing K'nah). Ông Y Blim Niê, Trưởng ban công tác Mặt trận buôn cho biết: Trân trọng những giá trị văn hóa của cha ông để lại, mặc dù bị tác động nhiều bởi nếp sống hiện đại, nhưng trong mọi sinh hoạt, lễ hội của buôn làng chưa bao giờ thiếu vắng tiếng cồng chiêng. Có được điều đó hơn 40 năm qua, đội cồng chiêng của buôn thường xuyên duy trì đủ 12 người (kể cả người đánh trống). Các nghệ nhân đã truyền được nguồn cảm hứng cho lớp trẻ, nhiều thanh, thiếu niên ham học hỏi biết đánh thành thạo các bài chiêng của từng lễ hội như: Chiêng gọi buôn làng, Chiêng gọi hồn lúa, Chiêng ngày mùa... nhờ vậy mà đội cồng chiêng của buôn luôn có nguồn bổ sung. Đặc biệt, trong buôn còn có nghệ nhân chỉnh chiêng và chế tác nhạc cụ, kể cả việc đào tạo những Thầy cúng kế cận cũng được già làng quan tâm...
Song hành cùng cồng chiêng, nhiều lễ hội vẫn được người dân gìn giữ làm cho đời sống văn hóa cộng đồng thêm phong phú. Có thể kể đến nghi lễ độc đáo chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc như: lễ cúng thần lúa, lễ cúng cầu mưa, lễ cúng cơm mới... Theo đó, vào những năm gặp thời tiết hạn hán, bà con sẽ chuẩn bị các lễ vật theo phong tục gồm một con gà trống, chén rượu cần, xôi, đầu, đuôi, bốn cái chân và bộ lòng của con heo để tổ chức lễ cúng cầu mưa, với mong muốn Yàng ban cho nhiều lúa, hoa màu, cuộc sống no đủ, hạnh phúc...
Lễ cúng thần Lúa của đồng bào buôn Tliêr cũng có nhiều nghi thức khác nhau từ việc cúng Thần gió, cúng cái cào cỏ cho đến các quy trình từ khi gieo hạt lúa cho đến khi thu hoạch, cúng hồn lúa về kho... Các nghi thức cúng lễ được thực hiện trên đường lên rẫy, trên rẫy và ở nhà.
Về lễ cúng cơm mới, ngày nay tuy không còn tỉa lúa trên rẫy cao, nhưng sau mỗi mùa thu hoạch lúa nước, bà con trong buôn vẫn duy trì lễ cúng cơm mới để tạ ơn các thần linh đã cho nhiều thóc lúa... Nét độc đáo là lễ cúng cơm mới được tổ chức theo từng hộ gia đình. Gia đình nào được mùa, điều kiện khá giả thì lễ ăn cơm mới được tổ chức kéo dài thâu đêm suốt sáng. Khi gia đình nào tổ chức cúng cơm mới thì mời bà con họ hàng trong buôn đến dự lễ, ăn uống, chung vui, làm cho không khí ngày mùa thêm rộn rã...
Nhằm giữ gìn sự tôn nghiêm của các nghi lễ cúng, việc truyền dạy cho đội ngũ kế thừa đã được già làng và các cụ cao niên quan tâm từ rất sớm. Ông Y Minh Byă (Ama Blih) là một trong 2 người được bà con trong buôn tôn vinh làm Thầy cúng từ khi tuổi đời mới ngoài 50 chia sẻ: Đồng bào dân tộc mình theo tín ngưỡng đa thần, mọi vật đều có thần linh ngự trị, các nghi lễ cúng đều phải có người am hiểu tường tận các bài cúng để báo cáo với thần linh về những tâm nguyện của con người, nếu không có tâm huyết thì sẽ không thể trở thành thầy cúng được. Và may mắn khi còn nhỏ mỗi lần cha đi cúng đều dắt mình theo, từ đó mình học được rất nhiều từ người cha cộng với những kinh nghiệm sống, nên đến nay mình đã kế thừa được công việc thiêng liêng ấy, mình vui lắm vì đóng góp một phần nhỏ bé vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của tổ tiên đến với thế hệ mai sau...
Với những nỗ lực không để mai một, buôn Tliêr là một điểm sáng về bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và nỗ lực giữ gìn vốn quý ấy cho muôn đời sau...
MAI VIẾT TĂNG