Lưu giữ và lan tỏa giá trị Bài chòi xứ Quảng

Thứ bảy, 23/10/2021 16:59

Trình diễn nghệ thuật bài chòi tại lớp tập huấn.

Tiếp tục triển khai các nội dung thuộc chương trình hành động bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh và Kế hoạch số 6202 ngày 30-8-2018 của UBND tỉnh Quảng Nam về Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025, Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã tổ chức nhiều lớp tập huấn "Truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi cho các nghệ nhân, Câu lạc bộ (CLB), Nhóm, những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản Bài chòi" tại các địa phương như Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành, Duy Xuyên... Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi, đồng thời góp phần phát triển các CLB, nhóm Bài chòi và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa văn nghệ của người dân.

Tại mỗi địa phương, lớp tập huấn diễn ra trong 10 ngày, tập trung giới thiệu đến các học viên những nội dung như: nguồn gốc của bài chòi miền Trung, phương pháp tổ chức, duy trì hoạt động CLB, nhóm Bài chòi dân gian, cách thức tổ chức hội đánh Bài chòi xứ Quảng. Ngoài ra, còn thực hành hát và biểu diễn các làn điệu dân ca, lý, hò, vè, hô hát bài chòi… Tại Phú Ninh, các thành viên của các CLB đàn hát dân ca Bài chòi của huyện và một số người đam mê nghệ thuật dân ca Bài chòi được các nghệ sĩ Phùng Thị Ngọc Huệ và Nguyễn Văn Quý (TP Hội An) tập huấn các nội dung về đàn hát các làn điệu đặc sắc của Quảng Nam như: Xuân nữ, Xàng xê, Cổ bản, Hò Quảng và các điệu lý, điệu hò... 

Tại TP Tam Kỳ, khóa tập huấn kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi được tổ chức với sự tham gia của thành viên các CLB đàn và hát dân ca, Tổng phụ trách Đội các trường tiểu học trên địa bàn. Hiện nay, Tam Kỳ có 13 CLB và hát dân ca của 13 xã, phường và 1 CLB của thành phố. Trước đây khi chưa bùng phát dịch bệnh COVID-19 thì thường xuyên biểu diễn tại các địa phương, Quảng trường 24-3, Văn Thánh - Khổng Miếu, biển Tam Thanh, Vườn Cừa… nhân các ngày lễ Tết, hội hè, sự kiện  văn hóa- du lịch…  Tam Kỳ cũng là địa phương đưa các chương trình hô hát Bài chòi vào sinh hoạt ngoại khóa hằng năm cho các em học sinh bậc tiểu học nên lớp tập huấn này cũng có sự tham gia của các thành viên là Tổng phụ trách Đội, giáo viên âm nhạc các trường tiểu học tham gia. Theo kế hoạch, sau khóa học này, ngành GD- ĐT TP Tam Kỳ tổ chức liên hoan hô hát Bài chòi trong các trường tiểu học và THCS để góp phần bảo tồn, quảng bá nghệ thuật dân ca đặc sắc này. Từ đó, đẩy mạnh hơn nữa sự lan tỏa của nghệ thuật hô hát Bài chòi trong trường học, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của Bài chòi.

Nghệ sĩ ưu tú Phùng Thị Ngọc Huệ, người có nhiều kinh nghiệm trong việc truyền đạt nghệ thuật Bài chòi cho biết: Lớp tập huấn "Truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật Bài chòi được tổ chức lần này đã tạo điều kiện cho các nghệ nhân, CLB, Nhóm, những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản Bài chòi được thực hành, giao lưu và trình diễn. Các kỹ năng đàn, hát dân ca, hô hát Bài chòi... cần được thường xuyên trau dồi, trao truyền lại các thế hệ để bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Các học viên được tập huấn lần này là các hạt nhân của phong trào văn hóa ở địa phương, cần phát huy và góp phần vào phong trào văn hóa, văn nghệ ở địa phương, truyền ngọn lửa đam mê đến với công chúng, nhất là giới trẻ đến với các loại hình nghệ thuật truyền thống như bài chòi, dân ca xứ Quảng…".

Theo Kế hoạch về bảo tồn và phát huy giá trị Di sản phi vật thể nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019-2025, trong giai đoạn 2019-2025, Quảng Nam sẽ tập trung thực hiện 12 nội dung chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ, gìn giữ, kế thừa và phát huy có chọn lọc giá trị Di sản văn hóa nghệ thuật Bài chòi, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân và gắn kết Di sản văn hóa với phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Trong đó chú trọng tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghệ thuật cho các nghệ nhân, CLB, Nhóm, giáo viên thanh nhạc, những người có khả năng tiếp thu và thực hành Di sản Nghệ thuật Bài chòi. Đồng thời bảo tồn, phát huy hiệu quả hoạt động, khôi phục và kiện toàn các CLB, Nhóm Bài chòi dân gian và các nghệ nhân dân gian hiện có tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ CLB thực hành di sản tại các địa phương về trang phục, đạo cụ, nhạc cụ… phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa dân gian tại các địa phương. Tại Nghị quyết Số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đã đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh, chú trọng Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (Nghệ thuật Bài chòi), các di sản thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi.

Nghệ thuật Bài chòi là một hình thức sinh hoạt văn hóa và giải trí trong cộng đồng làng xã, được chuyển tải một cách giản dị, tự nhiên, tạo sức hấp dẫn với công chúng, trở thành sinh hoạt văn hóa thiết yếu và phổ biến khắp miền Trung nói chung và xứ Quảng nói riêng. Sinh hoạt Bài chòi trở thành môi trường thực hành và sáng tạo nghệ thuật, đồng thời cũng là nơi bảo tồn vốn văn nghệ dân gian, phong cách trình diễn và các giá trị văn hóa vùng miền. Bài chòi Quảng Nam là bộ phận mang một sắc thái rất độc đáo, phản ánh tính đa dạng của văn hóa và sự sáng tạo của cộng đồng dân cư qua những làn điệu dân ca hò Quảng, những lời hát mang đặc trưng phương ngữ địa phương được kế tục trao truyền qua nhiều thế hệ. Các lớp tập huấn về nghệ thuật Bài chòi bồi dưỡng các nghệ nhân cùng các thế hệ trẻ trở thành hạt nhân trong bảo vệ, phát huy di sản Bài chòi một cách bền vững, góp phần phát huy bản sắc bộ môn nghệ thuật bài chòi - loại hình nghệ thuật truyền thống đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tất cả nhằm lưu giữ và lan tỏa giá trị Bài chòi xứ Quảng...

THẢO NGUYÊN