TƯ VẤN PHÁP LUẬT:

Lưu ý về nội dung di chúc

Thứ hai, 26/12/2016 09:53

(Cadn.com.vn) - Ông Bùi Văn Nam (trú TP Pleiku, Gia Lai) hỏi: Năm 2014, cha tôi qua đời (mẹ tôi mất trước đó hơn 1 năm). Trước đó, năm 2012, cha mẹ tôi có lập di chúc (DC) tại phường để lại căn nhà cho tôi. Tuy nhiên, vừa qua, hai người chị của tôi ở TPHCM về yêu cầu chia ngôi nhà này. Như vậy, với nội dung DC đó thì tôi có quyền thừa kế toàn bộ tài sản không?

Ths. luật sư Lê Ngô Hoài Phong, Trưởng Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng, trả lời: Trong nội dung DC mà cha mẹ của ông Nam lập chỉ cho ông quyền quản lý và sử dụng di sản thừa kế mà không cho ông quyền sở hữu tài sản. Do đó ông chưa có đủ quyền sở hữu di sản thừa kế. Vì vậy, các người chị (thậm chí cả những người đồng thừa kế khác - nếu có) của ông Nam đều có quyền yêu cầu phân chia khối di sản thừa kế này. Thông thường nhiều người lập DC chỉ hiểu một cách đơn giản là để lại tài sản cho con sử dụng nhưng muốn hạn chế quyền chuyển nhượng, mua bán nên lập DC theo cách thức như vậy. Tuy nhiên, điều đó không thể hiện được bản chất quan trọng của DC. Đó là, xác định đối tượng sở hữu di sản thừa kế. Vì vậy, nếu viết DC kiểu như cha mẹ của ông Nam thì giống như không để lại DC, bởi nó không xác định được người có quyền sở hữu đối với di sản. Điều này, vô hình chung làm tranh chấp phát sinh. Do đó, người lập DC cần phải hiểu rằng, lập DC là nhằm loại bỏ tranh chấp đối với các đồng thừa kế và xác định người được quyền sở hữu tài sản sau khi họ qua đời. Vì vậy, ngoài việc đảm bảo về mặt hình thức đúng với quy định của pháp luật, nội dung DC phải xác định rõ chủ thể được quyền sở hữu di sản thừa kế.

Chuyên mục này có sự hợp tác
của Chi nhánh Văn phòng luật sư Phạm và Liên Danh tại Đà Nẵng.
Điện thoại tư vấn: 0905102425