“Mắc cạn” giữa những dự án triệu đô
(Cadn.com.vn) - Với chiều dài đường biển hơn 5km, kinh tế biển trở thành thế mạnh của phường Điện Dương (TX Điện Bàn, Quảng Nam). Đã có rất nhiều tập đoàn, công ty đến đầu tư vào khu vực này. Thế nhưng, khá nhiều dự án thất bại, để lại hệ lụy cho địa phương, mà người gánh chịu hệ lụy suốt hàng chục năm, không ai khác, chính là cư dân của xứ biển này, họ như “mắc cạn” giữa các dự án treo, phải “sống nhờ” trên chính mảnh đất của mình.
“Sống nhờ” trên đất của mình
Chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Thuận (khối phố Quảng Gia, P. Điện Dương), một hộ dân từng có những ngày tháng đằng đẵng sống trong vùng quy hoạch của nhiều dự án treo liên tiếp nhau. Bà đón tiếp tôi trong ngôi nhà cấp bốn với bức tường vàng ngả màu. Sau một hồi trò chuyện, tôi nhìn xung quanh và phát hiện ra căn nhà nối tiếp phía sau nhà bà đang ở là không có mái che, đang được sử dụng để... phơi áo quần. Bà Thuận cho biết: “Nhà của tui trước đây đấy! Nhà đông người nên xây rộng rãi. Tui không nhớ rõ là bão năm nào, nhưng hồi đó bão vào tốc hết tôn phần nhà trước. Lúc đó, lại vào thời điểm thực hiện dự án của Công ty Lũng Lô, nghe đâu là sắp được đến nơi tái định cư nên không sửa sang gì cả, mãi cho đến bây giờ... Từ đó tới nay, cả nhà cứ chen chúc nhau trong căn nhà phía trước, còn nhà phía sau thì đành để vậy”.
Cũng như nhiều hộ dân khác, nhà bà Thuận nằm trong phạm vi của một dự án du lịch được hứa hẹn đem đến nhiều thay đổi ở Điện Dương. Đó là dự án khu du lịch sinh thái Hòn Ngọc Hội An III do Cty TNHH La Perla Hội An - Điện Bàn làm chủ đầu tư, có vốn đầu tư 7 triệu USD, được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 10-2008. Đến tháng 4-2011, UBND tỉnh Quảng Nam có quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư dự án với lý do chủ đầu tư không triển khai đúng thời gian quy định. Sau đó, một dự án khác lại ra đời. Đó là dự án Tổ hợp khách sạn và nhà ở sinh thái Cyan, thuộc Công ty CP Đầu tư & Phát triển Lũng Lô 5, được khởi công xây dựng vào ngày 18-5-2011. Tổng vốn đầu tư của tổ hợp dự án khoảng 240 triệu USD. Dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động toàn bộ dự án. Nhưng rốt cục, đến nay, dự án “triệu đô” này vẫn bị bỏ ngỏ.
Sống trong vùng quy hoạch, nhiều hộ dân không biết khi nào đi, nên không sửa chữa, |
“Nhà ở cạnh biển, gần như năm nào cũng chịu ảnh hưởng lớn của mưa bão, gia đình tui không có chỗ trú ẩn, lần nào cũng phải dắt díu nhau nương nhờ nhà hàng xóm. Có lần cả nhà trú bão ở nhà bên kia đường, tui và chồng thấy gió lặng nên về nhà xem sao, về được một lúc thì lại nồm, mưa gió lớn quá nên phải chạy lại qua bên nhà kia núp. Không may trên đường đi thì chồng tui bị miếng tôn bay ngang qua cắt đứt gân chân, phải chờ cho bão tan mới đưa đến cơ sở y tế được. Thế là ổng nằm ở nhà suốt mấy tháng trời, không đi làm ăn gì được cả. Nếu lúc đó không nằm trong dự án treo, nhà cửa được phép xây dựng kiên cố thì đã không phải chạy đi chạy lại để tránh bão trong nguy hiểm như vậy” – bà Thuận chia sẻ thêm.
Một người dân khác, bà Lê Thị Bốn (khối Hà Quảng Bắc, P. Điện Dương), cho biết: “Từ năm 2005 đến giờ có rất nhiều dự án, mà dự án nào cũng “treo”, chỉ nghe nói chứ chẳng thấy làm gì. Nhà tôi thì không được kiên cố, mỗi lần có mưa bão phải đưa mẹ già đi trú ở Ủy ban xã, còn mẹ con tôi thì núp ở chuồng gà sau hè. Rồi còn liên quan đến vấn đề hành chính nữa. Nhà ở đây nhưng con dâu tôi ở đã ba năm mà vẫn chưa nhập hộ khẩu. Vợ chồng nó tính xây cái tiệm nhỏ để làm ăn nhưng vì nằm trong dự án nên cũng không thực hiện được. Nhiều nhà khác cứ xây là bị phạt, giờ cũng đang có dự án nên nhà chúng tôi không dám sửa chữa hay cơi nới gì thêm cả”.
Nỗi lo nghề truyền thống
Vốn biết gia đình bà Thuận làm mắm có tiếng của làng mắm Quảng Hà, tôi xin phép được tham quan khu vực sản xuất. Dưới cái nắng oi ả, mùi mắm như “thấm” vào không khí. Bà dẫn tôi ra phía sau nhà, giới thiệu về nghề mắm của gia đình. Trong một không gian khá rộng, có đủ các loại thùng phuy, bể chứa, chum, vại... Thùng phuy được xếp thẳng hàng dùng để chứa cá muối, còn đa số những bể được xây bằng xi-măng để chứa thì lại bỏ không. Bà Thuận kể, bao năm qua, gia đình bà sống bằng nghề mắm. Thế nhưng, giờ đây, việc sinh nhai khó khăn hơn. “Nhiều lần có dự án, nghe tin sẽ chuyển đến vùng tái định cư, tui lo ngại lắm. Bởi chỗ ở mới không gần biển, diện tích đất tái định cư chắc không nhiều, không tiện cho việc lấy cá và sản xuất mắm. Làng mắm Quảng Hà truyền thống truyền từ xưa đến nay rồi, cha ông để lại nên giờ ai cũng muốn giữ gìn và phát huy. Cho nên, khi vào tái định cư, e rằng sẽ làm mất đi những gì truyền thống vốn có của vùng đất này” – bà Thuận cho hay.
Cũng như nhiều hộ dân, bà Trần Thị Thuận lo ngại nghề làm mắm cổ truyền của Quảng Hà |
Đều là người giữ nghề truyền thống, bà Bốn cũng có những suy nghĩ, trăn trở chung: “Cuộc sống nhiều năm qua không chỉ tôi mà rất nhiều hộ trong khu vực đều cảm thấy bức bối, khó chịu bởi không thể mở rộng kinh doanh, cơi nới nhà cửa để phát triển đời sống. Tôi cũng lo lắng không biết chỗ ở mới ra sao, có thoải mái hay không, có ở chung với bà con trong làng hay không cũng như có đủ điều kiện để giữ gìn nghề của mình không. Bây giờ cuộc sống vốn đã khó nên ít nhà giữ nghề, rồi đây khi chuyển đi không biết tương lai thế nào, không biết con cháu mình có tiếp tục làm hay bỏ để làm du lịch nữa”.
Bà Mai Thị Hoa – Bí thư chi bộ khối phố Hà Quảng Bắc, cho biết: “Cuộc sống ở đây khá khó khăn, liên tục nằm trên vùng quy hoạch nên dân không thể sửa chữa xây dựng nhà cửa cũng như mở rộng buôn bán phát triển kinh tế. Có những hộ theo nghề biển, cần tiền để sắm sửa, nâng cao và đổi mới trang thiết bị cho tàu cũng không thể cầm sổ đỏ đi vay vì đất đã nằm trong quy hoạch. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Dự án mới đây có hạng mục là khu tái định cư làng chài ven biển, kết hợp công viên biển và du lịch công cộng, thiết nghĩ sẽ tạo thành khu du lịch cộng đồng, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tôi chỉ mong muốn dự án sẽ được triển khai nhanh để người dân thay đổi cuộc sống của mình”.
“Dự án mới đây” mà đồng chí Bí thư Mai Thị Hoa nói đến là một khu phức hợp khá đình đám ở Điện Dương, đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và đã thi công một số hạng mục. Theo giới thiệu, dự án sẽ tạo nên một diện mạo mới cho vùng quê biển nghèo khó này... Ấy thế, ngay cả những tín hiệu đầy hứa hẹn đó cũng khó làm yên lòng cư dân xứ biển Điện Dương, như bà Thuận, bà Bốn... Dường như, do sống quá lâu với những dự án “triệu đô” trên giấy, những điều hứa hẹn hoành tráng chưa bao giờ trở thành hiện thực, cảm giác không yên lòng đó chắc cũng là điều có thể hiểu được! Và người dân cũng rất mong các cấp chính quyền, nhà đầu tư..., hiểu được tình cảnh họ gánh chịu suốt nhiều năm qua.
Kim Yến