Mầm sống từ trong máu lửa

Thứ hai, 17/03/2008 00:00

Tưởng niệm 40 năm ngày thảm sát Sơn Mỹ (16-3-1968 - 16-3-2008)

(Cadn.com.vn) -  Ngày 16-3-1968, một đơn vị quân đội Mỹ đã tiến vào Sơn Mỹ, Tịnh Khê, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi và thẳng tay tàn sát 504 người dân vô tội, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em. Hơn một năm sau, vụ thảm sát mới được phanh phui ở Mỹ, làm chấn động dư luận thế giới và lương tri loài người. Khắp nơi trên hành tinh, nhân loại đều bày tỏ sự phẫn nộ, kịch liệt lên án hành động dã man của quân đội Mỹ. Sau 40 năm, Sơn Mỹ đang hồi sinh, người dân nơi đây đang chung tay xây dựng cuộc sống bằng chính trái tim, nghị lực của những con người yêu chuộng hòa bình...

Kỳ 1: Sơn Mỹ 16-3-1968 - ngày đẫm máu

Trên tấm bản đồ tác chiến tỷ lệ 1/100.000 do công binh Mỹ ấn hành năm 1967 có khoanh một khu vực lớn bằng bút đỏ với dòng chữ: “Khu vực trách nhiệm của Lữ đoàn 2 - Thủy quân lục chiến Đại Hàn từ tháng 1-1967 - 31-12-1967. Giao lại cho lực lượng đặc biệt Barker, Lữ đoàn 11, Sư đoàn Amerrical kể từ ngày trên”. Bên trong có vòng tròn đỏ nhỏ hơn khoanh tròn lấy xã Sơn Mỹ, trong cùng là một chấm nhỏ với dòng chú thích: “Ấp Tư Cung, xã Sơn Mỹ”. Quân đội Mỹ gọi ấp này là “Làng Hồng” - nơi cư trú của “những tên Việt cộng ngoan cố, sừng sỏ”, là vùng “tự do bắn phá”.

Lính Mỹ đổ quân gây ra vụ thảm sát Sơn Mỹ ngày 16-3-1968.

Như thường lệ, sáng sớm 16-3-1968, người dân Sơn Mỹ đang chuẩn bị cho một ngày lao động mới thì 5 giờ 30, mặt đất bỗng rung chuyển bởi đủ các loại pháo từ các căn cứ của lính Mỹ xung quanh, thi nhau dội xuống 4 thôn của xã Sơn Mỹ. Làng quê bình yên chưa hết bàng hoàng thì 2 chiếc trực thăng HU.1A bay đến quần đảo, tới tấp khạc đạn đại liên và rốc két xuống làng mạc ở hai thôn Tư Cung và Cổ Lũy. 

 Ronald Ridenhour - người cựu binh Mỹ đã dũng cảm tố cáo tội ác của quân đội Mỹ với chính quyền Mỹ và công luận thế giới.

Tiếp đó, một tốp trực thăng 9 chiếc từ hướng Chu Lai bay vào, đổ quân xuống vạt ruộng phía tây thôn Tư Cung, một tốp trực thăng 11 chiếc đổ quân xuống xóm Gò, thôn Cổ Lũy. Vừa nhảy xuống máy bay, từng tốp lính Mỹ xộc vào xóm Mỹ Hội, thôn Cổ Lũy, chúng lôi 15 người đang trú ẩn dưới hầm nhà ông Lệ lên, rồi xả súng, giật mìn.

Nhà chị Trinh bên cạnh, cháu Đức mới 8 tuổi từ trong hầm chạy ra, miệng còn ngậm cơm bị bắn chết tại chỗ, trong hầm còn 7 người, bị lính Mỹ giật mìn nổ tung. Nhà kế nữa, chị Võ Thị Hồng mới sinh, không kịp xuống hầm trú ẩn bị bầy lính Mỹ lột hết quần áo, hãm hiếp rồi bắn chết, cháu bé sơ sinh gào khóc thê thảm, cùng hai đứa con lớn của chị Hồng cũng bị lôi lên khỏi hầm bắn chết.

Chị Võ Thị Phụ đang cho con bú bị bắn chết, cháu bé vừa khóc vừa bò tới lay vú mẹ, lính Mỹ chất tranh lợp nhà lên hai mẹ con, châm lửa đốt... Cả xóm Mỹ Hội, tiếng súng trường, tiểu liên, lựu đạn, mìn nổ vang, nhà cửa bị thiêu rụi, trâu bò, gà vịt bị giết sạch, xác người la liệt... Không đầy 40 phút, cả một xóm thôn trù phú biến thành vùng đất chết, có tới 97 người bị tàn sát, phần lớn là người già, phụ nữ, trẻ em. Tại thôn Tư Cung, Đại đội Charlie vừa đổ quân đã vây lấy xóm Thuận Yên, bọn chúng chia nhau càn qua các ngả đường, tràn qua các ruộng lúa, nổ súng vào bất cứ người dân nào chúng gặp. Trung đội 1, do tên trung úy Wiliam Calley chỉ huy, tràn vào làng thực hiện cuộc bắn giết thường dân, mặc dù không gặp bất kỳ sự kháng cự nào cả.

Lính Mỹ như những con thú khát máu, xua người dân vô tội ra khỏi các căn hầm, ngôi nhà rồi xả súng bắn vào họ, đốt nhà, đập phá tài sản. Cũng như ở thôn Mỹ Hội, lính Mỹ khát máu đã đạt tới cùng của sự hủy diệt man rợ. Chúng thi nhau hành hạ người già, thậm chí cả nhà sư cũng bị chúng lôi ra làm trò tiêu khiển, thi nhau hãm hiếp phụ nữ, trẻ em rồi bắn chết.

Tại con mương nước ở phía đông làng Thuận Yên, lính Mỹ dồn 170 người dân lại rồi xả súng vào họ. Riêng tên trung úy Calley đã đứng bên mương nước xả súng trường tự động vào người dân hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Cả con mương biến thành hố huyệt, ngập chìm xác người, máu chảy ngập dòng. Lính Mỹ tiếp tục truy đuổi những người dân chạy trốn, càn quét qua các xóm, đốt sạch, phá sạch, chỉ riêng tại thôn Tư Cung, bọn chúng đã sát hại 407 người dân, có gia đình 24 người bị giết sạch.

 Lính Mỹ tàn sát cụ già trong vụ thảm sát Sơn Mỹ.

Trong buổi sáng 16-3-1968, có 504 người dân ở Sơn Mỹ bị sát hại, trong đó có 182 phụ nữ (17 người đang mang thai), 173 trẻ em, 149 cụ già, 247 căn nhà bị thiêu hủy, hàng ngàn trâu bò, gà, vịt bị giết. Những tội ác man rợ này đã được một nhân chứng quan trọng là trung sĩ Ronald Haeberle - nhiếp ảnh viên của quân đội Mỹ ghi lại được. Theo thời hạn quân ngũ, chỉ còn 11 ngày nữa là Haeberle giải ngũ về Mỹ, nhưng anh không ngờ mình đã trở thành một nhân chứng quan trọng đưa vụ thảm sát Sơn Mỹ ra ánh sáng, làm chấn động nước Mỹ và thế giới.

Hôm đó, cùng với các cánh quân tiến vào Sơn Mỹ, Haeberle mang theo 3 máy ảnh và 3 cuộn phim. Nhưng sau vụ thảm sát, anh chỉ nộp 40 bức ảnh quân Mỹ triển khai tư thế chiến đấu cho quân đội Mỹ, 18 tháng sau, vào ngày 19-1-1970, Haeberle đã cho đăng 18 bức ảnh về những tội ác man rợ của lính Mỹ trên tạp chí “Đời sống”, trên báo “Người lái buôn thành thật Cleveland” vào ngày 20-11-1969. Đây là những bằng chứng quan trọng khiến chính quyền Mỹ hết đường chối cãi, phủ nhận tội ác tày trời của quân đội Mỹ, công chúng Mỹ xôn xao, phẫn nộ vì con cái họ bị biến thành những kẻ giết người tàn bạo không thể tưởng tượng nổi.

Ngay sau vụ thảm sát Sơn Mỹ, Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Trung Trung Bộ đã ra tuyên bố khẩn cấp, kịch liệt tố cáo tội ác của lính Mỹ ở Sơn Mỹ. Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng đã phát đi những những bài tường thuật chi tiết về vụ thảm sát. Tháng 5-1968, phái đoàn Miền Nam Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự cuộc hội đàm hòa bình ở Paris phát hành hai ấn phẩm Pháp ngữ “Nam Việt Nam chiến đấu” và “Bản tin Việt Nam”, một lần nữa tố cáo vụ thảm sát dã man này. Đặc biệt, đầu tháng 12-1969, Ronald Ridenhour - một lính Mỹ là xạ thủ súng máy trên trực thăng ở chiến trường Nam Trung Bộ, sau khi giải ngũ đã dũng cảm viết thư tố cáo vụ thảm sát Sơn Mỹ gửi lên Tổng thống Mỹ và nhiều nhân vật đứng đầu các Bộ Quốc phòng, Ngoại giao... của Mỹ, yêu cầu tòa án, Hạ nghị viện Mỹ phải mở cuộc điều tra, đưa ra xét xử những kẻ đã gây nên vụ thảm sát Sơn Mỹ.

 P.V và những người còn sống sót
sau vụ thảm sát 40 năm về trước bên Đài tưởng niệm Sơn Mỹ.

Góp phần cho nhân dân thế giới thấu hiểu và cảm thông với nỗi đau nhức nhối ở Sơn Mỹ của Việt Nam có sự góp phần không nhỏ của em Võ Thị Liên lúc đó mới 13 tuổi-là một nạn nhân trong số ít người dân may mắn thoát chết sau vụ thảm sát (chị Liên đã mất năm 1995). Liên đã đến nhiều nước trên thế giới, kể về những đau thương mà mình và bà con làng xóm đã trải qua, làm xúc động hàng triệu trái tim yêu hòa bình trên thế giới.

Trên thế giới, hầu như không nước nào báo chí, dư luận không lên tiếng tố cáo tội ác vụ thảm sát và cả cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Mỹ ở Việt Nam...

Kỳ cuối: Sơn Mỹ bây giờ

Hồng Thanh - Anh Tuấn