Mạn đàm về văn hóa chính trị
Lời tòa soạn: Văn hóa chính trị (VHCT) tuy là một vấn đề mang tính hàn lâm, hầu như chỉ được thảo luận sôi nổi trong các nhà trường, học viện chuyên ngành, thế nhưng nó lại có ảnh hưởng to lớn trong xã hội, tác động trực tiếp đến mỗi người dân, mà hiện tượng dễ nhận biết nhất chính là thái độ, tác phong, cung cách ứng xử của người có chức quyền đối với người dân.
Bài viết của TS Ngô Khắc Sơn-Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Học viện Chính trị khu vực III, đề cập một khía cạnh liên quan đến VHCT: Nâng cao văn hóa chính trị trong quá trình thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay. Thiết tưởng, bài viết hữu ích không chỉ với cán bộ, đảng viên, nhất là người nắm giữ cương vị lãnh đạo, mà cũng gợi mở đôi điều thảo luận với các tầng lớp trong xã hội. Báo Công an TP Đà Nẵng trân trọng giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc.
Văn hóa chính trị đòi hỏi người lãnh đạo phải hành xử chuẩn mực, thái độ đúng đắn với người dân. Trong ảnh: Lãnh đạo TP Đà Nẵng gặp gỡ người dân. |
Văn hóa chính trị là gì?
Trong mối quan hệ với văn hóa thì VHCT là một hợp phần quan trọng, thành phần này lại giúp "định" hướng đi cho văn hóa thông qua việc xác định đối tượng phục vụ của văn hóa. Còn trong mối quan hệ với chính trị thì VHCT giữ vai trò "trục" của một nền chính trị, giúp cho các hoạt động chính trị của các chủ thể chính trị không bị tha hóa, hướng các chủ thể chính trị đến việc tạo lập các giá trị cho mình trong suốt các hoạt động chính trị và ghi lại dấu ấn về sau.
Với Việt Nam, VHCT Việt Nam từ trong truyền thống đến hiện đại là kết tinh của quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của biết bao thế hệ người Việt Nam, trong đó có công lao to lớn của những người dẫn dắt nhân dân làm cách mạng, lãnh đạo nhân dân giữ nước và dựng nước.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đánh giá rất cao vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ trong thực thi các nhiệm vụ của Đảng, chính quyền, là cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giữ vai trò trọng yếu. Làm sao để đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng hành xử một cách chuẩn mực, có thái độ đúng đắn với nhân dân, giúp giải quyết tốt mọi công việc của dân; đồng thời trung thành với Đảng, chính phủ, nhân dân trong bảo vệ và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách... là nỗi niềm đau đáu của Người. Lịch sử cách mạng Việt Nam gần 90 năm từ khi có Đảng lãnh đạo, gần 75 năm từ khi độc lập, gần 45 năm thống nhất đất nước và thành tựu của hơn 30 năm đổi mới vừa qua ghi dấu ấn sâu sắc cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, hình thành nên giá trị VHCT của đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng trong quá trình thực thi quyền lực do nhân dân ủy quyền.
VHCT của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay thể hiện chủ yếu ở nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử... trong thực thi các nhiệm vụ do nhân dân giao cho. Thời gian qua, có thể nhận thấy rằng, đa số cán bộ nói chung và cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng ý thức được tinh thần trách nhiệm của mình và hành xử đúng mực, đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công và mang lại nhiều lợi ích tốt đẹp cho quốc gia, nhân dân và cho bản thân họ. Tuy nhiên, hiện nay cũng còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, quản lý lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi, làm những việc phi pháp, gây tổn hại cho đất nước, cho nhân dân, tạo dư luận không tốt trong cán bộ và nhân dân.
Đôi điều gợi ý
Vấn đề đặt ra hiện nay ở nước ta là: Làm thế nào để xây dựng một nền tảng VHCT cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quá trình thực thi quyền lực, để phát huy những ưu điểm, đồng thời khắc phục được những hạn chế của đội ngũ này. Đây là một vấn đề lớn, một nhiệm vụ quan trọng và cần kíp đặt ra cho Đảng, Nhà nước ta một hệ thống những vấn đề mà một tổ chức độc lập, một cơ quan quyền lực đơn lẻ, một cá nhân người lãnh đạo nào (dù là cao nhất) cũng không thể tự mình giải quyết được.
Để nâng cao VHCT trong thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay, xin đưa ra mấy ý kiến sau:
Thứ nhất, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp cần định vị lại bản thân mình, ý thức được vai trò, vị trí của mình, xác định được trách nhiệm và quyền hạn của mình trong thực thi nhiệm vụ được giao. Điều này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải thường xuyên trau dồi tri thức, kinh nghiệm, phải biết học hỏi và khiêm nhường, phải chủ động và sáng tạo trong công việc, không chủ quan, ỷ lại, không duy ý chí, biết vận dụng một cách nhuần nhuyễn, không rập khuôn, máy móc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó phải biết cầu thị, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và nhân viên. Để làm được và làm tốt điều này đòi hỏi chủ thể lãnh đạo, quản lý phải tự mình phát hiện vấn đề và tự mình điều chỉnh mình. Sự thành công hay thất bại không phải do yếu tố khách quan bên ngoài mà tất cả phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người cán bộ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý.
Thứ hai, cán bộ lãnh đạo, quản lý cần xác định động cơ làm việc trong sáng, thái độ ứng xử công tâm trong xử lý công việc và các mối quan hệ, tránh chủ nghĩa cá nhân, thiên vị, thiên lệch trong đánh giá, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm... Để một mặt là đánh giá đúng công trạng và hạn chế của cấp dưới, từ đó có những thưởng - phạt nghiêm minh, đúng mức; mặt khác là tạo ra và lan tỏa một văn hóa ứng xử trong cuộc sống và giải quyết công việc, tránh những căng thẳng không đáng có, hạn chế tình trạng mất đoàn kết trong nội bộ, gây bất bình, bất ổn trong tổ chức và đơn vị. Để làm được điều này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải vươn, vượt lên trên mọi cám dỗ vật chất, mọi định kiến cá nhân, thoát ly khỏi những hạn chế của tâm thức dân tộc và những vị kỷ cá nhân...
Thứ ba, Đảng, Nhà nước cần hoàn thiện thể chế, tạo lập những quy định và khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh hành vi và hoạt động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; làm cho những mặt mạnh, mặt tốt trong họ bộc lộ ra để cống hiến cho tổ chức, đơn vị, làm cho tổ chức, đơn vị, cơ quan họ ngày càng phát triển vững chắc; đồng thời phải khắc chế cho được những mặt còn hạn chế, làm cho những phẩm chất chưa tốt "lặn" xuống, không có cơ hội bộc lộ ra, dần dần tạo ra một cung cách ứng xử, làm việc chuẩn mực, hướng đến phục vụ cho cái chung, cho tổ chức ngày càng hoàn thiện.
Thứ tư, người đảng viên của Đảng, đồng thời là người cán bộ giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, ngoài việc tự mình rèn luyện để đảm đương tốt công việc được giao còn phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, trung thành với lý tưởng của Đảng, phải giữ bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách... Để làm được điều này, đòi hỏi người đảng viên cộng sản, người cán bộ giữ trọng trách lãnh đạo, quản lý cần hiểu biết và rèn luyện để ngăn chặn một cách hiệu quả tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm pháp luật; phải ra sức đấu tranh chống các luận điệu sai trái để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; không dao động trước những khó khăn, thách thức; không có những suy nghĩ và việc làm phương hại đến lợi ích của Đảng, tập thể và nhân dân; trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp phải giữ tinh thần đoàn kết, thống nhất; trong giải quyết công việc cho dân thì phải hài hòa, tôn trọng nhân dân...
Tóm lại, để hình thành và nâng cao VHCT trong quá trình thực thi quyền lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nước ta hiện nay đòi hỏi tổng hòa nhiều biện pháp, cách thức, con đường; từ việc thấm nhuần các giá trị VHCT truyền thống để vận dụng vào giai đoạn hiện nay đến việc phát huy nhân tố chủ quan của người cán bộ lãnh đạo, quản lý; đến việc hoàn thiện thể chế VHCT hay tác động của các yếu tố VHCT bên ngoài... là những vấn đề lớn, không thể giải quyết một lúc là xong ngay mà đòi hỏi một quá trình dài lâu, vừa làm vừa tích lũy, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn sinh động đang biến chuyển không ngừng.
TS NGÔ KHẮC SƠN