Mênh mông tình nghĩa thầy trò...
Dường như năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 20-11, ngôi nhà của thầy giáo Nguyễn Đình Trọng (nhà thơ Đông Trình), nguyên giáo sư và Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) lại là nơi tụ họp của một số học trò cũ của thầy.
Anh Phạm Thúc Hồng, một học trò cũ của thầy Đông Trình viết thư pháp tặng thầy. |
Thời gian thấm thoắt trôi đi, mái tóc của thầy và trò đến lúc điểm bạc. Nhưng, họ vẫn ngồi lại cùng nhau thủ thỉ nhỏ to những câu chuyện của ngày nào. Những cuốn sách, trang báo, tập san... kỷ niệm của tập thể cựu học sinh cùng niên khóa, nơi tình thầy xưa trò cũ được thắp lên như là một trong những gia tài quý hiếm mà thầy giáo Đông Trình còn lưu giữ.
Những lứa học trò chợt đến chợt đi lao xao như cơn gió thoảng, nhưng hồi ức đọng lại trong trí nhớ người thầy là những ký ức dịu vợi với khoảng không gian mênh mông bao la xanh thẳm...
Chỉ vào lẵng hoa tươi trên bàn, thầy giáo Đông Trình kể cho tôi nghe câu chuyện về một người học trò cũ. Kể từ hơn 10 năm qua, năm nào cứ đến 20-11, hai vợ chồng người học trò cũ Lương Lực vẫn thường ghé đến nhà thăm thầy. Năm nay, người học trò cũ bị ốm không đi được nên nhắc nhở nhờ người vợ thay mình mang lẵng hoa đến tặng thầy.
Bức thư pháp có chữ Đông Trình được viết như rồng bay phượng múa là món quà của một cựu học sinh cũ ở Hội An (Quảng Nam) của thầy Đông Trình. Anh Phạm Thúc Hồng là nhà thư pháp- nghiên cứu văn hóa Quảng Nam tâm sự: "Có lần tôi thao thức suy nghĩ viết thư pháp cho thầy. Tên của thầy là Đông Trình, tôi chiết tự viết thành hai dòng: "Đông phương lưu minh triết- Trình hướng cảm chân tâm". Như đó là hình ảnh của thầy, tư tưởng của thầy một thời khắc ghi trong tôi.
Một học sinh cũ của thầy Đông Trình hiện ở Hội An tâm sự: "Chúng tôi thật may mắn và hạnh phúc khi được làm học trò của thầy. Những điều thầy đã giảng dạy cho chúng tôi luôn thấm nhuần để có được cuộc sống thành công và hạnh phúc như hôm nay. Đời người được chữ "Phú" thì có nhiều lắm nhưng được chữ "Quý" thì khó vô cùng. Bọn tôi được cả hai, Phú và Quý. Đó là nhờ có thầy".
Kể về học trò, thầy giáo Đông Trình vẫn nhắc đến người học trò chân thành và giàu tình cảm là doanh nhân, người đầu tư xây dựng khu tắm bùn ở Nha Trang vẫn tranh thủ ghé thăm thầy khi về Đà Nẵng. Lúc ấy những đám học trò cũ cùng niên khóa lại xôn xao bên thầy. Nhưng tiếc quá người học trò ấy lại mất sớm, kết thúc đời sống đầy sinh động.
Một cựu học sinh của thầy giáo Đông Trình ở Trường THPT Phan Châu Trinh, anh cũng là một nhà báo nổi tiếng về công tác làm từ thiện- xã hội ở Đà Nẵng: nhà báo Đặng Ngọc Khoa (nay đã mất) mà nhiều người vẫn còn nhớ đến. Mỗi năm đến ngày 20-11, anh Khoa cùng những học trò cũ lại kéo đến thăm thầy. Trong tình thầy trò cũ, những câu chuyện ngày xưa của thời đi học lại được thắp lửa bên một góc phố, hàng cây quán nhỏ lao xao của vỉa hè Đà Nẵng.
Lại một mùa Hiến chương Nhà giáo lại về.
Ghé đến thăm thầy giáo cũ nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Đó phải chăng là truyền thống Tôn sư- Trọng đạo của những người học trò nghèo hiếu học, là truyền thống tốt đẹp muôn đời của người dân Việt Nam. Đó có phải là những học trò thành đạt? Hay chỉ giản đơn, sau bao nhiêu năm, một chân lý- lý tưởng sống cao đẹp vẫn bừng cháy trong họ, lan tỏa trong trái tim những người học trò cũ về một người thầy đã thắp lên trong họ một ngọn lửa ấm áp, thân thương trong tình nghĩa thầy trò với những lời giảng dạy giàu ý nghĩa và thắm đượm tình cảm yêu thương.
Nguyễn Hữu Hồng Sơn