Kỷ niệm 57 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3-3-1959 - 3-3-2016):

Miền biên ải

Thứ tư, 02/03/2016 09:00

* Bài 1: Bộ đội biên phòng "3 cùng" với dân

(Cadn.com.vn) - Đến với đồng bào các dân tộc thiểu số dọc tuyến biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam, lần nào trong tôi cũng dâng trào cảm xúc mới lạ. Vẫn con đường đó, vẫn những ngôi nhà lợp tôn vách gỗ vắt ngang lưng chừng núi, vẫn những cô thôn nữ cười bẽn lẽn chào khách lạ trên đường địu gùi lên rẫy... nhưng chỉ sau vài ba tháng gặp lại, chúng tôi lại phát hiện thêm nhiều điều mới mẻ, thú vị. Bây giờ thì tôi đã hiểu, sự thay đổi từng ngày trên mảnh đất phân định ranh giới thiêng liêng của Tổ quốc chính là nhờ có bàn tay, khối óc và sự tận tâm của các chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đang ngày đêm trấn giữ miền biên ải.

Cây cao su được người dân trồng 3 năm tại xã Đắc Pring.

Đến xã biên giới Đắc Pring của H.Nam Giang (Quảng Nam) lần này, chúng tôi được các CBCS Đồn Biên phòng (ĐBP) Đắc Pring chia sẻ nhiều thông tin vui liên quan đến đời sống của người dân nơi đây. Điều ấn tượng nhất là năm 2013, sau loạt bài viết đăng trên Báo Công an TP Đà Nẵng về sự khó khăn, vất vả tận cùng của người dân vùng Pêtapoóc, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay quyên góp, ủng hộ giúp đỡ. Lịch sử Pêtapoóc khá thăng trầm. Khoảng năm  2006 trở về trước, Pêtapoóc thuộc thôn Kà Nhẫy, xã Đắc Nông, H. Ngọc Hồi (Kon Tum). Bây giờ về với Quảng Nam, nhưng đây vẫn thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đầu nguồn của sông Ring, địa hình chia cắt hiểm trở, nằm cuối cùng trên hướng Tây Nam của tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp Kon Tum, phía Tây giáp tỉnh Sê Kông (Lào). Toàn thôn có diện tích khoảng 1km2, gồm 9 hộ (37 khẩu) dân tộc Giẻ Triêng, Khơ Mú, Hrê. Đa phần dân Pêtapoóc mù chữ, 100% hộ đặc biệt nghèo, chưa có hệ thống điện, đường, trường,  trạm. Được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của chiến sĩ ĐBP Đắc Pring và các tổ chức xã hội,  Pêtapoóc bây giờ đã thay da, đổi thịt.

Thiếu tá Chế Viết Thanh trò chuyện cùng già làng Hiên Vôl.

Thượng tá Nguyễn  Minh Chánh, Đồn trưởng ĐBP Đắc Pring tự hào cho biết, bây giờ Pêtapoóc có điện tự phát bằng turbin bắt từ con suối sau làng. Hệ thống nước sạch được kéo về tận bể chứa của làng. Mỗi hộ dân được bộ đội hỗ trợ xây dựng nhà kiên cố nền xi măng, vách gỗ, lợp tôn. Để từng bước cải thiện đời sống cho nhân dân, ĐBP Đắc Pring cắm chốt một tổ công tác, luân phiên CBCS đến giúp đỡ để bà con tiếp cận với cuộc sống hiện đại. Do sống tách biệt quá lâu trong rừng sâu nên hầu như người dân Pêtapoóc không có khái niệm gì về cuộc sống của thế giới văn minh. Vậy nên, BĐBP phải hướng dẫn mọi thứ, từ việc mở lớp xóa mù chữ cho đến dạy cách trồng trọt, chăn nuôi, khai thác thổ sản bán lấy tiền... Với những đứa trẻ đến tuổi đi học, bộ đội vận động bà con đưa ra Trường Dân tộc nội trú của xã Đắc Pring để học tập trung. Và sau 3 năm chủ động vào cuộc giúp đỡ, đến bây giờ, người  dân Pêtapoóc đã được cải thiện về nhiều mặt, từng bước tiệm cận với cuộc sống của người dân toàn xã.

CBCS Biên phòng trò chuyện cùng Hội đồng gia tộc Alăng tại thôn Công Tơ Rơn.

Ngoài điểm sáng về Pêtapoóc, nhiều năm qua, các chiến sĩ ĐBP Đắc Pring còn thực hiện rất hiệu quả mô hình 3 cùng (ăn, ở, làm việc) với bà con dân bản, giúp họ từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Theo chân Thiếu tá Chế Viết Thanh (ĐBP Đắc Pring) xuống cơ sở nắm tình hình tại thôn 49B (xã Đắc Pring), chúng tôi được ông Hiên Vôl, già làng có uy tín của địa phương chia sẻ nhiều thông tin thú vị liên quan đến tình quân - dân ở đây. Ông Vôl là người đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, từng có nhiều năm tham gia quân ngũ và công tác trong bộ máy chính quyền địa phương nên khá hiểu chuyện. Ông bảo, cuộc sống người dân nơi đây trước khi giải phóng rất khó khăn, đa phần du canh, du cư, đói ăn, thiếu mặc triền miên. Sau ngày đất nước thống nhất, có BĐBP đến giúp đỡ, bà con yên tâm làm ăn, từng bước vươn lên thoát nghèo, con cái được học hành, có đóng góp cho xã hội. Hỏi chuyện về ANTT ở địa phương, già làng Hiên Vôl kể, cách đây hơn chục năm có việc mâu thuẫn, tranh chấp tài sản giữa người dân thôn 48 và 47. Vụ này ông đứng ra phân xử, hòa giải êm thấm, từ đó đến nay người dân sống hòa thuận, nhiều hủ tục lạc hậu như thách cưới, kiêng cữ trong sinh đẻ, bùa ngãi mê tín dị đoan... được người dân dần xóa bỏ. Chia tay chúng tôi, ông Vôl chỉ ra khoảnh đồi sau nhà, nơi có những cây cao su mới trồng cao tầm đầu người, lá xanh mơn mởn khoe: "Chính quyền và BĐBP vận động người dân trồng cao su để cải thiện kinh tế gia đình. Bà con nơi đây ủng hộ nhiệt tình, nhà nào cũng trồng vài héc-ta. Chừng 10 năm nữa nhà báo quay trở lại thì sẽ thấy nơi đây thay đổi như thế nào".

Các cặp vợ chồng xã Đắc Pre  tham gia sinh hoạt CLB không sinh con thứ 3.

Những ngày lưu lại H.Nam Giang, chúng tôi được các chiến sĩ biên phòng đưa về cơ sở thực tế tìm hiểu nhiều mô hình, cách làm hay để giúp đỡ người dân vùng biên. Cùng Đại úy Lê Viết Nam, Chính trị viên phó ĐBP Đắc Pring tham gia sinh hoạt mô hình "CLB không sinh con thứ 3" tại xã ĐắcPre, chúng tôi cảm nhận được sự tin yêu của người dân đối với các chiến sĩ biên phòng. Đây là mô hình do Hội LHPN nữ Đắc Pre phối hợp cùng ĐBP Đắc Pring triển khai thực hiện nhằm giúp các cặp vợ chồng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế. Buổi sinh hoạt diễn ra sôi nổi, điều thú vị là cả 13 cặp vợ chồng đều đến tham dự và phát biểu về những vấn đề liên quan đến cuộc sống của gia đình mình. Theo Đại úy  Lê Viết Nam, mô hình này được áp dụng rộng khắp tại các xã biên giới của H.Nam Giang, phát huy hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền người dân chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật nhà nước, xây dựng nền biên phòng toàn dân, cùng CBCS BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.

Cùng thiếu úy Zơ Râm Thân, cán bộ địa bàn ĐPB Cửa khẩu Nam Giang về thôn Công Tơ Rơn xã La Dêê tìm hiểu mô hình "Tộc họ văn hóa", chúng tôi được ông Alăng Nhiếc (77 tuổi), tộc trưởng tộc Alăng cho biết, toàn thôn có 100 hộ dân thuộc tộc họ Alăng. Từ khi được BĐBP triển khai xây dựng mô hình này, họ Alăng có sự giúp đỡ, đoàn kết và đùm bọc nhau nhiều hơn. Bà con trong họ được giúp đỡ về kinh tế lúc khó khăn hoạn nạn và vượt khó học tập. Alăng Nhiếc nhẩm tính, nhà Alăng Mười neo đơn, được bà con thường xuyên giúp đỡ về quần áo, phát rẫy và gặt lúa. Nhà A Lăng Moor đông con, vợ chồng chậm chạp, không biết làm ăn, bà con giúp đỡ lúa gạo đủ ăn mùa giáp hạt. Nhà Alăng Mau đông con, thuộc hộ nghèo, được bà con giúp đỡ nhu yếu phẩm quanh năm. Ngoài giúp đỡ về vật chất, Hội đồng gia tộc Alăng còn phối hợp BĐBP thường xuyên tuyên truyền bà con trong tộc chấp hành pháp luật, không vi phạm TTATGT, tích cực tham gia bảo vệ biên giới.

Ký sự: Nguyên Thảo
(còn nữa)