Miên man Nghĩa Đồng

Thứ hai, 16/11/2015 09:22

(Cadn.com.vn) - 1. Tôi lấy vợ xã Nghĩa Đồng (H.Tân Kỳ, Nghệ An) bên sông Con đã gần 40 năm nay, là nhà văn, nhà báo viết chuyện khắp nước, lại không viết được bài nào về đất Nghĩa Đồng cật ruột này cả, ngoài bài thơ Người kéo cáp Phà Sen viết từ thời lần đầu về quê vợ. Tệ thật. Có lẽ  vì thân quen quá, năm nào cũng về, có khi một năm về hai ba lần, nên quen mắt, không cảm xúc mới nào chăng? Rằm tháng bảy vừa rồi, vợ chồng tôi về quê giỗ ông ngoại mấy cháu, bỗng dưng cứ muốn viết một cái gì đó cho mảnh đất quê này.

Câu chuyện bắt đầu từ  Trần Văn Thắng, Câu lạc bộ (CLB) dân ca Nghĩa Đồng đến nhà bà chơi, hát cho nghe những bài ví dặm mà anh sáng tác về quê hương. Làng Sẻ quê tôi bên dòng sông Con uốn lượn /Dưới chân núi Bắc cho, bên vực Voi sâu thẳm / Dân quê tôi nghĩa tình nồng thắm / Ngày xưa cùng săn bắn, trồng dâu dệt lụa nuôi tằm… Giọng lính thuốc lào U60 mà Trần Văn Thắng hát lôi cuốn đáo để. Ở Nghĩa Đồng có một Câu lạc bộ dân ca, có người trong đội được chọn vào đoàn dân ca Nghệ An đi liên hoan dân ca toàn quốc ở Huế năm 2014, thật đáng đồng tiền bát gạo. Câu chuyện của tôi còn bắt đầu từ ông anh con bác ruột của vợ là thầy giáo hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Hải Quyền. Anh đã nghỉ hưu lâu rồi, bỗng dưng mấy năm nay làm thơ, viết dân ca hăng hái lắm. Anh có một tập vở học trò màu cháo lòng dày ghi chép các sáng tác mới.

Anh tặng tôi tập thơ  Hương sen Nghĩa Đồng, do CLB thơ Nghĩa Đồng xuất bản vào dịp Tết Ất Mùi, 2015 mà anh là người tham gia biên tập. Anh cười bảo: “Dượng đọc để biết phong trào thơ Nghĩa Đồng mình bây giờ sôi nổi lắm”. Tập thơ Hương sen Nghĩa Đồng tập 1 dày 120 trang, in 89 bài thơ của hơn 50 tác giả. Có tập 1, tức là sẽ có tập 2, tập 3…Tập thơ này cho biết nhiều chuyện vui ở Nghĩa Đồng mà từ trước đến nay chưa có bao giờ: Tháng 12 năm ngoái, Đại hội thành lập CLB thơ Nghĩa Đồng  khóa I, nhiệm kỳ 2014- 2018. Đó là một dấu ấn văn hóa ở vùng đất này. Rằm Nguyên tiêu Ất Mùi, CLB thơ Nghĩa Đồng cũng tổ chức Ngày thơ Việt Nam, cũng ngâm thơ, đàn hát không khác gì ở đô thị Huế, Vinh, Hà Nội… CLB thơ ca Nghĩa Đồng có tới 30 hội viên, có một Ban chủ nhiệm 4 người. Các “nhà thơ nghiệp dư” này đều là nông dân, giáo chức, cựu chiến binh… Họ lao động xây dựng nông thôn mới và cảm thức trước những đổi thay của quê hương mình.

Điều gì đã làm cho người Nghĩa Đồng làm thơ sôi nổi vậy? Thơ là Tâm Tình. Cũng như yêu. Khi yêu ai cũng thành thi sĩ!  Khi cái tâm, cái tình nồng đượm thì ai cũng muốn bày tỏ nỗi niềm. Điều làm cho mọi người dân vui là xã Nghĩa Đồng đã được tỉnh Nghệ An công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cái đó không phải nói trên giấy, mà dễ dàng nhận ra ngay hàng ngày: đường bê-tông thôn, xóm; trạm xá, trường học, hệ thống loa truyền thông... Chỉ đi một vòng Nghĩa Đồng từ làng Sen, qua làng Sẻ, Sa Nam, vào chợ…, tôi nhận ra từng nét đổi thay: ban đêm có đèn đường; hệ thống loa truyền thanh cứ 5 giờ sáng là phát đi tin tức thôn xóm.  Cả xã bây giờ không có nhà tranh vách đất nữa, nhà nào cũng nhà xây, nhà ngói khang trang. Chỉ riêng chuyện một xã mà có CLB dân ca, CLB thơ đủ nói lên cuộc sống văn hóa đã được bà con vun đắp như thế nào.

Đôi bờ sông Con.

2. Đi trên đất làng Sen, làng Sẻ Nghĩa Đồng, tôi cứ miên man nghĩ về sự sâu dày của đất. Đất có màu mỡ mùa màng mới tươi tốt. Phải có một bề dày lịch sử như thế nào người dân Nghĩa Đồng mới đi đầu tỉnh trong việc xây dựng cuộc sống mới như thế. Năm 1977, lần đầu tiên về Nghĩa Đồng, qua Phà Sen, nhìn những kéo cáp đưa phà qua sông tôi xúc động, làm được bài thơ Người kéo cáp Phà Sen: bến bến sông Con em đi lấy chồng/ riêng các anh những người kéo cáp /một thời trai neo giữa lòng đường…/ những chuyến phá xuyên năm lửa bom/ xe gạo đạn và trai làng ra trận /… không ca nô tim anh làm máy nổ/  tay cuộn gân nắm sợi lửa nóng bừng…

Trong những người kéo cáp đưa phà qua sông Con trên hai bàn tay hàng chục năm trường ấy, nhất định có những chàng trai Nghĩa Đồng. Trên con phà đi trên tay người ấy, có hàng trăm chàng trai làng Sen, làng Sẻ đã ra trận. Ở xóm 3 làng Sẻ, đã có hàng chục cựu chiến binh chống Pháp, chống Mỹ như chú Nếp, dượng Tụng, anh Tam, anh Thuật...Hàng chục  chàng trai Nghĩa Đồng đã vào Nam chiến đấu, sau năm 1975, ở lại lập gia đình ở Huế, Đà Nẵng, Tiền Giang…Có rất nhiều người Nghĩa Đồng ra trận không về…Trong chiến tranh, người Nghĩa Đồng không chỉ lo “gạo không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, mà còn lo nơi ở ăn, lo đất sản xuất cho bà con từ tuyến đầu Vĩnh Linh sơ tán. Cả huyện Tân Kỳ đón tiếp 30.000 bà con Vĩnh Linh, trong đó ở Nghĩa Đồng có hàng ngàn người. Ở lâu quá, người Vĩnh Linh, Tân Kỳ đã thành ruột thịt. Cho nên, cứ vào mỗi gia đình làng Sen, làng Sẻ, nói chuyện với bà con, hay ngước lên bàn thờ, đều nhận ra ngay đây là con dân của xã Anh hùng chống Mỹ. Nghĩa Đồng là mảnh đất trầm tích lịch sử, trầm tích văn hóa mà thế hệ hôm nay đã đồng lòng phát huy truyền thống, ra sức tôn tạo và dựng xây cuộc sống mới.

3. Một chiều thu, trong sân nhà mẹ vợ tôi, bà Vũ Thị Trọng, 86 tuổi đời, 65 tuổi Đảng, anh Trần Văn Thắng gõ bát hát dặm, giọng vang lên ngọn cây: Ta về lại từ ngàn xưa /Tìm cội nguồn câu đò đưa ví giặm /Ơi câu ca chắt từ chua mặn / Tự hai sương một nắng mà nên lời… Mẹ tôi cũng hát theo, giọng già ngắt quãng. Tôi nghe giọng bà hát mà tưởng như câu ví giặm từ đất vọng lên, âm vang da diết…

Tùy bút: Ngô Minh