Miền Tây xứ Nghệ “nóng” tình trạng buôn bán người

Thứ ba, 18/08/2015 11:11

* Kỳ 1: Xâm nhập những “điểm nóng”

(Cadn.com.vn) - Những năm gần đây, mặc dù lực lượng chức năng từ xã, huyện đến tỉnh ở Nghệ An vào cuộc quyết liệt, nhưng tình trạng buôn bán người vẫn diễn ra thường xuyên, phức tạp tại địa bàn các huyện miền Tây xứ Nghệ như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến thực tế tại các “điểm nóng” về vấn nạn mua bán người để nhận diện loại tội phạm này.

Ám ảnh Đôn Phục

Bản Hồng Điện (xã Đôn Phục, H. Con Cuông, Nghệ An) có 117 hộ, 502 nhân khẩu với sinh kế chính là dựa vào sản vật của núi rừng nên cái đói, cái nghèo luôn hiện hữu. Có lẽ vì vậy mà Hồng Điện trở thành một trong những bản “nóng” về tình trạng phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc. Thời kỳ cao điểm nhất, Hồng Điện có hơn 20 phụ nữ “mất tích” một cách hết sức bí ẩn. Người thì nói rằng họ vào miền Nam làm công nhân hay sang Trung Quốc làm thuê, nhưng có người nói rằng họ bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ, hoặc bị bán vào các động mại dâm…

Bản Hồng Điện, một trong những "điểm nóng" về nạn buôn bán phụ nữ thuộc xã Đôn Phục (Con Cuông, Nghệ An).

“Chúng nó đi làm ăn xa hay đi đâu đều không công khai, thậm chí chúng bị bọn buôn người lừa bán cũng do nó tự thỏa thuận hoặc lén lút giao dịch với nhau thôi. Chính vì những lẽ đó nên chính quyền địa phương không thể nắm được” - Trưởng bản Vi Xuân Hoàng nói về thực trạng “không thể quản lý” nhân khẩu của địa phương. Trưởng bản Hoàng còn liệt kê danh sách 3 trường hợp từ khi “mất tích” đến nay không hề có mối liên hệ nào với gia đình, họ hàng. Đó là các trường hợp Mùi Thị Xoa (1990, vợ của anh Lương Văn Giáo). Hai người có một đứa con thì Giáo vướng vào ma túy, bị kết án 19 năm tù. Một ngày, Xoa ôm theo con nhỏ là Lương Bảo Yến bỏ đi biệt tích, đến nay đã 2 năm mà không ai biết mẹ con cô ấy đi đâu. Tiếp đến là trường hợp Mạc Thị May (1994, con của anh Mạc Văn Khay), Vi Thị Uẩn (1996, con của anh Vi Văn Ngọc) cũng rời khỏi bản mà không ai hay biết, không liên lạc về cho gia đình.

Nằm kề Hồng Điện, bản Hồng Thắng cũng là địa bàn nhức nhối về nạn buôn người. Trưởng bản La Đình Việt nói: “Dịp này tình hình có lắng xuống, chứ trước đây thì nhiều lắm. Cả bản có 643 nhân khẩu nhưng có thời điểm đi mấy chục người. Chủ yếu họ tự thỏa thuận ngầm với nhau, ưng cái bụng là nó lặng lẽ rời đi”. Lần giở cuốn sổ đã úa màu, ông Việt cho biết thêm, bản Hồng Thắng hiện có 4 trường hợp bị dụ dỗ đưa đi bán, giờ đã lấy chồng, sinh con ở Trung Quốc, đó là Vi Thị Thức (1998, đi khi đang học lớp 9), Cầm Thị Thu (1996), Vi Thị Múi (1994) và Đinh Thị Bảy (1990). Cũng tại bản Hồng Thắng, một nhân chứng sống vừa đào thoát trở về từ bên kia biên giới, em Vi Thị H. (1997) được trưởng bản Việt gọi tới cho chúng tôi tiếp chuyện. Như con chim non sợ đậu phải cành cong, H. e ngại không dám mở lời. Được trưởng bản Việt động viên, H. mới rụt rè kể: khi đang học lớp 7 thì bị một phụ nữ không rõ lai lịch rủ sang Trung Quốc làm việc cho Cty, sẽ kiếm được nhiều tiền để giúp đỡ gia đình. Nghe lời và đi theo, tuy nhiên cuộc sống nơi đất khách quê người không như ý muốn, H. đã chạy trốn và tìm được đường trở về.

Trưởng CAX Đôn Phục Vi Văn Lai cho biết, vấn nạn mua bán người trên địa bàn từ trước đến nay rất nhức nhối, thậm chí đã hình thành nhiều đường dây mua bán người. Trong đó, nhiều đối tượng nằm trong diện nghi vấn như Vi Thị Toàn, Vi Thị Năm đã đi khỏi địa phương; Vi Thị Hà đang bỏ trốn; Lương Thị Duyên (1978, trú bản Xiềng), hiện đang có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú vì liên quan đến một đường dây đưa phụ nữ và trẻ em xuất cảnh trái phép. “Địa phương hiện có hơn 40 người đi làm ăn xa nhưng không rõ ở đâu, trong đó có nhiều trường hợp bị lừa bán. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nạn nhân nào quay về trình báo hay tố cáo đến chính quyền địa phương” - ông Lai cho biết thêm.

Ông La Đình Việt - Trưởng bản Hồng Thắng ghi chép tất cả
những trường hợp bị “mất tích”.

Người thân mòn mỏi ngóng chờ

Lưu Tiến (xã Chiêu Lưu, H. Kỳ Sơn) là bản 100% người dân tộc Khơ Mú, nằm chênh vênh bên dòng Nậm Mộ cũng bị “bão” buôn người quét qua mấy năm nay. Hậu quả của “bão” này là đến nay toàn xã có đến gần 40 phụ nữ, trẻ em gái mất tích không rõ lý do. Ông Moong Văn Quế - CA viên phụ trách bản Lưu Tiến kể, toàn bản có 148 hộ với 638 nhân khẩu, nhưng có đến gần 40 người mất tích, trong đó một nửa là trẻ em. Những người này đều nghi bị lừa bán sang Trung Quốc. Mặc dù vậy, đến nay chúng tôi vẫn không liên lạc được với trường hợp nào.

Nạn nhân Vi Thị H. may mắn trở về.

Bận bịu với nương rẫy nên “thả nổi” việc trông coi con cái, đến khi con “mất tích” thì mới đau đáu ngóng chờ, đó là trường hợp gia đình anh Moong Văn Tiến (1980). Mất đi đứa con gái Moong Thị Na (2002, đang học lớp 7), anh Tiến đã bỏ tất cả để làm một công việc là chèo đò trên dòng Nậm Mộ để ngóng tin con. “Nó học giỏi nhất nhì bản, xinh xắn và rất ngoan. Những ngày vợ chồng tôi ngủ lại trên rẫy, việc nhà đều do nó quán xuyến, chăm lo cho các em. Khi nghe tin con mất tích, vợ chồng tôi đi tìm khắp nơi nhưng đều vô vọng. Đã nhiều mùa rẫy đi qua, tôi vẫn nuôi hy vọng tìm được con trở về nên mới ra đây chèo đò, mục đích chính là dò la tin tức chứ không đơn thuần chỉ vì mưu sinh” - anh Tiến nghẹn ngào nói. Cũng bản Lưu Tiến, chuyện của cháu Cụt Văn Anh (2009), cũng rất xót xa. 2 năm trước, mẹ cháu bị lừa bán sang Trung Quốc rồi biệt tích luôn. Trong khi bố tất tả ngược xuôi để tìm mẹ về thì cháu phải sống dựa vào ông bà nội. Thiếu thốn tình cảm và sự chăm sóc của cha mẹ, cháu Anh ngày càng gầy đét, đen nhẻm. Nói chuyện với chúng tôi, cháu bảo: “Bố đi tìm mẹ mãi mà không thấy, cháu nhớ mẹ lắm”!

Rời bản Lưu Tiến, chúng tôi đến bản Lưu Thắng, một trong những địa bàn cũng đang rất “nóng” về vấn nạn mua bán người. Cả bản có đến 70% hộ nghèo, vừa quay quắt bởi tệ nạn ma túy (nay vẫn còn trên 30 đối tượng nghiện) thì lại phải gánh thêm nỗi đau kép bởi có hơn 50 phụ nữ, bé gái đã “mất tích”. Trưởng bản Cụt Thanh Sơn kể, bi kịch nhất có lẽ là gia đình anh Cụt Văn Sang (1988). Vợ anh Sang là Moong Thị May (1985) và em gái Cụt Thị Mỹ (1993) bị một phụ nữ ở xã Hữu Kiệm đến rủ rê, lừa bán sang Trung Quốc. Sang nhiều lần vượt biên sang xứ người, tìm được vợ anh không thể đưa vợ về vì chị May giờ đã là vợ của người khác. Ngoài ra, còn rất nhiều phụ nữ, trẻ em khác như Cụt Thị Bông (1993), Lô Thị Ngọc (1995), Lô Thị Ổn (1997)… tất cả đều sa chân vào cạm bẫy của bọn buôn người.

X.S
(còn nữa)