Mối lo sông lở, cát bồi!

Thứ hai, 11/11/2013 13:15

(Cadn.com.vn) - Là địa phương nằm phía hạ lưu của nhiều con sông lớn ở xứ Quảng như Thu Bồn, Vu Gia..., cứ đến mùa mưa, Đại Lộc lại trở thành vùng rốn lũ. Nhiều làng mạc, hoa màu bị nhấn chìm trong biển nước. Rồi khi nước lũ rút đi, "họa cát bồi" lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân vùng quê nghèo này. Những năm trở lại đây, nhiều thủy điện phía thượng nguồn xả lũ khiến tình trạng trên ngày càng nghiêm trọng...

Từ "họa sạt lở"...

Những ngày này, đi dọc dòng sông Vu Gia, Thu Bồn, Quảng Huế... qua nhiều xã của H. Đại Lộc, đâu đâu cũng thấy người dân than thở vì chuyện đất lở, cát bồi. Thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng) là một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất với hàng trăm hộ dân bị thiệt hại. Ông Võ Duyệt (42 tuổi) chỉ tay ra phía giữa sông, thở dài: "Hồi xưa đất chúng tôi canh tác ở phía xa gần giữa lòng sông kìa, nay chỗ đó chỉ thấy toàn là nước. Đến căn nhà đang ở sắp tới cũng phải di chuyển, nhưng chưa biết chuyển đi đâu".

Ông Phan Văn Thương, trưởng thôn Đại Mỹ cho biết, cả thôn có 250 hộ nhưng có đến khoảng 100 hộ bị ảnh hưởng nạn đất lở, cát bồi. "Trong 78 hộ thuộc diện di dời, thì có tới 26 hộ cần di dời khẩn cấp, tuy nhiên đến nay, khu tái định cư Gò Dinh chỉ mới triển khai xong mặt bằng và một vài con đường tạm bợ, cơ sở hạ tầng chưa có gì nên chưa thể chuyển bà con về đó được. Dân chúng tôi đang lo lắm".

Vị trí này xưa vốn là nhà dân, nay thì đã bị sông "nuốt" mất.

Hiện nhiều làng mạc ở H. Đại Lộc đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, bởi chỉ trong thời gian ngắn, sông lở theo cấp số nhân khiến người dân không kịp trở tay, chính quyền tỏ ra lúng túng khi ngay cả giải pháp thức thời cũng chưa tìm ra. Như tại thôn Phước Yên (xã Đại An) nơi con sông Quảng Huế đi qua, chỉ vài ngày sau cơn bão số 11 tràn qua, con sông đã "nuốt chửng" gần 100m chiều rộng, trải dài trên 2km khiến bà con hết sức bàng hoàng. Ông Huỳnh Thiên, trưởng thôn Phước Yên cho biết, hiện thôn có gần 50 hộ dân bị nước sông đe dọa đến nhà cửa, thậm chí cả tính mạng, còn hàng trăm hộ khác bị ảnh hưởng bởi đất vườn, đất sản xuất bị nước cuốn trôi...

...Đến nạn cát bồi!

Trái với "họa sạt lở", người dân tại H. Đại Lộc còn phải đối mặt với "nạn cát bồi". Trận lũ vừa đi qua đã để lại những khối cát khổng lồ, vùi lấp hết hoa màu, ruộng vườn, thậm chí cả nhà dân nơi đây.

Ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch UBND H. Đại Lộc không khỏi lo lắng trước vấn nạn này. Theo ông Tính, những năm qua địa phương này đã mất gần cả ngàn héc-ta đất do bị sạt lở, bị cát bồi lấp. Chỉ riêng đợt lũ sau bão số 10 và 11 vừa qua, nhiều xã như Đại Hòa, Đại Lãnh, Đại An... bị dòng sông "ăn sâu" vào đất liền, có chỗ lên đến 50m. Với chiều dài gần 20km dọc bờ sông bị ảnh hưởng, có tới khoảng 61ha đất ở, 270 ha đất sản xuất bị cuốn trôi. Kéo theo đó là hàng ngàn hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất.

Bờ tre do người dân trồng để chống xói lở, nhưng xem ra cũng không nhằm nhò gì
với dòng nước lũ.

"Mặc dù chính quyền và người dân đã tích cực trồng tre, đóng cọc, đắp đê bao chắn xói lở nhưng cũng phải bó tay bởi nước lũ quá lớn, thêm vào đó là việc thủy điện xả lũ khiến nước ứ đọng, đất, cọc tre ngâm nước nhiều ngày nên bở ra, tình hình càng nghiêm trọng", ông Tính nói.

"Cái khó nữa của chính quyền và người dân Đại Lộc là họ muốn di dời dân đến nơi ổn định để "an cư lạc nghiệp", nhưng có nhiều dự án còn dang dở, không ít dự án chỉ nằm trên giấy vì tình hình kinh tế khó khăn", ông Tính cho biết thêm.

Khu vực này trước đây là vườn và nhà của người dân, nay là bãi bồi mênh mông cát trắng.

Là lãnh đạo phụ trách mảng nông nghiệp hàng chục năm ở địa phương, ông Tính rút ra được vài kinh nghiệm để đối phó với nạn sạt lở, cát bồi. Theo ông, Nhà nước nên xây kè vì xây kè có lợi hơn rất nhiều so với việc di dời dân. Bởi, khi di dời một làng mạc hay khu dân cư nào đó sẽ gây nhiều hệ lụy đến đời sống, phong tục tập quán; ngoài ra sẽ phải bỏ ra lượng tiền lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ người dân xây nhà mới... Hơn nữa, khi về khu tái định cư mới thì đất sản xuất không còn nhiều vì quỹ đất ngày một khan hiếm... Cũng theo ông Tính, khi làm kè, nên làm dọc theo dòng chảy chứ không nên làm kiểu vuông góc, tam giác hay ngang dòng chảy, bởi nếu xây kè như thế thì không những không ngăn được xói lở mà còn làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở nghiêm trọng hơn.

Bài,ảnh: D.Hùng