Mối tình ngây thơ
1. Buổi sáng. Tôi ngồi đo những ngón tay thon trong nắng sớm mà chẳng hay hàng trăm sợi tóc trên đầu đã bắt đầu rục rịch một cuộc chuyển đổi thân phận đen thành trắng. Bắt đầu là những sợi tóc bạc bé tí. Rồi đến những sợi tóc đen dài bắt đầu chuyển sang màu bạc từ dưới gốc. Thi thoảng lại soi gương và vỡ vạc ra tự hỏi mình sao tóc mình nhanh bạc thế nhỉ. Rồi lại kệ. Đời vắn dài như sợi tóc. Trắng với đen nhiệm lên màu đời để người ta phân biệt tuổi thanh xuân và xế chiều. Cái dáng đứng thẳng sẽ về chiều cong cúm. Tóc dày mượt rồi đến lúc mỏng tanh, xác xơ phận người. Đứa con gái đến và nhẹ nhàng hôn lên trán tôi. Giọng cô bé chùng xuống: "Con nhổ tóc bạc cho mẹ nhé?". Câu hỏi vu vơ của cô bé làm tôi mỉm cười. "Thôi con. Mẹ đã già. Làm sao cưỡng được thời gian. Cứ để nó bạc thế". Cô bé lủi thủi bỏ vào phòng đóng cửa lại và rồi tôi nghe rõ âm thanh hức hức phát ra. Con gái tôi khóc. Tôi để cô bé có một khoảng thời gian khóc như riêng tư rồi gõ cửa. Cửa không khóa. Cô bé mắt đỏ hoe. "Mẹ ơi mẹ đừng già. Mẹ đừng chết. Mẹ đừng bỏ con". Tôi ôm con bé vào lòng, nhẹ lau những giọt nước mắt cho nó. "Mẹ ở ngay đây. Mẹ có đi đâu xa đâu. Nhưng con biết không, con người không thể đi ngược lại thời gian để mà chống lại quy luật tuần hoàn. Sinh ra, lớn lên, già đi và rời khỏi thế gian này". Cô bé đột nhiên hỏi: "Thế tóc có thể cứ mãi đen xanh không mẹ. Con ghét những sợi tóc màu trắng. Trông rõ buồn". Tôi im lặng.
Trong sâu thẳm của những nỗi sợ của một người mẹ đối với con gái đó là sợ con vụt nhanh khỏi tầm tay của mình mà chưa làm tròn được bổn phận một người mẹ tốt. Khi chưa kịp dạy cho con những cảm xúc của vị giác, xúc giác, giữa lý trí và tâm hồn, hay trái tim và sự rung động bình thường của một người phụ nữ. Khi sợ con vụt khỏi tầm tay mình, người mẹ thường thức giấc lúc nửa đêm để rồi mở cửa phòng của con, kéo tấm chăn nhỏ đắp lên cho con rồi không quên vuốt những sợi tóc mai mỏng manh trên gương mặt thanh tú. Ai đã làm mẹ sẽ hiểu tại sao chính mẹ mình lại thường hay rầy la và luôn tỏ ra bao bọc con cái dù rằng khi con đã lớn. Cả khi con đã có gia đình và đã làm mẹ. Vậy nên, khi muốn khóc ta cứ khóc với mẹ mà chẳng sợ rầy la hay cho là trẻ nhỏ. Lớn bao nhiêu thì trong mắt mẹ các con vẫn là những đứa trẻ mới đủ vững bàn chân để bước trong đời mà còn thiếu hơi ấm mẹ trên những quãng đường xa trước mắt. Như sợi dây mỏng manh kết nối mẹ với cuộc đời, dẫu có bay xa đến đâu thì đêm đêm vẫn nhủ thầm mình được mẹ cho một hình hài. Mẹ đưa mình đến thế giới này. Mẹ cho mình thở và ban tặng mình sự sống.
Buổi sáng trong veo. Có con chim sẻ non nhẹ đậu lên khung cửa nhỏ và hót lời tự tình. Những giọt nắng xuyên qua từng kẽ tóc tơ của con thơ đang ngồi bên cây vĩ cầm. Âm thanh trong sáng và dịu nhẹ khi đôi bàn tay con gái lướt nhẹ trên bàn phím. Có một chút nhớ len qua những sợi tóc mai đang nhẹ buông nơi thái dương. Không gian như ngưng lại khi tôi tự thở dài nhẹ bẫng cả người bởi vì bao lo toan trượt mất. Chợt bàn tay hoang hoải nắng. Chút thi vị đời thường nhạt trên đôi môi khát gió. Có những con đường ta đi mãi thành quen nhưng có những nơi mà ta đến nhiều lần vẫn cảm thấy có chút gì đó khác lạ và thôi thúc. Như khi tôi nhìn vào mắt con gái nhỏ. Đôi mắt đen láy. Hàng chân mày như vẽ đúc ra từ khuôn mặt ba nó. Lại cười. Có cái gì đó không chừng dừng lại. Thi thoảng cô bé lại đánh lừa cảm xúc của tôi bằng cách bắt chuyện một vấn đề gì đó rồi đột ngột hôn vào má tôi. Cô bé hay cười. Đôi mắt đen láy nhìn về phía cửa. Ở đó khoảng trời của con lộng gió biển khơi và những vạt nắng mai nhẹ vương trong gió.
2. Chiều loang nắng ngọt trên Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Người bạn đó, người mà tôi ngỡ ít có dịp hạnh ngộ lại đang ngồi cạnh tôi-nhà thơ Vi Thùy Linh -Vili -đã qua cơn khát của những cánh chim thiên di chưa bao giờ muốn dừng lại, giờ thì cô ấy đã dừng chân bên hạnh phúc nhỏ của mình với một đứa con gái mắt đen láy. Vili hạnh ngộ Đà Nẵng bên người chồng luống tuổi dáng hao gầy như một dấu hỏi thời gian. "Cô ấy thường than mệt". Anh ấy nói. Tôi đáp lời "Vâng, em biết. Đời người mệt nhiều lúc, nhưng rồi cũng phải chững lại, bớt bất kham mà sống. Cô ấy trở về với chính tình yêu của mình trong văn chương lẫn đời thường. Anh là người may mắn". Người đàn ông dáng người như dấu hỏi nhìn tôi qua cặp kính râm to bản. Mỉm cười. Sự thành thật đôi khi làm con người ta nhuốm lên một màu ký ức phôi thai. Chín tháng mười ngày mang nặng giọt mật tình yêu như mật ngữ đời thường. Đứa con là sợi dây nối cô ấy với thời gian và cuộc đời. "Thương lắm, giờ mình sống cho con". Cô ấy nói trong nước mắt mà không biết rằng tim tôi đang lặng đi vì ngỡ như vừa chạm phải điều sâu thẳm nhất. Chiều bảo tàng, những vạt nắng hắt qua từng bức tượng cổ. Cô ấy bảo đã 11 năm rồi chưa trở lại Đà Nẵng, chưa trở lại Bảo tàng Điêu khắc Chăm - nơi có quá nhiều ký ức. Cô ấy bảo phải được bình tâm để chiêm nghiệm cảnh sắc nơi này để biết đâu đó cảm xúc hồi sinh. Tôi để bạn ở lại một mình trong không gian đầy tượng cổ. Ở đó, hẳn bạn đã có một tình yêu. Nơi ngôn ngữ cứ thế chất lên khóe mắt mà trông ngóng tháng ngày huyền nhiệm mãi mãi. Như tình yêu kết nối trong vô vàn khoảng trống đời người khi cái duyên chữ nghĩa được đắp đầy. Tuổi trẻ ai cũng khát khao. Người sống với nghệ thuật lại có nỗi khát khao đốt cháy mọi ước mơ để chạm tay vào miền hiền minh của gió, chạm được thời khắc giao mùa chỉ bằng một mùi hương hoa đơn sắc.
Chưa biết khoảng xanh nào sẽ dành riêng cho mối tình ngây thơ của tôi trong xa thẳm đường đời. Trên bậc cửa, con chim xanh vẫn mải mê hát lời tình yêu diệu vợi. Nhớ đôi mắt ngân ngấn của Vi Thùy Linh chiều trên Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Cuộc đời là chuyến đi bình yên trong cảm xúc. Như sắc nắng chiều nay dệt thành nỗi nhớ sau đôi vai buông lơi.
N.T.A.Đ