Một chuyến "buôn" gỗ

Thứ năm, 14/08/2014 08:18

(Cadn.com.vn) - Biết H., một tay chơi đồ gỗ có tiếng đất Đà thành có chuyến đi mua gỗ về dùng, tôi xin theo. H. đồng ý,  với điều kiện tôi phải học nhanh một vài điều sơ lược về gỗ, để khỏi lớ ngớ, làm hỏng chuyến đi "buôn" của mình. Trực chỉ thị trấn Prao (H. Đông Giang, Quảng Nam), ghé vào nhà một người dân Cơ Tu, chủ gỗ là một người khá trẻ, bảo: "Gỗ thì sẵn đó, muốn đốt nào thì lấy đốt đó. Nhưng nói trước ở đây ra giá phát một, chứ kỳ kèo thì thôi. Vận chuyển thì tự lo, nếu lấy được thì mua về mà làm, không được thì thôi".

Nói đoạn, vị chủ trẻ cười khách khí: "Đã mất công lên đây rồi thì phải mang về xuôi được thứ gì đó rừng rú một tí chứ. Không có cái máu này thì chơi đồ gốm, sành, sứ cho nó lành".  Một, hai, ba... đốt gỗ nằm sau xó nhà, đã mọc rêu, chủ gỗ thẳng thừng ra giá: "Kiền kiền này đốt tiện được lục bình giá 2,5 triệu, một cặp 5 triệu. Xoan thì rẻ hơn, đốt nào triệu đó. Sao huyết thì tùy vào kích cỡ, to thì to tiền, nhỏ thì nhỏ tiền. Nhưng muốn hàng tốt hơn thì phải chờ vài ngày, chắc chắn sẽ có". H. bảo: "Gỗ cũng tạm được nhưng giá cứng quá, mềm một tí không được hay sao?". Tôi chêm vào: "Mua với số lượng lớn, có không?". Chủ gỗ không ngần ngại: "Đặt bao nhiêu có bấy nhiêu, nhưng số lượng lớn thì vận chuyển khó lắm, chắc chắn bị sờ gáy. Các loại quý như giáng hương, lim, sến, táu... thì các anh sang Lào mà mua, đây làm gì có".

Một lán trại xẻ gỗ rừng nằm nép mình ở xó rừng, sát thị trấn Prao.

Chúng tôi không mua ngay mà hẹn sẽ quay lại và đi tìm những mối gỗ khác. Nhiều chủ gỗ khác ở Prao cũng có một lượng gỗ cất giữ bên hông nhà, đang chờ mối bán. Lần xe chừng 10 cây số nữa, đến xã Zà Hung, đây mới đúng là thiên đường của gỗ. Gỗ chất hai bên vệ đường, sát nách nhà. Hai bên ta-luy những mảnh gỗ thừa sót lại từ những mảnh gỗ xẻ khối hộp. Những đứa trẻ Cơ Tu nhỏ nghịch ngợm trượt trên những máng gỗ nằm nghiêng ngả. Ghé vào nhà của một gia đình Cơ Tu, vợ bảo chồng đi rẫy chưa về, lại không biết số điện thoại chồng. Phải chạy sang nhà hàng xóm có điện thoại để lục lọi danh bạ tra tìm. Đầu dây bên kia bắt máy, tiếng một người đàn ông trạc tuổi, giọng lơ lớ: "Bán. Mấy cũng bán, bán tất. Quan trọng gì thứ đó. 15 phút nữa sẽ về".

Đúng như dự định, 15 phút sau, chiếc xe máy cà tàng thồ theo một mảng rau lớn. Từ trong mớ rau, giọng nói lúc nãy vang ra: "Mua gỗ à?. Kiểu gỗ gì? Tiện lục bình, đẽo tượng, đồ thờ cúng hay làm nhà?". Tôi mạnh miệng nói mua hết với số lượng lớn. Người đàn ông lom lom nhìn tôi chỉ đống gỗ sau nhà nói: "Đây chỉ là một số ít, số còn lại đang nằm trong những bãi sâu hơn, chỉ cần một cú điện thoại thì gọi xe tải đến đây mà chở".

Gỗ rừng được xả thành khối để khách hàng đưa về xuôi tiện lục bình.

Có một thực tế rằng, nơi nào phá rừng một cách ồ ạt thì nơi đó sẽ bị truy quét gắt gao. Còn những nơi âm ỉ, phá rừng theo kiểu chọc tiết, phá ngày này qua tháng nọ, khó phát hiện, ngăn chặn lắm. Prao của Đông Giang "đánh" theo kiểu sau. Hôm gặp Hạt trưởng Kiểm lâm Đông Giang Đinh Viết Khánh, tôi đã đặt vấn đề với anh rằng ở Đông Giang có nạn lâm tặc hoành hành không?. Anh thẳng thắn, không che đậy rồi vắt tay lên trán bảo rằng, nạn phá rừng ở đây nhức nhối lắm, hầu hết đều phá theo cách nhỏ lẻ, nghĩa là "phang" một cây nào thì tiêu thụ hết cây đó mới "phang" tiếp. Đây chính là điều khó nhất trong công tác bảo vệ và tuần tra rừng. Anh em trong Hạt nhiều lúc rơi vào thế bị động, vì vậy phải tăng cường kiểm tra kiểm soát thường xuyên.

Có một câu chuyện mà dân gian truyền tai nhau, thiết nghĩ nó cũng có phần đúng khi nói về rừng Đông Giang. Đó là chuyện về cái ao cá đầy nước, chủ nhân của nó vẫn an tâm rằng lượng nước trong hồ không thay đổi nhưng một thời gian sau mới tá hỏa vì cá tôm dưới hồ đã hết sạch, đáy hồ nứt nẻ. Qua tìm hiểu mới thấy có con cua nhỏ đào một cái hang xuyên bờ đê ao cá, nước thấm ra nhỏ giọt ngày này qua năm nọ, đến khi ao không còn là ao nữa. Vậy mới có câu "nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mội". Rừng ở Đông Giang, nhìn ngoài thì rừng xanh là chốn đây nhưng vào trong mới thấy rằng rừng đã "về phố" hết, rỗng ruột.

H. đã mua được hai súc gỗ kiền cỡ lớn, mang về xuôi tiện khối lục bình. Mua thì dễ, nhưng vận chuyển thì không phải thế. Chủ gỗ người Cơ Tu mách nước: "Có hai cách để đưa về, một là gửi theo xe gỗ keo lai (tràm). Liên hệ với nhà xe, cho một cái giá đáng mặt đồng tiền, chất gỗ vào trước, sau đó đậy keo lên, thế là thong dong về xuôi. Cách thứ hai là nhờ xe vận chuyển nông sản đưa về, ở đây là xe chở chuối, nhưng phải thương lượng với bác tài".

Chọn cách thứ nhất, người lái xe đồng ý nhưng bảo rằng bị lục lọi là mất, đừng oán gì ai. Đến chiều, chuyến xe tải lăn bánh, chúng tôi bám theo, tay tài xế đạp phanh, nhảy xuống xe, nổi cáu: "Đồ ngu. Bây cứ chạy rì rì theo sau xe vậy thì ai mà chả biết trong xe có cái không đáng phải chở. Chạy về trước đi, khi nào gỗ về tau chở đến tận nhà".

Trời bắt đầu tối. Chuông điện thoại reo, bên kia đầu dây bảo an toàn. Còn dặn rằng "nếu có chuyến sau thì nhớ xe của anh nghe chú".

Bùi Đức Tú