Một chuyến thăm Trường Sa

Thứ tư, 22/06/2022 15:39
Tôi còn nhớ, sáng 16-5-2017, chúng tôi họp đoàn công tác tại Nhà văn hóa Ban chỉ huy Quân sự thành phố để nghe phổ biến nội quy, quy chế, công bố việc chia tổ quản lý và chương trình của chuyến đi. Sau đó, trong các ngày 18 và 19- 5, chúng tôi lần lượt cơ động vào Sở chỉ huy Lữ đoàn 125 Vùng 4 Hải quân. 6 giờ ngày 20-5, cả đoàn xuống bến cảng Cát Lái, dâng hương tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Đoàn tàu không số. Và sau đó, tất cả thành viên đoàn công tác xếp hàng lần lượt lên tàu kiểm ngư KN-491, một loại tàu tuần tra xa bờ rất hiện đại lúc đó để bắt đầu chuyến hải hành có một không hai trong cuộc đời tôi.
Không xa đâu Trường Sa ơi…
Thăm đảo Trường sa Đông.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm ở Trường Sa.

Sau một hồi còi dài, tàu bắt đầu rời cảng. Đứng trên boong tàu nhìn xuống, tôi vẫn thấy các anh bộ đội Hải quân và cán bộ, nhân viên Quỹ Vừ A Dính vẫy tay chào, ai nấy đều cảm thấy bồi hồi và cũng có một chút hồi hộp, lo âu khi thật sự thấy mình dần dần rời xa đất liền đi vào biển cả mênh mông. Hôm ấy thật sự là một ngày đẹp trời, nắng dịu, biển bình yên, sóng vỗ nhẹ, mọi người bắt đầu làm quen với cảm giác bềnh bồng trên sóng biển và những cơn say sóng nặng nhẹ đã đến với mỗi người.

Quá trưa, tức là sau chừng 5-6 tiếng đồng hồ đầu tiên của cuộc hành trình, tàu chúng tôi đi qua khu vực mỏ Bạch Hổ, nơi các giàn khoan đang khai thác dầu trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Sau 2 ngày đêm, tàu chúng tôi đi đến đảo Đá Lát - đảo đá đầu tiên trong cuộc hành trình. Các thành viên trên tàu xuống ca nô để di chuyển vào thăm cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Sau 8 ngày đêm, tàu chúng tôi lần lượt đi thăm 10 điểm đảo trong quần đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam. Ngày thứ 9, đoàn dự kiến đến thăm nhà giàn DK1 trên vùng biển Bãi Tư chính thuộc thềm lục địa phía Nam nhưng do sóng to gió lớn, tàu không tiếp cận nhà giàn được. Lãnh đạo đoàn và các chỉ huy tàu đã có sáng kiến giao lưu với cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1 qua loa phóng thanh - một kiểu giao lưu gián tiếp, khoảng cách giữa các chiến sĩ trên nhà giàn với tàu khoảng vài trăm mét. Cuộc giao lưu có cả những lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe, lời động viên và lời ca tiếng hát nhưng lại diễn ra trong không gian thấm đẫm nước mắt của các thành viên trong đoàn. Đúng thật là một cuộc giao lưu có một không hai trong đời người.

Nói chuyện với lính nhà giàn qua vô tuyến.

Trong lịch trình của cuộc hành trình, sáng 27-5, tàu đã neo đậu tại Bãi Tư Chính để làm lễ dâng hương tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên biển. Chúng tôi được biết, những cơn bão lớn cùng với sức tàn phá khủng khiếp đã làm đổ một số nhà giàn mang theo cả những cán bộ, chiến sĩ bộ đội Hải quân đang làm nhiệm vụ trên biển. Giữa biển trời mênh mông trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, trước tượng đài vô hình của cán bộ, chiến sĩ ưu tú đã ngã xuống để giữ yên một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Thật đáng trân trọng biết bao công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã sớm ra biển, bám biển, khai thác làm chủ biển, biến tiềm năng của biển thành nguồn sống cho dân tộc. Trong tiếng sóng biển ầm ào và khói hương trầm tỏa ngát, trong thinh không suy tưởng, chúng tôi thực sự càng thấu hiểu hơn sức nặng của cuộc chiến đấu để đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức bởi vẫn còn đó âm mưu thâm độc muốn độc chiếm Biển Đông, vẫn còn đó những cơn bão lớn có thể sẽ ập đến bất cứ lúc nào. Đoàn chúng tôi cũng đã đến thăm nơi ăn ở của bộ đội, cùng giao lưu biểu diễn văn nghệ và tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ, tham quan các công trình văn hóa, thăm một số hộ dân trên đảo Trường Sa lớn. Tại đảo, đoàn đã trao tặng quà của thành phố Đà Nẵng gồm 10 tỷ đồng, một cặp độc bình và nhiều phần quà cho cán bộ, nhân dân trên đảo. Các thành viên trong đoàn, nhiều người đã bỏ tiền túi của mình và trích xuất tiền của cơ quan, đơn vị làm quà tặng cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Không xa đâu Trường Sa ơi…

Giờ đây nhìn lại, tôi thấy đây thực sự là một chuyến công tác rất thành công trên nhiều phương diện, nhiều ý nghĩa, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Trong cuộc hành trình năm ấy, tất cả là cán bộ đương chức, nay đã có người nghỉ hưu, có người là cán bộ, chuyên viên nay đã là lãnh đạo… 5 năm là hơn 2.800 ngày với biết bao những đổi thay trên quê hương, đất nước, đổi thay đã giúp chúng ta lớn hơn, trưởng thành hơn lên. Biển đảo của quê hương là nơi thấm đẫm máu và mồ hôi của bao thế hệ người Việt Nam trong hành trình mở cõi trước đây. Trong công cuộc xây dựng, bảo vệ đất nước ngày nay, mỗi người chúng ta phải thấu hiểu hơn những gian khó, hiểm nguy của người chiến sĩ ngày đêm phải nắm chắc tay súng canh giữ biển trời, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Bởi từ bao đời nay, biển đảo quê hương luôn là một phần máu thịt không thể tách rời trong con tim của mỗi người dân đất Việt. Biển đảo thật sự là tuyến phòng thủ từ xa, là phên giậu bảo vệ giữ vững an nguy cho đất liền. Biển đảo quê hương Hoàng Sa - Trường Sa giờ đây là tâm điểm. Bởi vậy, trong mỗi thái độ và hành động của chúng ta phải luôn khắc ghi rằng: Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cha ông chúng ta đã khai phá, làm chủ, làm chủ thực sự, ít nhất từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế, liên tục và không nước nào tranh chấp. Đó là thái độ đúng đắn và cần phải cương quyết của chúng ta, đồng thời cũng nhắc nhở chúng ta về ý thức và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo quê hương.

VÕ CÔNG TRÍ

(Lê Anh Tuấn lược ghi tại buổi gặp mặt kỷ niệm 15 năm chuyến thăm quần đảo Trường Sa (2017-2022) của Ban liên lạc đoàn cán bộ TP Đà Nẵng công tác tại Trường Sa).