Một cuộc chiến, hai mặt trận
Thủ tướng Anh Theresa May chào đón năm mới 2019 bằng cách bắt đầu nỗ lực ở cả hai mặt trận, trong và ngoài nước, để thổi hồn vào thỏa thuận Brexit (Anh rời EU) vốn đang vấp phải chỉ trích từ nhiều phía. Theo đó, nhà lãnh đạo Anh đã bắt đầu bằng cách nói chuyện với các nhà lãnh đạo đầy bảo thủ của EU và các nghị sĩ Quốc hội Anh vốn phản đối gay gắt thỏa thuận Brexit của bà.
Thủ tướng May đã trở lại nhà số 10 Phố Downing vào hôm 3-1 sau kỳ nghỉ Giáng sinh, và ngay lập tức điện đàm cùng các nhà lãnh đạo EU với hy vọng đảm bảo “làm rõ” kế hoạch chống lưng gây tranh cãi đã gây ra một cuộc nổi loạn lớn của các thành viên phe bảo thủ trong Quốc hội Anh và các đồng minh chính trị của bà từ đảng Liên minh Dân chủ (DUP). Bà May đang phải đối mặt với một “cuộc bỏ phiếu mang ý nghĩa sống còn”, dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 14-1, về số phận của thỏa thuận “ly hôn” với EU khi những bất ổn của Brexit kéo đến năm 2019, năm đánh dấu nước này sẽ rời khỏi liên minh lớn nhất thế giới này.
Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là đến ngày 29-3, ngày Brexit, nhưng thực tế cho thấy, chính phủ và Quốc hội Anh còn lâu mới đạt được sự đồng thuận về cách nước này sẽ rời EU như thế nào. Trong tuần này, Thủ tướng Anh đã cố gắng nói chuyện với các nhà lãnh đạo, bao gồm người đồng cấp Đức Angela Merkel, Hà Lan Mark Rutte và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Donald Tusk, trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc cho Brexit. Nhà lãnh đạo Anh hy vọng sẽ có được những nhượng bộ từ các nhà lãnh đạo EU về kế hoạch cho vấn đề Bắc Ireland, điểm chính trong vấn đề Brexit, với hy vọng Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua thỏa thuận của bà trong phiên họp tới. Thủ tướng May đã nói chuyện với nhà lãnh đạo Đức vào đêm Giáng sinh, và một lần nữa vào hôm 3-1. Nhưng xem ra không có nhiều hy vọng về một sự đột phá kịp thời cho cuộc tranh luận vào tuần tới tại Quốc hội Anh.
Ở trong nhà, Thủ tướng May đang mời mọi thành viên Quốc hội phe bảo thủ đến Nhà số 10 phố Downing để dự tiệc vào ngày 7-1 tới với hy vọng có thể thuyết phục những người vẫn còn nghi ngờ về thỏa thuận Brexit của mình. Tuy nhiên, bà lại phải đón nhận tin xấu khi EU đã xác nhận, “không có cuộc họp nào được dự báo trước” với Anh, đánh dấu một cú đánh mạnh khác vào các nỗ lực ngoại giao của Thủ tướng May.
Cho đến nay, điểm gắn bó duy nhất là thỏa thuận của bà May sẽ không cho phép Anh đơn phương thoát khỏi một thỏa thuận liên minh hải quan tạm thời với EU, vốn được thiết kế như một biện pháp tạm thời để tránh biên giới cứng ở Ireland. Bộ trưởng Brexit của Anh Stephen Barclay hôm 3-1 đã nói về nguy cơ London sẽ rời EU mà không đạt được một thỏa thuận, nếu Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận mà Thủ tướng May đã thương lượng với Brussels.
Rõ ràng, không còn nghi ngờ gì, Brexit sẽ một lần nữa thống trị chính trị Anh vào năm 2019, và chắc chắn sẽ kéo theo nhiều bất ổn.
THANH VĂN