Một cuộc đảo chính, hai vấn đề
(Cadn.com.vn) - Cuộc đảo chính gây sóng gió của Thái Lan đang phơi bày lỗ hổng của nền dân chủ, sự xói mòn của chế độ quân chủ và đặc biệt hơn là tầm ảnh hưởng của Mỹ-Trung đối với quốc gia Chùa Vàng.
Vấn đề thứ nhất và rõ ràng nhất đối với Thái Lan là cần phải vá cái lỗ hổng dân chủ đang lớn dần. “Tôi đã quyết định nắm quyền”, Tư lệnh quân đội Thái Lan Prayuth Chan-ocha đơn giản giành chính quyền bằng cách đó, trong tuyên bố hôm 22-5, ngay tại bàn đàm phán mà ông kêu gọi các phe phái chính trị đối lập cùng tham gia.
Sự thật đơn giản đó cho thấy rõ quyền lực mạnh mẽ của quân đội, vốn được phát triển theo chiều dài lịch sử đảo chính và nhất là cuộc lật đổ ngoạn mục năm 2006, khi quân đội bất ngờ hất cẳng Thủ tướng Thaksin Shinawatra khi ông này đang có chuyến công cán ở Mỹ.
Hiện nay, mọi quyền lực đều nằm trong tay Tư lệnh kiêm Thủ tướng tạm quyền Prayuth Chan-ocha. Và Thái Lan vẫn chưa có bất kỳ một kế hoạch nào cho tương lai. Dường như, sau đảo chính, mọi việc lại bắt đầu từ con số không. Các binh sĩ cũng đã được lệnh tỏa ra trung tâm Bangkok để ngăn chặn biểu tình chống đảo chính vẫn tiếp diễn trên đường phố.
Tướng Prayuth cũng biện minh cho các vụ bắt giữ hàng chục chính trị gia và nhà hoạt động, mà phần lớn có quan hệ với chính phủ bị lật đổ, cho rằng biện pháp này sẽ không kéo dài hơn 1 tuần và được luật pháp cho phép. Lại bế tắc! Đó là chưa kể đến khả năng cựu Thủ tướng Thaksin đang dự định lập chính phủ lưu vong để đối đầu với chính quyền quân sự hiện nay.
Vấn đề thứ hai là vai trò của Mỹ-Trung hiện nay đối với Thái Lan. Washington một mặt muốn nhanh chóng trừng phạt quân sự Bangkok vì đảo chính (do luật pháp Mỹ quy định như thế), một mặt lại muốn làm giảm nhẹ vấn đề vì lo sợ sẽ đẩy Bangkok về phía Bắc Kinh.
Trong vòng vài giờ sau khi quân đội nắm quyền kiểm soát Thái Lan hôm 22-5, Ngoại trưởng John Kerry lên án cuộc đảo chính là “không thể biện minh” và kêu gọi sự phục hồi nhanh chóng của nền dân chủ và tự do báo chí.
Lầu Năm Góc cũng đình chỉ gói viện trợ 3,5 triệu USD và có khả năng sẽ hủy bỏ cuộc tập trận đang diễn ra giữa hai nước cũng như kế hoạch thăm viếng đến Thái Lan - đồng minh quan trọng lâu đời nhất ở Châu Á - vốn được lên kế hoạch bắt đầu từ hôm nay (26-5).
Mỹ mặc dù liên tiếp tuyên bố phải xem xét lại viện trợ quân sự và những can dự đối với Thái Lan, song rõ ràng những lợi ích lâu dài khó có thể bị bó buộc bởi dư luận quốc tế. Đó là chưa kể đến nguy cơ quân đội Thái Lan có thể sẽ nắm lấy cánh tay Trung Quốc. Thái Lan, vốn luôn tìm cách liên minh với các cường quốc đang trỗi dậy, đang có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc hơn so với các nước láng giềng khác ở Đông Nam Á.
Chính quyền Bắc Kinh hiện không lên tiếng chỉ trích việc đảo chính. Trung Quốc cũng từng là quốc gia đầu tiên công nhận đảo chính ở Thái Lan năm 2006, dẫn đến hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn giữa hai nước cho đến nay.
Thanh Văn