Một gia đình 3 đời làm cai đội Hoàng Sa
(Cadn.com.vn) - Du khách thập phương khi đến Đà Nẵng, bắt gặp quán cà-phê Cổ Lũy Cô Thôn tọa lạc trên đường Nguyễn Hữu Thọ thường tự hỏi: Có lẽ chủ quán là người Quảng Ngãi? Sự phỏng đoán đó không sai. Bởi, chủ quán là Đại tá Võ Cao Lợi, nguyên cán bộ Phòng khoa học quân sự Quân khu 5, một nhân chứng sống sót trong vụ thảm sát ngày 16-3-1968 tại Tịnh Khê-Sơn Mỹ (H. Sơn Tịnh, Quảng Ngãi), đồng thời ông cũng là hậu duệ của Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết.
Những ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, cứ vài tuần, Đại tá Võ Cao Lợi lại đáp chuyến tàu Đà Nẵng-Quảng Ngãi về quê một lần. Liên hệ mãi, ông mới dành cho tôi một cái hẹn để làm rõ hơn về thân thế, gia đình cụ Võ Văn Khiết- người Cai đội Hoàng Sa đầu tiên ở Lý Sơn.
Miếu thờ Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết tại Lý Sơn. |
Mở cuốn gia phả chép tay, Đại tá Võ Cao Lợi bắt đầu câu chuyện: "Tính đến nay, tộc Võ trên đảo Lý Sơn đã trải qua 17 đời. Trong đó, cụ Võ Văn Khiết là đời thứ 10, là người đầu tiên trong dòng họ Võ, cũng là người đầu tiên ở đảo Lý Sơn được cử giữ chức Cai đội Hoàng Sa (Đội trưởng Hoàng Sa) vào năm 1785. Tư liệu về cuộc sống đời thường của cụ Khiết, theo tôi được biết thì không nhiều. Hiện nay, tại nhà thờ họ Võ còn lưu hai chỉ lệnh của triều đại Tây Sơn thăng chức và giao nhiệm vụ cho cụ Khiết đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Trong chuyến ra Lý Sơn vừa rồi, tôi đã chép lại phần phiên âm và dịch nghĩa của hai tờ lệnh này. Hai tờ lệnh đó là:
Tờ lệnh 1: Chỉ thị của triều Tây Sơn thăng chức và sai phái Võ Văn Khiết dẫn đội Hoàng Sa đi khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa, tạm dịch: "Thái Đức bát niên thập nguyệt nhị thập thất nhật. Xứ Cù lao Lý, xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, phủ Nghĩa Hòa. Cai hợp Võ Văn Khiết hầu việc đã lâu, nay thăng lên Cai đội Hội Nghĩa hầu, dẫn theo hai đội Hoàng Sa và Quế Hương, theo lệ thường niên lãnh chỉ thị sai phái vượt biển đến các cù lao ngoài biển tìm các vật báu như đồng khí, đồi mồi, các vật. Thu lượm được bao nhiêu phải đem phụng nạp. Nếu công việc không siêng năng cần mẫn xử phạt theo quân luật. Nay chỉ thị.
Ngày 27 tháng 10 năm Thái Đức thứ tám (1785).
Phút tưởng niệm của Đại tá Võ Cao Lợi trước mộ cụ Võ Văn Khiết. |
Tờ lệnh 2: Chỉ thị của Thái phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công sai phái Võ Văn Khiết dẫn đội Hoàng Sa đi khai thác sản vật ở quần đảo Hoàng Sa, dịch: Thái Đức cửu niên nhị nguyệt thập tứ nhật. Chỉ thị: Thái phó Tổng lý Quản binh dân chư vụ Thượng tướng công truyền kế hoạch: Sai Hội Đức hầu Cai đội Hoàng Sa luôn xem xét, đốc xuất trong đội cắm biển hiệu thủy quân, cưỡi bốn chiếc thuyền câu vượt biển thẳng đến Hoàng Sa cùng các xứ cù lao ngoài biển, tìm nhặt đồ vàng bạc, đồng và các thứ đại bác, tiểu bác, đồi mồi, vỏ hải ba, đồn đột đều chở về kinh, tập trung nạp theo chiếu lệ. Nếu ngạo mạn càn bậy không đến lại gian dối lấy bớt các vật quý hoặc sinh sự với dân làm muối, làm cá đều có tội sẽ bị trừng trị. Nay sai.
Ngày 14 tháng 2 năm thứ chín Thái Đức (1786)"
Trong khi thi hành nhiệm vụ, Cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết đã anh dũng hy sinh, thân thể ngài hòa vào lòng biển sâu. Nhằm ghi nhận công lao đóng góp của Cai đội Võ Văn Khiết cho đội Hoàng Sa, triều đình phong ngài là Thượng Đẳng thần. Nhân dân thương tiếc lập miếu thờ tại xóm Vĩnh Thành, thôn Tây (An Vĩnh, Lý Sơn), thường gọi là dinh ông Thắm. Đồng thời, linh vị ngài cũng được thờ trong các đình làng, tên ngài được xướng lên trong các văn sớ cúng tế ở đình làng như các vị thần linh khác.
Nối nghiệp thân phụ, ông Võ Văn Phú (con trai cả của Võ Văn Khiết), vào năm Gia Long nguyên niên (1802) cũng được phong chức "Khâm sai thiết thủ Sa Kỳ hải môn kiêm tri Hoàng Sa các đội Cai cơ thủ ngự Phú Nhuận hầu", nghĩa là ông không chỉ làm Cai đội Hoàng Sa mà còn là người chỉ huy của các cai đội. Đồng thời ông cũng là quan trấn thủ cửa biển Sa Kỳ, một cửa biển lớn có vị trí quan trọng đối mặt với biển nước ta lúc bấy giờ. Đời sau, ông Võ Văn Hùng (con ông Võ Văn Phú) cũng từng đảm nhiệm chức vụ trưởng đội dân phu trong những năm từ 1832 đến 1836.
"Ba thế hệ, ba đời liên tiếp trong một gia đình có người là Cai đội Hoàng Sa, một nhiệm vụ vô cùng gian nan và nguy hiểm lúc bấy giờ là điều hiếm thấy. Đặc biệt, cha con, ông cháu cụ Võ Văn Khiết phục vụ liên tục cho hai triều đại là nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn càng thể hiện sự hiếm có ấy. Đó là niềm tự hào, vinh dự của con cháu họ Võ trên đảo Lý Sơn", Đại tá Võ Cao Lợi kết thúc câu chuyện khi ánh chiều đã buông. Và ông cũng chuẩn bị cho lần về quê sắp tới.
Nguyễn Sỹ Long