Một kiến nghị đáng suy ngẫm!
Tại buổi làm việc mới đây giữa Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với lãnh đạo TP Đà Nẵng, trong nhiều kiến nghị, đề xuất do đại diện lãnh đạo ngành GD-ĐT TP nêu ra, có một kiến nghị, đề xuất đáng suy ngẫm đó là: Đề nghị Bộ cho phép miễn giờ học ngoại ngữ đối với những HS THPT đã đạt chuẩn theo quy định (theo đăng ký vào đầu học kỳ/năm học).
Những SV tốt nghiệp thủ khoa các chuyên ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.T |
Trên cơ sở lý giải của đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng liên quan đến kiến nghị, đề xuất này, Vụ trưởng Vụ GD Trung học Bộ GD-ĐT Vũ Đình Chuẩn cho rằng đây là một ý kiến rất chính đáng, bởi có nhiều HS được gia đình đầu tư cho học ở những môi trường ngoại ngữ chuyên nghiệp, có điểm TOEFL hay IELTS rất cao, có thể cho em miễn những giờ học ngoại ngữ ở trường để tập trung học những môn học khác. Tuy nhiên, ông Vũ Đình Chuẩn cũng cho rằng, đây là vấn đề cần phải được nghiên cứu kỹ.
Từ kiến nghị để đi đến quyết định cuối cùng là cả một quá trình nghiên cứu, xem xét và cân nhắc. Tuy nhiên, từ đề xuất, kiến nghị này đặt ra vấn đề cần được nghiêm túc suy nghĩ, đánh giá khách quan, toàn diện hơn về chương trình, phương pháp, cách dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông hiện nay. Có không ít HS trong khi "tám" chuyện đã có những nhận xét khá "hài hước" về cách phát âm không chuẩn của một số thầy, cô dạy ngoại ngữ. Có HS phản ánh, cũng một từ, nhưng có thầy cô dạy cách phát âm thế này, lại có thầy cô dạy cách phát âm thế kia khiến các em không biết đâu là cách phát âm chuẩn. Không ít HS THPT sau khi kết thúc việc học ngoại ngữ ở trường phổ thông vẫn ngại, tự ti không dám giao tiếp với người nước ngoài. Một số khác thì "chữ thầy lại trả cho thầy".
Một trong những yêu cầu bắt buộc đối với người học ngoại ngữ là phải dạn dĩ, chịu khó nói, trao đổi, giao tiếp, chịu khó trau dồi vốn từ vựng, ngữ pháp, không ngại va vấp thì mới có thể học tốt môn học này. Có người cho rằng, học ngoại ngữ cũng cần phải có năng khiếu, phải có đam mê. Thực tế thì bất kỳ môn học nào cũng vậy, nếu không có đam mê, say sưa và tự tin thì khó có thể đạt kết quả cao. Thời gian qua, Bộ GD-ĐT cũng như ngành GD-ĐT các địa phương, trong đó có Đà Nẵng, đã rất chú trọng đến công tác dạy-học ngoại ngữ. Tuy nhiên, công bằng mà nói, công tác này vẫn chưa tạo ra nhiều đột phá trong dạy-học. Theo đó, hầu hết các em HS muốn đạt kết quả tốt ở môn học này đều phải đi học thêm tại các trung tâm ngoại ngữ, học thêm tại nhà các thầy cô giáo có uy tín.
Trong xu thế hội nhập, ngoại ngữ đã trở thành một trong những môn học rất được gia đình, xã hội chú trọng. Đã đến lúc chương trình cùng phương pháp dạy ngoại ngữ ở các trường phổ thông trong hệ thống giáo dục quốc dân cần phải thực sự đổi mới mạnh mẽ. Theo đó, chương trình và cách dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông không nên quá nghiêng nặng về mặt ngữ pháp, mà cần chú trọng và phải có nhiều đột phá trong kỹ năng nghe- nói, giao tiếp cho HS phổ thông nhiều hơn. Bởi ngoại ngữ, suy cho cùng là phải làm sao để các em khi học xong có thể nghe, hiểu và nói được thứ tiếng mà các em đã học được với người nước ngoài.
KHÁNH YÊN