Một kỷ niệm với rừng...

Thứ ba, 22/06/2021 21:22

Cuối những năm 2000, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt khu vực miền Trung - Tây Nguyên rộ lên phong trào làm thủy điện. Tỉnh ít cũng mười mấy dự án, tỉnh nhiều bốn năm chục dự án, thậm chí cả trăm dự án...

Tác giả với các cán bộ Kiểm lâm Vườn Quốc gia Yoóc Đôn năm 2013. 

Người ta cứ mặc sức khai thác cái tiềm năng sẵn có của thiên nhiên, bỏ qua tất cả những lời cảnh báo về tác hại của thủy điện phá vỡ môi trường sinh thái, lợi dụng làm thủy điện để tàn phá rừng, rồi vấn nạn di dời, giải tỏa, tái định cư của người dân vùng dự án... Đầu mùa mưa năm 2013, tôi và phóng viên Lê Hùng (nay đã chuyển về công tác tại Báo Đà Nẵng) nhận lệnh của Ban Biên tập, đi dọc miền Trung - Tây Nguyên, thu thập tư liệu viết bài về vấn đề thủy điện. Ai thì không biết, chứ tôi được đi rừng thì mừng lắm, lại đi dọc miền Trung - Tây Nguyên thì còn gì bằng, Lê Hùng mới về báo một thời gian, lần đầu được đi xa cũng khí thế lắm...

Hai anh em bàn nhau, nơi xa đến trước, nơi gần đi sau, địa phương chúng tôi nhắm đến đầu tiên là địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Nói thì nghe đơn giản, nhưng vào cuộc rồi thì mới thấy vấn đề như mớ bòng bong, không biết bắt đầu từ cái gì...! Làm việc với Sở Công Thương, là ngành quản lý về các dự án thủy điện của tỉnh, sau biết bao phiền hà trong việc quan hệ mới gặp được vị lãnh đạo có thẩm quyền phát ngôn về những vấn đề mà chúng tôi quan tâm. Nhưng chúng tôi cũng chỉ nắm được vài thông tin chung chung, nào là trên địa bàn tỉnh có hơn 20 dự án thủy điện, do địa bàn tỉnh ít sông, ít suối nên các dự án thủy điện cũng ít và quy mô nhỏ... Mùa mưa năm vừa rồi cũng xảy ra một vụ vỡ đập thủy điện đang thi công, làm thiệt hại một số diện tích hoa màu của nhân dân, đã khắc phục xong... Chỉ có vậy. Làm việc với Sở NN&PTNT, để tìm hiểu tác động của thủy điện đến rừng, đến đời sống người dân vùng có dự án, thông tin cũng chẳng có gì nặng ký, mà hình như người ta không quan tâm lắm đến vấn đề chúng tôi đang tìm kiếm...

Chúng tôi nghe đã hơi nản lòng, bởi vì không thể tìm về từng dự án thủy điện giữa rừng xanh núi đỏ, tít mù khơi tận đâu đâu. Đang lang thang giữa phố núi Buôn Ma Thuột, bất chợt anh bạn học cùng từ thời đại học ở Hà Nội đang công tác tại một cơ quan nội chính của tỉnh, gọi rủ đi làm vài ly, tôi đưa cái nỗi băn khoăn ra giãi bày, anh bạn cười lớn: “Tưởng gì chứ sáng mai tôi giới thiệu cho bạn một ông, cứ lên với ông ấy thì viết cả quyển về những bức xúc, lợi bất cập hại về thủy điện...”. Như chết đuối vớ được cọc, chúng tôi cả đêm trằn trọc không ngủ, 5 giờ sáng đã lục tục dậy, nhằm hướng Vườn Quốc gia Yoóc Đôn thẳng tiến... Người chúng tôi được giới thiệu tìm đến là ông Nguyễn Văn Thành- Giám đốc Vườn Quốc gia Yoóc Đôn. Qua câu chuyện của anh bạn trong bữa rượu hôm trước, tôi biết được ông Thành nổi tiếng khắp Tây Nguyên với câu nói “Tôi sẽ từ chức nếu địa phương chấp nhận làm dự án thủy điện giữa vùng lõi Vườn Quốc gia...”.

Không những thế, ông Thành còn đang mang cái án kỷ luật lơ lửng vì đã dám mang cả “sổ đỏ” của Vườn Quốc gia đi thế chấp ngân hàng để lấy kinh phí về... đầu tư bảo vệ Vườn Quốc gia... Gặp chúng tôi, ông Thành mừng lắm, ông lôi chúng tôi ra trước bản đồ Vườn Quốc gia giới thiệu chi tiết về rừng: “Đấy các anh xem, con sông Sêrêpok chảy giữa Vườn Quốc gia, mà người ta đang tâm phê duyệt một dự án thủy điện giữa vùng lõi của rừng...! Rồi người ta sẽ đưa máy móc, trang thiết bị vào giữa rừng đào bới, nổ mìn ầm ầm, chặt hàng loạt cây rừng, thì hỏi còn đâu là Vườn Quốc gia. Tôi phản đối hoàn toàn. Người ta không ưa gì tôi nữa đâu, nhưng tôi kiên quyết phản đối...!”. Ông đưa cho chúng tôi hàng tập hồ sơ, tài liệu về hệ sinh thái Vườn Quốc gia Yoóc Đôn, một hệ sinh thái rừng khộp quý hiếm nổi tiếng của Đông Nam Á. Những hiểu biết về rừng, trách nhiệm về rừng và cả sự phẫn nộ của một người làm nghề rừng khi bị một dự án thủy điện sắp phá rừng của ông Thành làm chúng tôi “thăng hoa” và câu chuyện về thủy điện của chúng tôi được bắt đầu như thế...

Sau này nghe nói ông Thành đã điều chuyển công tác về một đơn vị khác thuộc Cục Lâm nghiệp, nhưng những ấn tượng về ông tôi vẫn nhớ mãi...

Từ Đắc Lắc, chúng tôi xuôi về Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... Hình như gặp ông Giám đốc Vườn Quốc gia đầy khí khái rồi chúng tôi gặp may, nhiều thông tin, tư liệu về vấn đề thủy điện thu thập được cứ dày lên theo mỗi bước chân chúng tôi đi. Nào là vấn đề thủy điện phá môi trường thiên nhiên, dự án thủy điện thi công không đảm bảo gây vỡ đập, tàn phá hoa màu, nhà cửa của người dân vùng hạ lưu; chủ đầu tư dự án thủy điện không chi trả dịch vụ bồi hoàn môi trường rừng; dự án thủy điện thi công kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án; người dân nhường nơi ở cho dự án thủy điện gặp khó khăn tại nơi tái định cư...

Sau chuyến đi này, loạt bài viết về thủy điện của chúng tôi đã đạt giải C, giải Báo chí Quốc gia năm 2014. Chuyến đi dọc miền Trung - Tây Nguyên đầy kỷ niệm mà cũng bồi đắp cho chúng tôi những kinh nghiệm, kiến thức trên bước đường làm báo. Những năm sau này, chúng tôi còn nhiều chuyến đi như thế, và vẫn ước mong có được những chuyến đi như thế... 

HỒNG THANH