Đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine: Mỹ lạc quan, Nga thận trọng

Thứ tư, 16/04/2025 09:40

Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, các cuộc đàm phán song phương giữa Nga và Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế. Tuy nhiên, trong khi phía Mỹ bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thì phía Nga tỏ ra thận trọng hơn, lưu ý những yếu tố khó có thể đạt sự đồng thuận.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg, ngày 11-4. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) tiếp Đặc phái viên Tổng thống Mỹ Steve Witkoff tại Saint Petersburg, ngày 11-4. Ảnh: Reuters

Chuyến thăm bất ngờ của Đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff tới Nga vào ngày 11-4 vừa qua được xem là một tín hiệu tích cực, thắp lên hy vọng về một giải pháp hòa bình tiềm năng. Theo hãng thông tấn TASS, Washington coi đây là một bước tiến quan trọng hướng tới một lệnh ngừng bắn và giải pháp cuối cùng cho cuộc xung đột Ukraine. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt xác nhận chuyến đi này, nhấn mạnh rằng ông Witkoff đã có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại St. Petersburg. Bà Leavitt không tiết lộ chi tiết nội dung cuộc trao đổi, nhưng khẳng định Tổng thống Trump quyết tâm thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Fox News của Mỹ, Đặc phái viên Witkoff cho biết Mỹ đang đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán với Nga liên quan đến việc tìm giải pháp cho cuộc xung đột tại Ukraine. Trả lời câu hỏi liệu có khả năng xuất hiện một thỏa thuận giữa Mỹ và Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine hay không, ông Witkoff khẳng định: "Tôi cho rằng cụm từ 'đang hình thành' là cách diễn đạt rất đúng". Đặc phái viên Mỹ cũng cho biết ông cảm thấy tin tưởng vào khả năng đạt được thỏa thuận giữa Washington và Moscow.

Đề cập đến cuộc gặp gần đây nhất với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Witkoff nói rằng đó là cuộc gặp thứ ba giữa hai bên và kéo dài gần 5 giờ đồng hồ. Ông cho biết cuộc gặp còn có sự tham dự của Cố vấn của Tổng thống Putin là ông Yury Ushakov và Đặc phái viên kiêm Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF), ông Kirill Dmitriev. Ông Witkoff mô tả đây là cuộc gặp "ấn tượng".

Đặc phái viên Witkoff cho biết, Tổng thống Putin đã bày tỏ mong muốn đạt được một nền hòa bình lâu dài - một diễn biến mà ông Witkoff cho biết là Mỹ đã mất một thời gian để đạt được. Theo ông Witkoff, yếu tố then chốt để đi đến một thỏa thuận tổng thể sẽ xoay quanh năm vùng lãnh thổ. Ông không đề cập chi tiết, nhưng theo Bloomberg, phía Nga từ lâu đã khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần phải công nhận việc nước này kiểm soát một số khu vực phía Đông Ukraine, trong đó bao gồm Crimea, Luhansk và Donetsk.

Ông Witkoff phát biểu: “Thỏa thuận hòa bình này liên quan đến năm vùng lãnh thổ, nhưng vẫn còn nhiều điều hơn thế nữa… Tôi nghĩ chúng ta có thể đang tiến gần đến một điều gì đó rất, rất quan trọng đối với thế giới nói chung”. Ông Witkoff cũng cho biết ông nhận thấy có khả năng định hình lại mối quan hệ Nga – Mỹ thông qua một số cơ hội thương mại rất hấp dẫn cũng sẽ mang lại ổn định thực sự cho khu vực.

Ngày 14-4, Điện Kremlin nhận định cuộc gặp hồi tuần trước giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff là “vô cùng hữu ích và hiệu quả”. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết cuộc đối thoại diễn ra tại thành phố Saint Petersburg đã mở ra một “kênh liên lạc cần thiết” để lãnh đạo Nga và Mỹ có thể trao đổi thông tin gián tiếp trong bối cảnh căng thẳng tiếp diễn liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine. Theo ông, cuộc hội đàm ở St Petersburg đã tạo ra một kênh cần thiết để hai nhà lãnh đạo Putin và Trump có thể trao đổi thông tin với nhau. Tuy nhiên, theo Reuters, Điện Kremlin cũng xác nhận rằng hai bên không thảo luận chi tiết về khả năng diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Ngày 15-4, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo Kommersant của Nga, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov xác nhận Moscow và Washington đang thảo luận các điều khoản chủ chốt liên quan đến thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moscow sẽ không dễ dàng đồng tình với Mỹ về các nội dung chính của thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt chiến sự Ukraine. "Không dễ thống nhất các điều khoản chính của một giải pháp. Chúng đang được thảo luận", ông Lavrov, khi được hỏi liệu Moscow và Washington đã đạt đồng thuận về khía cạnh nào đó của thỏa thuận hòa bình tiềm năng hay chưa.

Tổng thống Mỹ Trump nhiều lần nói rằng ông muốn chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn ba năm ở Ukraine và đang nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình. Tuy nhiên, Moscow và Kiev chưa đạt được thỏa thuận ngừng bắn toàn diện, mà chỉ có những cam kết nhỏ về ngừng tấn công hạ tầng năng lượng của nhau. Theo ông Lavrov, Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 6-2024 đã nêu rõ lập trường của Nga, khi yêu cầu Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và rút quân khỏi 4 tỉnh mà Nga đã sáp nhập. Ông Lavrov tán dương quan điểm của Tổng thống Trump liên quan chiến sự Ukraine và cho rằng việc chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden ủng hộ Ukraine gia nhập NATO chính là nguyên nhân dẫn đến chiến sự. Ông cũng khẳng định giới lãnh đạo Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ động thái nào khiến Nga phải phụ thuộc vào phương Tây về kinh tế, quân sự, công nghệ hoặc nông nghiệp.

AN BÌNH

Ukraine ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian

Liên quan đến các cuộc đàm phán ở thủ đô Riyadh của Saudi Arabia trong 3 ngày vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov cho biết nước này ủng hộ hai thỏa thuận ngừng bắn với Nga được công bố ngày 25-3, trong đó bao gồm việc ngừng sử dụng vũ lực trên Biển Đen và ngừng tấn công các cơ sở hạ tầng năng lượng.

Nga - Mỹ tiến gần thỏa thuận chấm dứt xung đột ở Ukraine

Sau 12 giờ đàm phán tại Saudi Arabia, Nga và Mỹ đã đạt được sự đồng thuận về nhu cầu chấm dứt xung đột tại Ukraine. Dù vậy, nhiều vấn đề kỹ thuật vẫn cần được giải quyết trong các vòng đàm phán tiếp theo.

Nga, Ukraine tiến hành đợt trao đổi tù binh lớn nhất

Ngày 19-3, Bộ Quốc phòng Nga thông báo nước này đã tiến hành trao đổi tù binh với Ukraine, theo thỏa thuận được đưa ra trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là đợt trao đổi tù binh lớn nhất trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.