Một người con kiên trung của quê hương Quảng Nam

Thứ sáu, 01/09/2017 13:43

Trong quyển "Lịch sử Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng giai đoạn 1954-1975", tôi bị thu hút bởi những đoạn được ghi: Năm 1974, trong chiến dịch  tiến công tiêu diệt một số cụm cứ điểm, chi khu quận lỵ, đánh thủng từng mảng hệ thống phòng ngự cơ bản của địch ở vùng giáp ranh đồng bằng, hỗ trợ lực lượng vũ trang cơ sở và quần chúng tổ chức tấn công nổi dậy phá vỡ toàn bộ hệ thống kìm kẹp của địch ở nông thôn đồng bằng khu vực này. Tỉnh ủy Quảng Nam đã huy động hàng ngàn cán bộ và nhân dân trong tỉnh do đồng chí Võ Quỳnh (Vũ Văn Đoàn), Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách để làm nhiệm vụ tiếp quản Nông Sơn-Trung Phước, sau này trở thành Ban quân quản khu vực. Ở Quảng Đà, đặc khu ủy đã cử đồng chí Phạm Đức Nam-Phó Bí thư và đồng chí Nguyễn Bá Phước-chỉ huy phó mặt trận 4 tham gia trong Ban chỉ huy Mặt trận Thượng Đức...

Ông Vũ Văn Đoàn BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng khi mới hợp nhất tháng 10-1975. 

Tháng 2-1975, chiến dịch Tiên Phước-Tam Kỳ do lực lượng chủ lực  Quân khu 5 đảm nhận, Thường vụ Khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu 5 chỉ đạo cho tỉnh Quảng Nam sử dụng toàn bộ lực lượng của tỉnh cùng với lực lượng địa phương Thăng Bình-Tam Kỳ  tiêu diệt địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giải phóng các xã vùng đông Thăng Bình, bắc Tam Kỳ, tạo thế bao vây uy hiếp phía đông tỉnh lỵ Quảng Tín. Bộ phận đi cùng chủ lực quân khu ở hướng trọng điểm do đồng chí Võ Quỳnh (Đoàn), Phó Bí thư phụ trách chia làm nhiều cánh phối hợp với lực lượng quân sự, hễ giải phóng đến đâu thì phát động quần chúng và quản lý đến đó.

Qua tư liệu và lời kể của một số người hoạt động cùng thời với ông Vũ Văn Đoàn, tôi được biết ông  còn có các tên khác và bí danh như: Vũ Văn Quỳnh, Vũ Văn Hà,  sinh năm 1916 tại làng Đồng Tràm, xã Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ của ông gắn liền với sự nhọc nhằn của những dân quê nghèo khó, luôn bị bọn cường hào, ác bá hà hiếp và oằn lưng trong cảnh sưu cao, thuế nặng. Năm 1941, khi mới 19 tuổi,  ông tham gia hoạt động cách mạng và được đồng chí Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch nước CHXHCNVN)  giao nhiệm vụ vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, thành lập Hội cứu quốc làng Đồng Tràm, tổng Xuân Phú (nay là  xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Ông đã vận động được hơn 100 người tham gia Hội cứu quốc và phát động tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho đông đảo nhân dân, trong đó có nhiều người trong bộ máy chính quyền địch. Năm 1942, giữa lúc kẻ thù tăng cường khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng và bắt bớ, tù đày những người tham gia hoạt động, ông Vũ Văn Đoàn đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn ở Đồng Dày có hơn 200 người tham gia, nội dung tuyên truyền, phát động quần chúng chuẩn bị các điều kiện cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

 Tháng 3-1943, trong lúc đi vận động nhân dân, ông bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn một lòng trung thành với cách mạng, không khai báo, nhờ vậy cơ sở cách mạng của ta vẫn đảm bảo an toàn. Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, ông được ra tù, về lại địa phương và tiếp tục bắt nối với cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng đấu tranh và lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa  cướp chính quyền vào ngày 19-8-1945. Sau cách mạng tháng 8-1945, ông được giao nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh  đạo cách mạng từ xã, huyện, tỉnh... Hơn 7 năm nằm vùng ở miền Tây Quảng Nam, ông Đoàn tích cực học tiếng dân tộc, không ngại gian khổ, cà răng căng tai,  cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào dân tộc để tuyên truyền vận động đồng bào theo Đảng, theo Bác Hồ, phá tan âm mưu chia rẽ đồng bào Kinh-Thượng của địch, xây dựng nhiều cốt cán trong đồng bào, phát động phong trào đánh giặc.

Ông Đoàn ngồi hàng đầu, thứ 3 từ phải sang.

Năm 1966, được phân công về làm Bí thư huyện ủy Quế Sơn kiêm chính trị viên trưởng Huyện đội, ông đã tập trung xây dựng lực lượng vũ trang mạnh cả về lượng và chất, đủ sức đánh Mỹ, giữ vùng giải phóng. Ông đã có những quyết sách táo bạo, đúng đắn, chỉ đạo cả bộ đội huyện và du kích các xã thọc sâu, đánh mạnh vào sào huyệt của địch như: Chi khu quân sự Hương An, Bà Rén, quận lỵ Quế Sơn, chợ Đàng... làm cho chúng hoang mang, co cụm. Tổ chức hàng ngàn lượt người đấu tranh chính trị yêu sách đòi địch không được tàn phá hoa màu, không bắn pháo vào làng, vận động gần 10 ngàn dân bỏ khu dồn trở về làng cũ... Tháng 6-1967, ông trực tiếp chỉ huy bộ đội huyện và du kích các xã Phú Diên, Phú Thạnh đánh diệt gọn một trung đội bảo an, làm tan rã một trung đội dân quân tại đồn Bà Rén (nay là xã Quế Xuân), thu 12 súng các loại và một số quân dụng. Mặc dù bị thương nặng nhưng ông vẫn tiếp tục chỉ huy, động viên chiến sĩ thu dọn xong chiến trường mới về trạm xá điều trị.

Năm 1972,  với cương vị là Chủ tịch UBND kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền phương tỉnh Quảng Nam, ông trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo các trận đánh lớn vào các căn cứ: Cấm Dơi, huyện lỵ Tiên Phước, giải phóng Nông Sơn, Trung Phước. Từ đầu năm 1974 đến cuối tháng 3-1975, trên cương vị là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Quảng Nam, ông đã trực tiếp chỉ đạo các chiến dịch giải phóng Hiệp Đức, Nông Sơn, Quế Sơn, Tiên Phước, Tam Kỳ, Chu Lai và toàn bộ tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, ngày 10-3-1975,  các lực lượng của ta đã tiến đánh và giải phóng hoàn toàn huyện Tiên Phước, bắt gọn hơn 300 binh lính, ác ôn, tề ngụy, thu nhiều vũ khí, đạn dược của địch, hơn 20 ngàn nhân dân được giải phóng khỏi các khu dồn về quê cũ làm ăn, trong đó có sự đóng góp rất lớn của ông Vũ Văn Đoàn. Để ghi nhận những thành tích đóng góp của ông, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Độc Lập, Huân chương Thành đồng, Huân chương Quyết thắng, các Huân chương Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Huân chương Giải phóng...

Sau giải phóng 1975, hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Đà được hợp nhất thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng,  ông Vũ Văn Đoàn được bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giữ chức Trưởng ban Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy cho đến khi về hưu năm 1978. Ông qua đời năm 1995 do tuổi cao, sức yếu, lâm bệnh nặng... Để ghi nhận những thành tích xuất sắc, những đóng góp to lớn của ông Vũ Văn Đoàn, được biết, Đảng ủy, chính quyền  xã Hương An đã có đề nghị và UBND tỉnh Quảng Nam đang giao cho các cơ quan chức năng xem xét, có văn bản đề nghị Chủ tịch nước truy tặng  danh hiệu AHLLVTND cho ông Vũ Văn Đoàn, một người con  kiên trung của quê hương Quảng Nam.

K.T