Những bước chân đầu tiên vào kỷ nguyên mới
Với Nghị quyết 136/2024/ QH15 ngày 26-6-2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, trong đó, có thí điểm thành lập Khu thương mại tự do (FTZ) gắn với Cảng biển Liên Chiểu từ năm 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP kỳ vọng FTZ sẽ tạo “cú hích” thúc đẩy kinh tế TP phát triển mạnh mẽ, đưa Đà Nẵng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Dưới đây là các ý kiến đánh giá cũng như góp ý, đề xuất, hiến kế của các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia để TP Đà Nẵng triển khai thành công FTZ.
PGS.TS Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng):
Với vị trí chiến lược, lại gắn kết với Cảng biển nước sâu Liên Chiểu (được quy hoạch xây dựng là 1 trong 3 cửa ngõ quốc tế của Việt Nam) cùng các chính sách ưu đãi vượt trội, FTZ Đà Nẵng sẽ thu hút nhiều tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là các tập đoàn hàng đầu trên thế giới về lĩnh vực logistics đến Đà Nẵng đầu tư các căn cứ phát triển logistics quymô và hiện đại. Qua mô hình phức hợp đa chức năng theo cơ chế liên thông “khu trong khu” và quy mô tổng diện tích lên đến 3.000ha, ước tính, đến năm 2023, FTZ Đà Nẵng sẽ đóng góp 3% trong tổng GRDP của TP, đến năm 2024 là 12,4% và đến năm 2050 tăng lên hơn 21%.
TS Trần Thị Hồng Minh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):
FTZ đã và đang trở thành động lực của thương mại toàn cầu với hơn 3.500 FTZ tại 135 quốc gia. Từ những kinh nghiệm xây dựng FTZ thành công tại Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Singapore, UAE…, TP Đà Nẵng có thể tham khảo, học tập để trên cơ sở đó áp dụng nhiều giải pháp sáng tạo nhằm xây dựng FTZ hiệu quả và phát triển bền vững. Để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển FTZ trở thành động lựcthúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế, Đà Nẵng cần triển khai 4 trụ cột quan trọng gồm: đầu tư vào hạ tầng logistics hiện đại là yếu tố then chốt; xây dựng khung pháp lý và các chính sách ưu đãi linh hoạt để thu hút đầu tư vào FTZ; xác định phát triển bền vững và áp dụng các tiêu chuẩn môi trường cao; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển FTZ.
TS. Trần Du Lịch (Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia):
Theo tôi, để phát triển thành công FTZ Đà Nẵng, Trung ương nên phân quyền, giao thêm quyền, ủy quyền cho TP Đà Nẵng trong việc xây dựng và phát triển FTZ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Đà Nẵng chọn nhà đầu tư chiến lược theo nhu cầu. Đà Nẵng nên xin phép thí điểm đi trước về mặt tư tưởng trong việc xây dựng và phát triển FTZ. Với thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm là đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, lãnh đạo TP Đà Nẵng cần khẳng định ngay ý chí này trong việctriển khai Đề án thành lập FTZ Đà Nẵng để tăng quyết tâm chính trị, tinh thần là Đà Nẵng sẽ vươn mình với FTZ.
TS. Nguyễn Đình Cung (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư):
Để triển khai thực hiện FTZ Đà Nẵng, có 2 nhóm công việc chính cần phải làm và hoàn thành càng sớm càng tốt. Một là xây dựng hạ tầng “cứng” ngoài FTZ, tức là hạ tầng kinh tế - xã hội về giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt, công nghệ thông tin, điện, nước, môi trường… Có làm được hạ tầng “cứng” ngoài FTZ thì mới huy động được nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư hạ tầng trong FTZ, trong đó, Dự án Cảng biển nước sâu Liên Chiểu đóng vai trò quyết định đến thành công của FTZ Đà Nẵng. Thứ hai là về hạ tầng “mềm”, tức là cơ chế, chính sách, thểchế đối với FTZ Đà Nẵng như: tự do kinh doanh một cách cao độ nhất có thể và ưu đãi vượt trội cho các thể nhân, pháp nhân hoạt động trong FTZ.
Ths. Lê Anh Đức (Viện Chiến lược phát triển – Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Một trong những yếu tố trọng chốt để FTZ Đà Nẵng phát triển thành công là vấn đề nhân lực. Đà Nẵng cần chuẩn bị sớm, làm sớm công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng phục vụ cho FTZ để khi các nhà đầu tư vào đầu tư tại FTZ, là có sẵn nguồn nhân lực đáp ứng. Đặc biệt, TP cần có lộ trình phát triển nguồn nhân lực, trong đó, trọng tâm, ưu tiên phục vụ cho các ngành, lĩnh vực như: logistics, sản xuất, dịch vụ và thương mại, đổi mới sáng tạo… và nhất là có cơ chế, chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng trong việc thu hút nhântài vào làm việc tại FTZ cũng như trong đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho FTZ.
Ths. Vũ Mạc Hưng (Tập đoàn Tư vấn BCG – Hoa Kỳ):
Từ thành công của nhiều FTZ trên thế giới, cần có cơ chế ưu đãi phù hợp cho FTZ Đà Nẵng để có thể cạnh tranh với các FTZ trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể như: phát triển quy trình một cửa; tối ưu hóa quy trình hải quan, đặc biệt là các thủ tục kiểm tra chuyên ngành; miễn thuế nhập khẩu cho doanh nghiệp trong nước mua hàng hóa sản xuất, chế biến có hàm lượng giá trị gia tăng cao tại FTZ; cho phép cả khách quốc tế và khách trong nước đều được mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế trong FTZ với giới hạn về số lượng hoặc tần suất và dần dần nới lỏng giới hạn theo thời gian; cho phép kinh doanh casino trong FTZ; miễn thị thực 5 năm cho người lao động nước ngoài tại FTZ; miễn thị thực 30 ngày cho du khách nước ngoài đến FTZ.
PHÚ NAM (thực hiện)