Một tấm lòng

Thứ ba, 21/10/2014 12:53

(Cadn.com.vn) - Mục đích ban đầu của tôi khi tìm gặp chị Trịnh Thị Hồng (1965) trú khu vực Hòa Phú 5, P. Hòa Minh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) là để viết bài về sản phẩm nước lau chùi nền nhà, sàn bếp... được chị làm từ “rác” thực vật. Thế nhưng, khi gặp chị, mục đích ấy lại trở thành thứ yếu...

Chị mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1973, chị được đưa ra miền Bắc học tập theo diện học sinh miền Nam đến 1975 thì về lại quê hương, rồi học Trường nội trú Tam Kỳ. Tốt nghiệp lớp 9 THCS, chị nghỉ học, ra Đà Nẵng ở nhờ nhà người bà con và được người anh nuôi (con nuôi của ba chị khi ông còn sống) là đại tá Huỳnh Kim Sơn, nguyên Chỉ huy trưởng Thành đội Đà Nẵng ngày ấy, xin vào làm công nhân tại một Cty dược.

Năm 1987, trên chuyến tàu đi công tác vào Quảng Ngãi, chị tình cờ gặp lại người anh học cùng Trường nội trú Tam Kỳ, cũng là HS miền Nam: anh Nguyễn Ngọc Anh. Họ nhận ra nhau. Câu đầu tiên anh hỏi: “Sao em không về quê?”. Chị thật thà thú nhận: “Em không nhớ đường!”. Số là hồi đó chị còn nhỏ, mỗi lần về quê đều được anh chở về... Đến lúc đó, chị mới biết anh hiện đang công tác trong ngành CA. Sau đó không lâu, họ nên duyên vợ chồng và có với nhau 1 con trai...

Tình yêu đã giúp vợ chồng anh chị vượt qua mọi khó khăn của thời kỳ bao cấp để nuôi con ăn học nên người. Giữa lúc tình cảm gia đình đang trôi qua trong êm ả thì chị... mang trọng bệnh: u vú. Để có tiền chữa bệnh cho chị, năm 2008, anh chị đã quyết định bán ngôi nhà ở Q.Thanh Khê lên mua đất làm nhà tại khu Hòa Phú 5 bây giờ. Khi dọn về đây ở, chị phát hiện khu phố này thật... đáng yêu. Người dân nơi đây dường như vẫn còn giữ được những nét đẹp truyền thống của tình làng, nghĩa xóm, đối xử với nhau rất chân chất, chân quê. Rồi chị phát hiện hoàn cảnh gia đình chị Vân ở khu phố thật khó khăn. Chị Vân buôn bán cá nhưng không có vốn nên rất chật vật trong chuyện mưu sinh để nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn.

Gia đình chị Vân lại chưa có hộ khẩu tại địa phương. Chị đem chuyện này bàn với chồng, nhờ anh nói giúp với CA địa phương để làm hộ khẩu cho gia đình chị Vân. Tết năm đó, chị vận động bà con trong khu phố, mỗi người tùy lòng hảo tâm đóng góp, ủng hộ để giúp gia đình chị Vân có một cái tết ấm cúng. Thấy chị nhiệt tâm, lại chứng kiến gia đình chị luôn gương mẫu trong mọi sinh hoạt nên khi chị vận động xây dựng “Quỹ tình thương” để giúp chị Vân có vốn kinh doanh, không phải đi vay nóng nữa, bà con trong khu phố hưởng ứng ngay.

Vợ chồng chị Hồng ảnh: P.T

Quỹ tình thương ra đời không chỉ giúp cho gia đình chị Vân mà còn giúp cho nhiều gia đình khó khăn trong khu vực Hòa Phú 5 có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Thấy chị có tấm lòng vì mọi người, nên tháng 1-2009, người dân khu phố đã bầu chị làm Trưởng Ban công tác Mặt trận khu vực Hòa Phú 5. Trong quá trình xây dựng Quỹ tình thương, chị phát hiện ra có những trường hợp gia đình vì lý do sức khỏe không có điều kiện để trả tiền vay (0,5%/năm và giảm dần theo từng năm), nên chị nghĩ đến việc thành lập quỹ dự phòng với tên Quỹ 2 T (tiết kiệm và tận dụng). Tham gia quỹ này, các hộ gia đình chỉ cần tiết kiệm bằng cách khi bán các đồ dùng không sử dụng nữa cho ve chai bỏ ống heo để đóng góp. Có hộ, từ việc tiết kiệm này đã ủng hộ 540.000 đồng/năm, hộ thấp nhất là 12.000 đồng/năm.

Nhờ có quỹ dự phòng này, nên có nhiều hộ gia đình khó khăn ở Hòa Phú 5 đã vươn lên thoát nghèo. Không chỉ có thế, quỹ còn dùng cho việc trao học bổng cho con em trong khu phố hàng năm. Tiếng lành đồn xa về công tác quản lý quỹ hội và vận động xã hội của chị  rất tốt, nên chị được Hội Phụ nữ P. Hòa Minh, Hội LHPN TP mời lên để chia sẻ kinh nghiệm; chị được cử đi dự hội nghị ở Hà Nội, được các tổ chức phi chính phủ mời tham dự các hội nghị về công tác xã hội. Sau đó, chị được bầu làm Chi Hội trưởng Phụ nữ khu vực Hòa Phú 5, rồi kiêm thêm Phó Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em Q.Liên Chiểu, Phó Bí thư chi bộ khu dân cư...

Có một kỷ niệm mà chị Hồng nhớ mãi đó là lần chị được cử đi tham dự hội nghị ở TPHCM trình bày tham luận về công tác vận động phong trào ở địa phương. Tại đây, chị kể lại quá trình thành lập Đội thiếu niên tiền phong bảo vệ môi trường của khu vực mình ở bằng một câu chuyện rất cảm động có thật: Một hộ gia đình mới đến ở, ăn xong hộp xôi, tiện tay vứt ra vỉa hè. Vừa lúc đó, em Đỗ Thị Nhớ, Chi Đội trưởng, xuất hiện, xin phép chủ nhà cho em nhặt vỏ hộp nhựa này. Ngạc nhiên, chủ nhà hỏi, lấy để làm gì vậy, em Nhớ liền nói là  “để cháu bỏ vào thùng rác ạ! Chắc cô chú mới đến đây ở nên không biết ở đây có phong trào bảo vệ môi trường. Nếu cô chú thấy chúng cháu dọn vệ sinh vào chủ nhật hàng tuần, chắc cô chú sẽ không bao giờ vứt hộp ra vỉa hè đâu ạ!”. Nghe xong chuyện, cả hội trường vỗ tay rào rào...

Tiếng lành đồn xa, tháng 3-2012, chị là một trong 3 thành viên nữ của Việt Nam được một tổ chức phi chính phủ mời đích danh đi dự hội nghị “Phát triển cộng đồng nghèo đô thị khu vực Châu Á- Thái Bình Dương” tại Philippines. Tại đây, chị được chia sẻ công thức biến các chất rác thải hữu cơ từ thực vật để làm dung dịch nước rửa chén, lau chùi bếp, nền nhà và toilet. Chị nhờ chị Lê Diệu Ánh công tác ở  Hiệp hội các đô thị Việt Nam dịch ra công thức như sau: 3kg vỏ củ quả hoặc trái cây không sử dụng, các loại rau, cỏ (đã rửa sạch) cộng với 3 lạng đường đem hòa vào trong 10 lít nước và ủ trong 30 ngày sẽ ra dung dịch nước gọi là chế phẩm EM. Chị đã thử nghiệm và thành công.

Từ khi chị dùng dung dịch này để lau nền nhà, muỗi trong nhà chị giảm đến 80%. Dung dịch nước này còn có tính chất khử mùi rất tốt. “Dung dịch nước này không có chất độc hại, lại thân thiện với môi trường nữa. Khi hòa dung dịch này vào trong nước để lau nhà xong, có thể dùng nước này để tưới cây rất tốt. Ngoài ra, nó còn dùng để lau chùi bếp, toilet, rửa chén bát rất sạch”, chị Hồng phân tích.

Mới đây, Hội LHPN Q.Liên Chiểu đã mua của chị 80 lít chế phẩm EM để làm quà cho hội viên. Sau khi sử dụng dung dịch này, nhiều hội viên đã liên hệ với chị để xin lại công thức làm; có nhiều người thì đăng ký mua thêm của chị để dùng. Mới đây, chị được Hội LHPN TP mời đến để chia sẻ cách làm cho các cán bộ phụ nữ xã phường...  Chị Hồng cho biết, chị đã gửi mẫu này cho Trường ĐHBK Đà Nẵng kiểm định và sắp tới sẽ gửi mẫu chế phẩm EM này đến Trung tâm Y tế Dự phòng TP để kiểm định chất lượng...

Nhìn lên tường nhà treo đầy bằng khen, giấy khen của chị, tôi hỏi anh Nguyễn Ngọc Anh: “Điều gì ở chị khiến anh yêu nhất?”, anh cười dí dỏm: “Cái chi cũng được. Trẻ yêu theo kiểu trẻ, già yêu theo kiểu già”. Rồi anh hạ giọng, bộc bạch: “Làm được cái gì cho xã hội thì làm em à! Miễn mình làm bằng cái tâm là được”.

Nhìn vợ chồng anh chị ngồi bên nhau bàn về những công việc đã làm và sẽ làm, tôi chợt thấy thấm câu nói: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”!

P.T