Một tháng chiến sự rung chuyển Ukraine
Ngày 24-2, Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin. Sau một tháng, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt và chưa có lối thoát rõ ràng cho cuộc xung đột làm rung chuyển châu Âu. Theo các chuyên gia, cục diện chiến tranh diễn ra theo hướng không ai lường trước khi chiến tranh bắt đầu: Ukraine đã kháng cự gay gắt, ngay cả khi cán cân quyền lực có lợi cho Nga.
Giao tranh vẫn ác liệt
Trên chiến trường, giao tranh vẫn diễn ra ác liệt khi lực lượng Ukraine cho thấy sự chống trả quyết liệt rất bất ngờ.
Cả hai phía đều chịu nhiều thương vong nhưng con số cụ thể không được xác thực. Về phía Nga, Bộ Quốc phòng nước này xác nhận đã sử dụng tên lửa hành trình Kalibr, tên lửa Iskander trong khi lực lượng tấn công trên bộ chủ lực là xe tăng T-72B3, bệ phóng tên lửa Grad, Smerch và Uragan... Ukraine còn cáo buộc Nga sử dụng bom chùm nhưng điện Kremlin đã bác bỏ.
Các nước phương Tây đã chuyển nhiều vũ khí cho Ukraine, bao gồm máy bay không người lái Bayraktar, máy bay không người lái cảm tử Switchblade, tên lửa phòng không Starstreak, tên lửa phòng không di động Stinger, tên lửa chống tăng tầm trung Javelin, vũ khí chống tăng thế hệ kế tiếp, súng trường, súng máy, súng bắn tỉa và nhiều loại đạn pháo... Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn tránh can thiệp sâu hơn. Trong lúc có tin Ukraine sắp cạn kiệt vũ khí, các nước đồng loạt gửi hàng nghìn vũ khí tới cho Kiev. Thụy Điển, Đức và Anh đều thông báo về việc gửi hàng nghìn vũ khí tới Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với chiến dịch quân sự của Nga. Việc hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine có thể làm phức tạp hơn cuộc chiến. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cáo buộc việc cung cấp vũ khí và gửi lính đánh thuê tới Ukraine là những chính sách "cực kỳ nguy hiểm", đe dọa trực tiếp đến an ninh của châu Âu và toàn cầu.
Nói về tình hình chiến sự hiện nay, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng kế hoạch quân sự của Nga thất bại ngay từ những ngày đầu và Kiev sẽ làm mọi cách để chấm dứt xung đột. "Đã một tháng chúng ta phòng vệ trước âm mưu nhằm phá hủy chúng ta. Kế hoạch ban đầu của quân đội Nga đã thất bại ngay từ những ngày đầu tiên của chiến dịch", Tổng thống Zelensky phát biểu hôm 24-3, đánh dấu một tháng Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và giới chức quốc phòng Nga tuyên bố, tình hình chiến sự vẫn đang diễn ra đúng như kế hoạch và chiến dịch sẽ không dừng, cho đến khi mục tiêu của nó được hoàn thành. Nga vẫn đang sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao tấn công các căn cứ quân sự, đặc biệt là các kho vũ khí và nơi sản xuất vũ khí; đồng thời khép chặt vòng vây nhiều thành phố chiến lược.
Kinh tế, xã hội lao đao
Từ khi chiến sự nổ ra, gần 4 triệu người đã rời khỏi Ukraine. Họ tạm lánh nạn ở các nước láng giềng như Ba Lan, Hungary, Slovakia, Romania, Belarus... Trong khi đó, khoảng 7 triệu người được cho là đang đi sơ tán trong nước.
Kinh tế toàn cầu bắt đầu chịu tác động sâu sắc bởi cuộc xung đột. Các nước phương Tây siết chặt trừng phạt kinh tế đối với Nga song song với viện trợ quân sự cho Ukraine càng khiến tình hình thêm căng thẳng. Các lệnh cấm vận này tập trung vào những "tử huyệt" của nền kinh tế Nga: cấm vận về năng lượng; loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT; các tập đoàn lớn rút đầu tư và hoạt động tại Nga; đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài trị giá trên 300 tỷ USD và tịch thu, phong tỏa tài sản của các tỷ phú có liên hệ mật thiết với Tổng thống Putin và chính quyền Nga.
Đồng ruble rớt giá thảm hại càng đè nặng lên gánh nặng chi tiêu cho người dân Nga. Giá vàng liên tục phá đỉnh. Nguồn cung năng lượng bị gián đoạn bởi Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu đứng thứ hai thế giới sau Saudi Arabia với khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu. Giá dầu tăng kéo theo giá cước vận chuyển tăng rồi giá lương thực, thực phẩm tăng theo. Chiến sự Nga - Ukraina đang minh chứng rõ ràng hiệu ứng Domino lên toàn cầu.
Nga và Ukraine hiện chịu trách nhiệm gần 30% tổng sản lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Ukraine chiếm khoảng 90% xuất khẩu hướng dương. Ngô và lúa mạch cũng đến từ hai nước này với số lượng đáng kể. Các lệnh trừng phạt nhắm vào ngân hàng và tổ chức tài chính của Nga khiến nước này không thể xuất khẩu lương thực. Trong khi đó, nguồn cung từ Ukraine cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Nga đã chặn Biển Đen. Ukraine cũng không đủ tàu để vận chuyển lương thực qua đường bộ. Kết quả, giá ngô và lúa mạch đã tăng lần lượt 36% và 82%.
Chưa dừng lại ở đó, thị trường phân bón cũng khốn đốn. Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, cung cấp khoảng 15% nguồn cung toàn cầu. Trong tháng này, ngay vào thời điểm những nông dân trên khắp thế giới chuẩn bị gieo trồng, Nga yêu cầu các nhà sản xuất phân bón ngừng xuất khẩu. Các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga cũng khiến những giao dịch mua bán phân bón trở nên khó khăn. Ngoài ra, giá các kim loại như niken, đồng, bạch kim và palladium đang tăng chóng mặt. "Bóng ma" lạm phát phủ bóng khắp toàn cầu.
Các nhà phân tích cho rằng, cuộc đối đầu giữa Nga - Ukraine đang và sẽ làm thay đổi trật tự thế giới cũng như sự ổn định quốc tế đã vận hành hàng chục năm qua. Dù các cuộc đàm phán Nga - Ukraine vẫn đang được duy trì nhưng các bên đều nhận định phải cần thêm nhiều thời gian. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần này đã đến Brussels để chuẩn bị tham dự các hội nghị thượng đỉnh của NATO, G7 và EU. Tình hình chiến sự tại Ukraine được cho là một chủ đề quan trọng xuyên suốt chuyến công du của chủ nhân Nhà Trắng.
KHẢ ANH
Dòng sự kiện:Cuộc xung đột Nga-Ukraine
Nga phản ứng về vụ Ukraine tấn công bằng tên lửa ATACMS
Ông Putin cảnh báo đanh thép về khả năng Ukraine tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa
Ông Trump tuyên bố sẽ nỗ lực mạnh chấm dứt xung đột Nga – Ukraine
Phương Tây chấp nhận thực tế Ukraine có thể phải nhượng lãnh thổ
An ninh Ukraine đánh bom xe ám sát sĩ quan cấp cao của Hải quân Nga ở Crimea