Một thời chúng ta thích ăn chè

Thứ tư, 13/04/2022 19:02
Chè là một món ăn quen thuộc, có chè lạnh và chè nóng. Ngày cũ, trên các con phố có những bà bán chè với gánh chè đi khắp nơi với tiếng rao vọng: "Ai chè đậu ván, đậu đỏ nước dừa… hông". Nhà nhà mang chén hoặc ly ra mua, còn lũ trẻ thì ngồi ăn tại chỗ. Bà bán chè có mang theo một hai chiếc đòn cho khách ngồi. Cảnh ngồi ăn chè ven đường, dưới bóng cây râm mát buổi trưa giờ đã không còn nữa.
Hàng chè chợ Xóm Mới (Nha Trang).
Chè gánh ở Hội An.

Ngày đó, các quán chè ở các thành phố mở rất nhiều. Cứ hình dung ra những nồi chè để trên lò than hồng còn nóng: đậu xanh, đậu đỏ, bà ba, chè bắp… Khi khách ăn, lấy cái vá múc lên rất điêu luyện, tất nhiên là trải lên chén chè một ít nước cốt dừa cho thêm phần ngậy. Còn các tiệm bán chè nước thì có đậu xanh, nhản nhục, sâm bổ lượng, hạt sen… thì cao cấp hơn với bàn ghế lịch sự.

Ngày xưa ở Đà Lạt, tôi nhớ quán chè Mai Hường nằm trên con dốc đường Hàm Nghi. Quán chỉ là một căn nhà nhỏ bằng gỗ, ghế gỗ chủ yếu bán cho các sinh viên. Hiện nay, Đà Lạt mở cửa du lịch, có nhiều quán chè mới mở chủ yếu tập trung trên đường 3-2 như chè Như Ý, chè Hé… Còn ở Nha Trang thì có rất nhiều quán chè nóng, có quán nằm trên đường 23-10 chỉ bán ban đêm. Ở Huế có các quán chè "huyền thoại" của sinh viên như chè bình dân xóm Chuối đường Phó Đức Chính nhưng nay không đông đúc như trước. Ở Đà Nẵng có chè Xuân Trang mấy mươi năm nay vẫn tồn tại, vẫn cạnh tranh với đủ loại chè mới nổi như chè Cung Đình, chè Thái... Ở Hội An, chè tồn tại nhiều hơn ở các tuyến phố du lịch, quanh chợ Hội An, đặc biệt là những gánh chè xuyên đêm với đủ loại chè bắp, chè hạt sen, đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ... Nhiều quán chè hay bán bên cạnh các rạp chiếu phim, theo quy luật khi khách xem phim xong thường đi ăn cái gì đó. Nay các rạp chiếu phim cũ không còn, các quán chè cũng thay đổi chức năng.

Hàng chè chợ Xóm Mới (Nha Trang).

Trong lòng nhiều thành phố vẫn còn bán chè, dẫu những cô gái thời nay thích rủ nhau đi uống trà sữa một thời, nay lại thích uống trà chanh hoặc kem. Nhưng các quán chè cũng hiếm hoi, có thể đếm trên đầu ngón tay. Quán chè ngay số 4 Quang Trung bán ban đêm có thể coi như là quán chè lâu năm nhất Nha Trang còn tồn tại. Rồi những quán chè khác mới mở như quán chè Cô Ba trên đường Võ Trứ, Chè Cung đình trên đường Nguyễn Thị Minh Khai và Phan Bội Châu. Ở Đà Nẵng, chè vỉa hè ngã tư Trần Quốc Toản- Nguyễn Chí Thanh một thời nhộn nhịp giờ đã là quá khứ...

Hiện nay, chè di động trên những xe đẩy vẫn còn ở các thành phố lớn, nhưng cũng chỉ quẩn quanh ven các chợ. Nhưng chè trong chợ vẫn là loại chè ngon nhất và rẻ nhất, giá hiện nay là 7-10 ngàn đồng tùy nơi. Các chợ hiện nay đều có hàng chè, chủ yếu cho khách mua mang về, chỉ có một số ít bán ăn tại chỗ. Chợ Phước Thái (Nha Trang) có bà bán chè ngồi nép bên các hàng khác, gần lối đi, khách ăn cứ ngồi chen nhau mà ăn, ăn giữa ồn ào, đôi khi phải né người đi ngang mà cảm giác rất lạ. Chợ Phước Tín thì bà bán chè bán cả hai chục năm nay, bà giữ giá 5 ngàn đồng, khách ngồi ăn cũng được mà mang về cũng được. Đến chợ Xóm Mới (Nha Trang) thì chè bán trên đường Võ Trứ và Huỳnh Thúc Kháng bên hông chợ. Ở đường Võ Trứ là hàng chè cô Thảo bán mang về, giá 7 ngàn đồng không bị cạnh tranh. Còn ở Huỳnh Thúc Kháng thì có tới 4 hàng, bán thêm bánh ít, bánh bông lan…. Các quán chè ở chợ vào dịp mồng một, rằm âm lịch còn bán thêm chè ký, xôi ký cho khách mua về chia ra cúng...

Kể lan man chuyện chè để sực nhớ lâu rồi nhà không nấu chè. Để nhớ có khi nấu nếp với đường gọi là chè nếp mà ăn ngon lành.

Bao lâu rồi chúng ta không ăn chè?

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG