Một thời đất Quảng

Thứ bảy, 13/01/2018 10:59

Trong quá trình đi tìm tư liệu viết bài kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, tôi được người bạn tặng cuốn sách "Người con đất Quảng kiên trung" với lời nhắn nhủ: "Trong này sẽ có những cái em cần". Quả thật, đây là cuốn hồi ký của Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam, đã chứa trong đó nguồn sử liệu dồi dào, vượt quá cả sự mong đợi của tôi. Với cách viết dung dị của một người lính thời gian "cầm súng nhiều hơn cầm bút", cuốn sách kể về con đường đến với cách mạng của một cậu trai "thấp bé, nhẹ cân" 15 tuổi đã ra sức năn nỉ cha mẹ được xung phong đi bộ đội (vì cha mẹ cho rằng: "Mi còn con nít mà đánh giặc chi!"), dũng cảm, bền bỉ đi theo suốt cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc. Gần 40 năm "ăn trong bom, ngủ trong đạn", Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý đã cùng đồng đội vượt lên vô vàn hiểm nguy, gian khó, cống hiến tuổi xuân cho quê hương, làm nên những chiến công oanh liệt, đi vào huyền thoại trên mảnh đất Quảng Nam "trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ".

Ảnh: Trang bìa cuốn Hồi ký "Người con đất Quảng kiên trung".

Trong cuốn hồi ký, tôi đặc biệt ấn tượng với trận tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân. Trận đánh chiếm Tỉnh đường Quảng Tín, tòa hành chánh tỉnh trưởng, giải phóng nhà lao (thị xã Tam Kỳ) vào mùa xuân năm 1968 này được khắc họa chân thực và đầy cảm xúc qua dòng hồi tưởng của tác giả. Năm ấy, trên cương vị là Chính trị viên kiêm Bí thư Đảng ủy Tiểu đoàn 70, dù vết thương ở chân chưa lành hẳn, ông vẫn đề nghị được cùng anh em chiến đấu. Trong thế trận giằng co, sự gan dạ, dũng cảm, sáng tạo, quyết đoán của một người chỉ huy cao nhất trực tiếp chỉ huy trận đánh đã được thể hiện sinh động qua việc chủ động đề nghị xin chuyển hướng tấn công khi kế hoạch cũ không thể triển khai; vừa bắn chặn địch, vừa nắm tình hình, kịp thời chỉ huy, động viên anh em giữ vững tinh thần chiến đấu khi lính cộng hòa và xe tăng Mỹ phản kích quyết liệt; đồng thời linh hoạt xác định hướng lui quân, bảo toàn lực lượng. Với lời thề "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, giờ lịch sử đã đến", ông cùng Tiểu đoàn 70 đã dũng cảm chiến đấu ngoan cường, đánh chiếm và giữ tỉnh đường Quảng Tín trong suốt 36 giờ, cắm cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng trên nóc nhà tỉnh trưởng, phía dưới lá cờ thêu dòng chữ "Núi Thành oanh liệt, quyết chiến lập công". Sau trận này, cùng với thành tích của đơn vị được khen thưởng, Lê Hải Lý nhận tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

Đọng lại nơi hồi ký dài 265 trang của người anh hùng xứ Quảng là vô vàn kỉ niệm, những ký ức không bao giờ quên về nghĩa tình đồng đội vào sinh ra tử, về những chiến công vang dội; lòng tự hào của một người lính Bộ đội Cụ Hồ, tình cảm hậu phương và nỗi nhớ thương về quê hương Giáng La (Điện Thọ, Điện Bàn) giàu truyền thống cách mạng. Nhẹ nhàng và sâu lắng, "Người con đất Quảng kiên trung" không chỉ là lời kể gần gũi, chân thực, sinh động về những tháng ngày chinh chiến của Đại tá, Anh hùng LLVTND Lê Hải Lý trong hai cuộc chiến tranh vĩ đại, mà còn chất chứa đầy những xúc cảm, suy tư của một người lính đi qua chiến tranh, trở về với đời thường, chứng kiến bao biến thiên của thời cuộc. Như những thước phim quay chậm, tác phẩm là một chuyến đi đưa người đọc về một thời khói lửa, ở đó, mảnh đất Quảng Nam anh hùng đã sản sinh ra những người con kiên trung, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn.

LƯU GIANG