Một thời để nhớ

Thứ hai, 31/07/2017 13:21

Sinh ra, lớn lên tại thôn Quảng Đại, xã Đại Cường, H. Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, Trần Quốc Hải sớm thoát ly gia đình tham gia quân giải phóng, chiến đấu tại chiến trường Liên khu 5 sau đó chuyển sang ngành công an. Trải qua chiến tranh ác liệt rồi đất nước thống nhất, anh về công tác và giữ các chức vụ quan trọng trong ngành CA rồi nghỉ hưu tại Đà Nẵng. Là cộng tác viên, độc giả lâu năm của Báo Công an TP Đà Nẵng, anh và các đồng nghiệp nghỉ hưu luôn dõi theo và có nhiều ý kiến góp ý tâm huyết với Báo qua từng chặng đường phát triển. Bên cạnh đó Trần Quốc Hải còn là một nhà thơ với những sáng tác tâm huyết...

Bước vào tuổi "xưa nay hiếm" với 50 năm công tác trong ngành an ninh, tưởng chừng con người ấy khô khan nhưng qua hai tập thơ "Một thời để nhớ" và "Phía chân trời" ta thấy một Trần Quốc Hải với lời thơ nhẹ nhàng, uyển chuyển đầy suy ngẫm. "Một thời để nhớ" và "Phía chân trời" với hơn 80 bài thơ, trong đó, bài "Đà Nẵng thân yêu những ngày bão táp" anh viết:

Tự hào mảnh đất anh hùng

Quyết  tâm đánh Mỹ gian truân không sờn

Những người nằm xuống không tên

Hồn nhập vào gió bay thơm khoảng trời...

Bước chân của chàng trai xứ Quảng ngày đêm vượt thác băng ghềnh, có mặt trên mọi nẻo đường Tổ quốc  nhưng vẫn dạt dào trái tim của một nhà thơ tha thiết yêu đời, yêu người: Những đoàn quân nối tiếp đường dài/ Hướng về Nam theo từng áng mây bay/ Đoàn quân nối tiếp dài vô tận/ Tổ quốc gọi chúng mình phải chia tay.

Thơ của Trần Quốc Hải thương nhớ da diết về quê hương Đại Lộc, bên dòng Vu Gia, nơi có nương dâu, bãi bắp, con đò, bến sông... với kỷ niệm tuổi thơ chăn trâu, bắt dế, cắt rạ, đốt rơm vào những chiều yên bình bên bờ sông Thu Bồn- Vu Gia. Anh trở về quê hương rồi từ đó lặn lội đi thăm lại những vùng đất một thời nặng nợ yêu thương, nơi anh từng gắn bó công tác, chiến đấu. Nơi ấy đọng lại tình đồng đội cũ, nỗi nhớ về một thời chiến trường xưa.

Khi một mình về thăm Nghĩa trang Trường Sơn, Ngã ba Đồng Lộc, anh đã có những tứ thơ xúc động lòng người: Các em nằm lại nơi đây/Trời vẫn xanh, xanh nguyên màu con gái/Mười tám đôi mươi các em nằm lại/ Tổ quốc yên bình mây trắng bay/Về đi em, ăn quýt đỏ Sơn Bằng/Về đi em, tắm sông Ngàn Phố/Con suối xưa em gội đầu dang dở/ Suối tắt dòng, nay lại chảy em ơi/ Trời rất xanh, không còn tiếng bom rơi/Cuộc sống bình yên các em để lại/ Đồng Lộc ơi! có mười cô gái/ Về đêm tỏa sáng một khoảng trời! (Ngã ba Đồng Lộc).

Ngoài những bài thơ nói về tình yêu nồng đượm thiết tha, thơ Trần Quốc Hải còn có những bài về tình yêu thiên nhiên, yêu cỏ hoa, đồng nội với những lời thơ bình dị thiết tha. Trong đó, Đà Nẵng được anh nhắc đến khá nhiều trong hai tập thơ với niềm thân thương trìu mến. Niềm hạnh phúc lớn lao mà bình dị, lòng tự hào được là người con của mảnh đất kiên trung luôn cháy bỏng trong anh để cho ra những vần thơ đẹp: "Đà Nẵng lớn từng ngày/Vươn lên cùng năm tháng/Nhìn phía xa bến cảng/Dãy Ngân hà lung linh/Bây chừ chín cây cầu/ Sáng dòng người xuôi ngược/In bóng trên sóng nước/  Người trẩy hội pháo hoa... (Đà Nẵng- thành phố ánh sáng). 

Đi qua hai cuộc chiến tranh với bao đau thương mất mát nhưng rất đỗi tự hào, niềm vui trong thơ của Trần Quốc Hải khi quê hương giải phóng như vút cao trên khoảng không vô tận của niềm vui đại thắng. Đó là niềm vui chung của những người lính cùng cả nước làm nên chiến công vang danh sử sách. Niềm vui của một kiếp đời nô lệ vùng lên giải phóng dân tộc và hơn ai hết anh hiểu thấu được giá trị của cuộc sống hôm qua và hôm nay.

Là Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam tại TP Đà Nẵng, công việc khá bận rộn nhưng nhà thơ, Đại tá Trần Quốc Hải luôn đồng hành và là độc giả trung thành của Báo Công an TP Đà Nẵng. Hướng đến kỷ niệm 30 năm Ngày Báo CATP Đà Nẵng phát hành công khai số đầu tiên, anh cũng có những vần thơ chúc mừng: Thấm thoắt Báo tròn tuổi Ba Mươi/Trải qua bao nhiêu bước thăng trầm

Bút sắc, lòng trong, tâm sáng mãi.   

HIỀN MINH