Một thời với tàu không số

Thứ sáu, 19/02/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Trong số ít các cựu chiến binh tàu không số huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ người Quảng Nam, có cụ Hoàng Xuân Cao (80 tuổi), ở thôn Phú Hưng, xã Tam Xuân 1, H. Núi Thành. Năm 1945, khi chưa tròn 16 tuổi,  Hoàng Xuân Cao tham gia du kích thôn, sau đó làm Vùng đội trưởng. Đến năm 1947, gia nhập bộ đội tại đơn vị 83 rồi đến đơn vị 105 Liên khu 5. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc, chuyển sang đơn vị Hải quân, từ năm 1961 là lính Lữ đoàn 125 tàu không số...

Trong những cuộc gặp mặt cựu chiến binh, cụ Xuân Cao thường kể lại chuyện những năm tham gia trên tàu không số thật gian khổ hiểm nguy nhưng đầy vinh quang. Cụ thường nói: "Lòng đã quyết, tâm đã nguyện một lòng vì dân vì nước, nên mọi sự gian khổ hy sinh không hề làm nhụt ý chí của người thanh niên trước quân thù xâm lược". Cụ nhớ lại: Từng có mặt trên tàu không số hoạt động từ Hải Phòng vào tận Cà Mau, có chuyến đưa cán bộ cấp cao đến nơi an toàn. Thường mỗi  chuyến đi và về từ 10 đến 15 ngày, nếu không có sự cố gì. Trên đường đưa vũ khí vào Nam, có một sự cố cụ Cao nhớ mãi, đó là vào tháng 7 năm 1969, tàu ta bị Hạm đội Ma đốc của Mỹ đi sát, bắn vào con tàu không số "đánh cá" của ta, các chiến sĩ bất ngờ, nhưng tư thế sẵn sàng hy sinh nếu địch phát hiện trên tàu có vũ khí của ta! Rất may là chúng chỉ bắn thăm dò nên tàu của ta tiếp tục hành trình... Một lần khác, vào tháng 3-1971, tàu của ta vào Vũng Rô (Phú Yên), máy bay F 105 của địch xuất hiện theo dõi, các chiến sĩ ta kịp thời liên lạc với đơn vị bộ đội đặc công Phú Yên, tẩu tán kịp thời quân lương, vũ khí của ta  lên bờ, thoát hiểm an toàn, khi địch hành quân đến, chúng chỉ thấy trên tàu toàn là ngư lưới cụ!...

CCB Hoàng Xuân Cao đang kể chuyện về  tàu không số.

Cụ Xuân Cao nhớ lại: "Trong những năm trong quân ngũ, cụ cùng đồng đội tập bơi, lặn, đi dưới nước. Yêu cầu đối với những người lính hải quân đánh bộ hay còn phải thạo những cách chiến đấu của đặc công nước vô cùng khắt khe, phải luyện tập để thích ứng với môi trường khắc nghiệt, rèn luyện để sống sót ba, bốn ngày trên biển, đủ sức bơi cả chục cây số, thành thạo trong việc tấn công các mục tiêu chỉ có thể xâm nhập qua đường thủy, như tàu chiến, kho xăng dầu biệt lập, căn cứ thủy quân... Sau khóa huấn luyện, cụ được điều về thực tập trên tàu của Đoàn 125 làm thủy thủ, học cách lái tàu. Đến nay đã hơn 40 năm trở về với đời thường, CCB Hoàng Xuân Cao luôn tự hào đã có một quãng thời gian dài, đẹp đẽ nhất của người lính Cụ Hồ trong binh chủng Hải quân anh hùng, tự hào là một trong những người con của Núi Thành được phục vụ trên đoàn tàu không số.  Nghỉ hưu năm 1974, năm 1976 cụ về quê tiếp tục làm công tác Đảng, làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Tiến, tham gia công tác địa phương cho tới nay. Còn người dân trong thôn cũng luôn tự hào về cụ Hoàng Xuân Cao, từng là lính hải quân đoàn tàu không số, đã góp phần làm nên những kỳ tích với con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại.

Nguyễn Huy Hoàng