TƯ VẤN PHÁP LUẬT

Mua bán thật nhưng hóa đơn dỏm: Thiệt đơn thiệt kép

Thứ ba, 20/06/2023 08:35
*Bạn đọc hỏi: anh Vinh, trú Q.Sơn Trà (TP Đà Nẵng), hỏi: Tôi là giám đốc một công ty kinh doanh phụ tùng xe cơ giới cũ và đã mua hàng của Công ty X. ở TPHCM từ nhiều năm nay. Việc mua bán diễn ra bình thường, Công ty tôi nhận hàng và thanh toán đầy đủ, giá mua đã gồm thuế GTGT, Công ty X. xuất hóa đơn VAT đầy đủ cho mỗi đợt hàng. Công ty tôi nhiều năm qua cũng thực hiện việc báo cáo thuế, nộp thuế đầy đủ và chưa lần nào được cơ quan thuế nhắc nhở bất cứ vấn đề gì, cũng chưa lần nào làm thủ tục hoàn thuế. Mới đây, tôi nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc Công ty X. đã bị cơ quan thuế TP HCM thanh tra và đính kèm danh sách các công ty có hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố, trong đó có tên Công ty X.. Cơ quan thuế yêu cầu tôi giải trình về một số hóa đơn mua bán giữa Công ty của tôi và Công ty X.. Tôi rất lo lắng không biết Công ty tôi có bị xử lý vì liên quan đến số hóa đơn do Công ty X. xuất cho Công ty tôi không? Tôi có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?
Luật sư Phan Thụy Khanh
Luật sư Phan Thụy Khanh

*Luật sư Phan Thụy Khanh, Phó trưởng văn phòng Luật sư Phong & Partners - Trưởng chi nhánh Sơn Trà, trả lời:

1. Công ty của anh Vinh có bị cơ quan thuế xử lý vì có liên quan đến hóa đơn do Công ty X. phát hành không?

Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

“Điều 4. Hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ

1. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp:

a) Hóa đơn, chứng từ giả;

b) Hóa đơn, chứng từ chưa có giá trị sử dụng, hết giá trị sử dụng;

c) Hóa đơn bị ngừng sử dụng trong thời gian bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn, trừ trường hợp được phép sử dụng theo thông báo của cơ quan thuế;

d) Hóa đơn điện tử không đăng ký sử dụng với cơ quan thuế;

đ) Hóa đơn điện tử chưa có mã của cơ quan thuế đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

e) Hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn từ ngày cơ quan thuế xác định bên bán không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

g) Hóa đơn, chứng từ mua hàng hóa, dịch vụ có ngày lập trên hóa đơn, chứng từ trước ngày xác định bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc chưa có thông báo của cơ quan thuế về việc bên lập hóa đơn, chứng từ không hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhưng cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã có kết luận đó là hóa đơn, chứng từ không hợp pháp.

2. Sử dụng hóa đơn, chứng từ trong các trường hợp sau đây là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ:

a) Hóa đơn, chứng từ không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định; hóa đơn tẩy xóa, sửa chữa không đúng quy định;

b) Hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ); hóa đơn phản ánh không đúng giá trị thực tế phát sinh hoặc lập hóa đơn khống, lập hóa đơn giả;

c) Hóa đơn có sự chênh lệch về giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc sai lệch các tiêu thức bắt buộc giữa các liên của hóa đơn;

d) Hóa đơn để quay vòng khi vận chuyển hàng hóa trong khâu lưu thông hoặc dùng hóa đơn của hàng hóa, dịch vụ này để chứng minh cho hàng hóa, dịch vụ khác;

đ) Hóa đơn, chứng từ của tổ chức, cá nhân khác (trừ hóa đơn của cơ quan thuế và trường hợp được ủy nhiệm lập hóa đơn) để hợp thức hóa hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc hàng hóa, dịch vụ bán ra;

e) Hóa đơn, chứng từ mà cơ quan thuế hoặc cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng khác đã kết luận là sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.”

Theo thông tin anh Vinh cung cấp, Công ty X. đã bị cơ quan thuế thanh tra và nằm trong danh sách doanh nghiệp có hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố. Công ty anh cũng được cơ quan thuế thông báo và yêu cầu giải trình, điều đó chứng tỏ số hóa đơn Công ty X. đã phát hành cho Công ty anh có thể đã được cơ quan chức năng xác định là hóa đơn không hợp pháp theo các trường hợp quy định trên. Mặc dù Công ty anh Vinh thực hiện việc mua bán hàng hóa phù hợp với quy định pháp luật, kê khai thực hiện nghĩa vụ đầy đủ đối với Nhà nước nhưng vẫn bị xử lý về hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, theo đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc khắc phục hậu quả theo quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP như sau:

“Điều 28. Xử phạt đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4 Nghị định này, trừ trường hợp được quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 16 và điểm d khoản 1 Điều 17 Nghị định này.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.”

“Điều 16. Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn

1. Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với một trong các hành vi sau đây:

đ) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.”

“Điều 17. Xử phạt hành vi trốn thuế

1. Phạt tiền 1 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;”

Do vậy, anh Vinh cần giải trình rõ với cơ quan thuế và chứng minh lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về Công ty X. và Công ty của anh đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định. Cụ thể, anh cần giải trình và cung cấp chứng từ tài liệu chứng minh: việc mua bán giữa hai bên là giao kết hợp pháp, có thật (hợp đồng mua bán, email, tin nhắn đặt hàng, chứng từ giao nhận hàng, chứng từ thanh toán, hóa đơn…); Công ty X. là doanh nghiệp đang hoạt động bình thường tại thời điểm giao kết và mua bán với Công ty anh Vinh, anh không thể biết hành vi vi phạm pháp luật của Công ty X. cho đến khi nhận được thông báo của cơ quan thuế; báo cáo thuế, báo cáo tài chính mà Công ty anh đã nộp để chứng minh việc hạch toán minh bạch đúng quy định liên quan đến số hóa đơn của Công ty X.. Khi đó, Công ty anh chỉ phải chịu phạt 1 lần với mức phạt là 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định; đồng thời Công ty anh phải hủy số hóa đơn của Công ty X. đã sử dụng.

2. Anh Vinh có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

Điểm d khoản 1 Điều 200 Bộ luật hình sự 2015 đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 47 Điều 1 Luật sửa đổi bộ luật hình sự 2017 quy định về tội trốn thuế như sau:

“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 202, 250, 251, 253, 254, 304, 305, 306, 309 và 311 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

d) Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn;”

Việc mua bán hàng giữa Công ty anh Vinh và Công ty X. là có thật. Công ty anh Vinh không thể biết số hoá đơn, chứng từ đó không hợp pháp, đã thực hiện nghĩa vụ báo cáo và nộp thuế theo quy định của pháp luật; đồng thời anh và Công ty của mình không cố tình cấu kết với Công ty X. để mua bán hoá đơn… thì sẽ không bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Từ trường hợp của Công ty anh Vinh, doanh nghiệp cần lưu ý, với cơ chế “tự kê khai – tự chịu trách nhiệm” ngày càng phổ biến đối với nhiều cơ quan Nhà nước, khi xác lập quan hệ với đối tác, cần tìm hiểu kỹ về uy tín của doanh nghiệp đó, tình trạng pháp lý của doanh nghiệp (qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, website chính thức của doanh nghiệp và các nguồn tin cậy khác...) để không vô tình vướng vào những rủi ro pháp lý dẫn đến thiệt đơn thiệt kép hay thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425