Mua bán thông tin cá nhân như "món hàng”

Thứ sáu, 15/12/2023 08:23
Hiện nay, tình trạng thu thập, mua bán thông tin, tài khoản cá nhân, tài khoản ngân hàng diễn ra tràn lan, để lại nhiều hệ lụy và phiền hà trong nhân dân. Trong đó, tội phạm sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông và thiết bị điện tử sau khi chiếm đoạt được thông tin của cá nhân lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp.

Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng, cử tri Nguyễn Văn Nghị (Q. Cẩm Lệ) nêu thực trạng thông tin cá nhân bị mua bán như món hàng. Ông kể, hàng ngày nhận cuộc gọi số lạ nhưng biết rõ tên, địa chỉ của mình để hỏi, tư vấn việc này, việc kia. Đơn cử, khi đặt vé máy bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội thì ngay lập tức đã có nhiều hãng taxi điện thoại hỏi tư vấn chuyến xe đi từ sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội.

Câu chuyện của ông Nghị cũng là bức xúc của nhiều cử tri khác khi hàng ngày phải nhận hàng chục cuộc gọi của những người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của các công ty gọi tư vấn. Đáng nói, những nhân viên này khi mở màn cuộc gọi đều hỏi đúng thông tin của người nhận. Dù các vụ việc lộ lọt thông tin cá nhân đã nêu ở trên chưa gây hậu quả nghiêm trọng về tài sản nhưng rõ ràng hành vi của các đối tượng là vi phạm pháp luật. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng đã sử dụng thông tin cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo.

Với sự vào cuộc quyết liệt, những năm trở lại đây, Công an các địa phương đã bóc gỡ, triệt phá hàng loạt ổ nhóm mua bán thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng, góp phần ngăn chặn các vụ lừa đảo trên không gian mạng quy mô lớn. Điển hình, tháng 8-2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng ANM)- Công an TP Đà Nẵng đấu tranh, triệt phá nhóm đối tượng chuyên mua bán dữ liệu cá nhân, sim rác, tạo và mua bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn do Nguyễn Văn Hiếu (1993, quê TT-Huế) cầm đầu.

Phòng ANM bắt nhóm chuyên mua bán thông tin, tài khoản ngân hàng.

Theo đó, Hiếu dùng tài khoản Telegram tên “Hiểu Hiểu” liên hệ với chủ nhân tài khoản Telegram tên “Phep xinh” và “lưu ho so” mua khoảng 10.000 bộ hồ sơ thông tin cá nhân (gồm mặt trước, mặt sau CCCD và ảnh chụp khuôn mặt) và 7.343 thẻ sim kích hoạt sẵn. Hiếu và đồng bọn dùng thông tin cá nhân, sim mở tài khoản trực tuyến của ngân hàng BIDV và ví điện tử các loại. Đến khi bị Công an phát hiện, nhóm của Hiếu đăng ký được khoảng 20.000 tài khoản ngân hàng và ví điện tử các loại. Sau đó, Hiếu bán lại các tài khoản trên cho các đối tượng khác.

Hay vào tháng 9-2023, Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng đã bắt tạm giam Hoàng Đức Nhu (1993, quê Lào Cai) về hành vi: “Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”. Phương thức hoạt động của Nhu là sử dụng tài khoản Facebook, Zalo, Telegram để liên hệ, nhắn tin với các đối tượng khác nhằm thực hiện hành vi tra soát thông tin tài khoản ngân hàng của người khác rồi bán lại để thu lợi bất chính. Bước đầu, Công an quận Hải Châu làm rõ Nhu đã thu thập, trao đổi, mua bán thông tin cá nhân của 212 tài khoản ngân hàng. Được biết, Nhu là đối tượng chính trong đường dây chuyên mua bán thông tin tài khoản ngân hàng có sự tiếp tay của nhiều nhân viên ngân hàng khắp cả nước bị Phòng ANM- Công an TP Đà Nẵng làm rõ trước đó.

Thiếu tướng Trần Đình Chung- Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) tại buổi tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng cũng thông tin, hiện nay các cơ quan chức năng đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hạn chế, xử lý các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, Công an các địa phương sẽ có rà soát những đối tượng có hành vi mua bán, thu thập thông tin cá nhân. Tuy nhiên, trên tinh thần bảo vệ mình trước hết, người dân cần chủ động phòng, tránh để lộ, lọt thông tin cá nhân với việc không cung cấp bất kỳ thông tin nào cho các tổ chức, cá nhân không liên quan, không tin tưởng.

M.V