Mùa chinh chiến ấy - chim đã xa bầy...
“Mùa chinh chiến ấy” là nhan đề cuốn hồi ký của nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Tuấn, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 29, Sư đoàn 307, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ năm 1978 đến năm 1983. Sách do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, dày gần 500 trang, với kết cấu 7 chương và một phần vỹ thanh, mỗi chương gồm nhiều câu chuyện vừa tồn tại độc lập vừa đan kết với nhau, như những thước phim tư liệu sống động, tái hiện cuộc sống - chiến đấu của người lính tình nguyện trên đất Campuchia, với rất nhiều gian nan, thử thách, rất nhiều hy sinh chịu đựng, là một bản hùng ca đầy bi tráng về tình đồng đội và tình yêu Tổ quốc…
"Một ngày mùa chinh chiến ấy/ Chim đã xa bầy mịt mờ bên trời bay…"- những câu hát trong bài “Hướng về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Dương thi thoảng lại thầm thì bên tai, ngân lên trong lòng người lính trẻ Đoàn Tuấn trên bước đường hành quân 40 năm về trước. Và nay, lời hát ấy vẫn được nhắc lại trong những lần anh và đồng đội gặp nhau, dù mỗi người đang sống tiếp những mảnh đời khác nhau và mái tóc họ đã ngả màu sương muối.
Khao khát được viết lại kể lại sự thực, những sự thực thuộc về bản chất, được khúc xạ để gọi thành tên vẻ đẹp - phẩm chất người lính, gọi thành tên vẻ đẹp cuộc sống – đó là điều mà nhà văn nhà biên kịch Đoàn Tuấn tâm niệm và theo đuổi. Bởi anh yêu cuộc sống, yêu con người, yêu Tổ quốc này. Tình yêu ấy đã truyền cho anh và đồng đội sức mạnh, nguồn năng lượng tuổi trẻ, giúp họ bước qua những khó khăn, thậm chí cả cám dỗ để thực hiện trọn vẹn nhiệm vụ người lính tình nguyện, mang một phần hình ảnh Tổ quốc trên đất bạn. “Mùa chinh chiến ấy” dành nhiều trang để nói về sự hy sinh của đồng đội. Song âm hưởng chủ đạo của tác phẩm là sự lạc quan, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc. Một cuốn hồi ký có độ lùi thời gian, được kể bằng giọng lính, đậm chất lính, vừa tận cùng yêu thương xa xót, vừa hóm hỉnh, giản dị, vừa thấm thía trải nghiệm lại vừa lãng mạn, trong sáng - cái trong sáng mà chỉ tuổi trẻ mới có được.
Sự linh hoạt của giọng kể, sức mạnh của chi tiết hình ảnh là điểm nổi bật, giúp cho “Mùa chinh chiến ấy” xứng đáng là một hồi ký xuất sắc về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam.
V.O