Mua giấy tờ xe giả qua mạng dễ ợt, anh nông dân dính án
Võ Hợi (36 tuổi) là nông dân nuôi thủy sản vùng ven biển H. Triệu Phong (Quảng Trị). Tuy nhiên, việc làm ăn, nuôi tôm gặp lúc lận đận, thất bát dẫn đến nợ nần. Đặc biệt, gia đình còn đang gánh khoản nợ vay ngân hàng hơn 400 triệu đồng để mua xe ô-tô trước đó chưa hoàn thành, xe này đã thế chấp tại ngân hàng. Không còn khả năng kinh tế, Hợi nghĩ đến việc bán xe để trả nợ nhưng sợ nói xe đang thế chấp sẽ bị trả giá thấp nên nảy sinh mua giấy tờ xe giả để ký kết hợp đồng bán cho được giá. Theo Hợi, biện pháp tình thế này sẽ được giải quyết ngay sau khi nhận đủ tiền, trả ngân hàng để lấy giấy tờ gốc giao cho người mua nhưng tính toán đã không thành.
Vụ án không chỉ là bài học đắt giá cho Hợi mà còn là tiếng chuông cảnh báo cho nhiều người khác trong việc sử dụng giấy tờ giả.
Ngày 28-12, TAND tỉnh Quảng Trị đưa ra xét xử vụ án: “Làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức” đối với bị cáo Hợi. Theo đó, vào tháng 1-2021, vợ chồng Hợi mua ô-tô hiệu Mazda 3 giá 800 triệu đồng, đăng ký chủ xe mang tên của vợ Hợi. Xe ô-tô trên là tài sản thế chấp để vợ chồng Hợi vay ngân hàng VP Bank số tiền 460 triệu đồng, mục đích thanh toán tiền mua xe ô-tô. Đến tháng 5-2021, do làm ăn thua lỗ, dồn dập nhiều khoản nợ nên để có tiền trả cho ngân hàng và các cá nhân khác, Hợi nói với vợ sẽ nhờ người rao bán xe và thỏa thuận với người mua xe về việc trả trước tiền mua xe để nhận xe, sau đó sẽ đưa tiền đến trả hết nợ ngân hàng và lấy giấy chứng nhận đăng ký xe đưa cho người mua.
Bàn với vợ là thế nhưng do Hợi sợ bị ép giá nếu khách hàng biết đang thế chấp ngân hàng nên tự nảy sinh việc đặt mua giấy tờ xe giả để kèm theo khi bán. Hợi lên mạng xã hội Facebook vào 1 trang mua bán giấy tờ và dễ dàng đặt mua giấy chứng nhận đăng ký xe. Khoảng 3 ngày sau, Hợi nhận được được giấy tờ giả do dịch vụ chuyển phát đưa đến và thanh toán 2 triệu đồng. Sau đó, Hợi đưa giấy đăng ký xe giả và một số giấy tờ xe khác cho 1 người tên là Lý (TP Đông Hà) nhờ rao bán xe trên mạng xã hội.
Sau đó, anh Nguyễn Đình Vinh (41 tuổi, trú TP Vinh, Nghệ An) nhờ người quen tại TP Đông Hà đến xem xe giúp. Quá trình xem, người này thấy xe có giấy tờ đầy đủ lại là xe mới nên anh Vinh liên lạc, chốt giá 635 triệu đồng, đặt cọc trước 105 triệu đồng. Anh Vinh đưa hợp đồng mua bán xe và nhờ người quen liên lạc với chủ xe để ký nên Hợi đưa hợp đồng về cho vợ ký. Vì tin lời chồng nói lúc trước, lại chủ quan nên vợ Hợi ký vào hợp đồng mà không nghi ngờ gì.
Sau khi nhận được giấy đăng ký xe do Hợi giao, anh Vinh đã chuyển 105 triệu đồng tiền cọc. Mấy ngày sau, vào 17-5-2021, anh Vinh nhờ người quen mang toàn bộ giấy tờ đến Phòng CSGT, CA tỉnh Quảng Trị để làm thủ tục rút toàn bộ hồ sơ sang tên chuyển chủ sở hữu. Tại đây, cán bộ Phòng CSGT phát hiện giấy tờ giả nên tạm giữ các tài liệu liên quan để làm rõ. Trước sự việc này, ngày 18-5-2021, anh Vinh đưa ô-tô vào trả cho Hợi và nhận lại toàn bộ tiền cọc. Một ngày sau, Hợi cũng đưa xe đến giao cho Ngân hàng VPBank quản lý để xử lý theo yêu cầu của ngân hàng.
Tại phiên tòa, Hợi cho biết dự định khi nhận đủ tiền từ anh Vinh sẽ lên ngân hàng trả ngay, sau đó lấy tờ gốc giao cho anh Vinh. Trong vụ án này, Hợi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi sử dụng giấy tờ giả. Hành vi của Hợi không đủ yếu tố cấu thành tội “ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” vì không có mục đích chiếm đoạt tài sản và không gây nên thiệt hại về tài sản. Sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX cũng đã đồng ý với đề nghị của VKS, tuyên Hợi 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 18 tháng.
BẢO HÀ