Mùa hoa bỏ lại - khí phách của người lính!

Thứ hai, 07/06/2021 15:27

Từng khoác áo lính, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 10, Mặt trận 44 Quảng Đà trong những năm chống Mỹ, nhà thơ Nguyễn Vĩnh (quê Đại Hồng, H. Đại Lộc; Hội viên Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam) đã thấu hiểu sự hy sinh gian khổ của biết bao con người dâng hiến máu xương làm nên bản anh hùng ca vệ quốc. Vốn yêu thích văn chương từ niên thiếu, nhà thơ Nguyễn Vĩnh đã “phổ” những ký ức, những từng trải, những chiêm nghiệm, giãi bày... của mình qua những trang viết mà bạn đọc xa gần từng đón nhận.

Bìa truyện ký Mùa hoa bỏ lại.

Tiếp sau tập thơ Chiền chiện hót trên đồng cỏ (NXB Đà Nẵng, 2018), mang sinh quyển tươi mới về cảm xúc cũng như ngôn từ đã chiếm nhiều cảm tình của độc giả và giới cầm bút, là tập truyện ký Mùa hoa bỏ lại (NXB Hội Nhà văn) mà nhà thơ Nguyễn Vĩnh vừa cho ra mắt bạn đọc. Đó là tập hợp qua sự chắt lọc của anh thành 11 truyện ký thật đầy đặn, đã kể lại những câu chuyện có thật của đời mình trong những năm cầm súng đánh giặc.

Lần từng trang, truyện kể theo “ngôi tác giả” hầu như xuyên suốt từ đầu đến cuối trong Mùa hoa bỏ lại. Ngôi thứ nhất ấy, chính là con người đi qua trận mạc, góc nhìn của người lính từng vào sinh ra tử, mang nghĩa sống quá đỗi cao đẹp. Những chi tiết cứ tưởng chừng mãi đằm sâu trong đáy ba lô, trong bề bộn mưu sinh đời thường của người lính. Vậy mà, nó sống lại như tuổi đôi mươi hừng hực, căng tràn nhựa sống trên đường ra trận của lớp lớp gái trai thời chiến chinh: “Chỉ cần không bật tung gốc rễ khỏi đất, sự sống của chúng sẽ trường tồn. Chúng tôi đã dán chặt cuộc đời mình vào đất, những tấc đất giập bầm của Tổ quốc. Tôi mỉm cười khi chợt hiểu ra chân lý cuộc sống. Cái chết thực sự của mỗi người, là khi ai đó tự nhổ gốc cuộc đời ra khỏi Tổ quốc, lưu vong chính trên đất nước thân yêu của mình” (Nụ sim tháng Ba bên mép chiến hào).

Đôi khi độ lùi thời gian chưa phải là nhiều, có những câu chuyện quá khứ mà không ít trong chúng ta cứ bảo là: “biết rồi, khổ quá... nói mãi”. Nhưng, những vùng ký ức của người lính có sức sống vô cùng mãnh liệt. Là những câu chuyện mà trong Mùa hoa bỏ lại càng ngẫm ngợi càng thấy quý giá vô cùng, nhất là trong guồng chảy ào ạt của cuộc sống hiện nay. Nó thấm đẫm tình người, đẹp đến nao lòng và rất đỗi thiêng liêng, như truyện: “Hạt gạo mặn máu và tiếng gà trưa năm cũ”; “Người chị Cẩm Thanh”; hay “Câu chuyện tình cờ và người lính không có võng”;...

Đi cùng giọng văn chắc khỏe, giàu chất thơ, thì lợi thế lớn của Nguyễn Vĩnh là sự chơn chất, đậm đà xứ Quảng vốn trong máu thịt anh. Vì thế, giọng kể trong các truyện của anh thêm gần gũi, tái hiện bối cảnh diễn ra sự việc và cảm giác không gian ở miền quê Quảng Đà trong những năm chiến tranh, khiến người đọc cứ bồi hồi và không chán, như các truyện: “Sông Thu đôi bờ hoa lửa”, “Hợp vây”, “Lính đại đội”,...

Tính chân thực của tập truyện ký này còn là phản ánh những cá tính mạnh mẽ, nhưng tất cả đều có mẫu số chung chính là chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội và đầy yêu thương, đầy trách nhiệm. Mỗi người trong cùng đơn vị mang đậm văn hóa nơi chôn rau cắt rốn, nhưng khi cùng chung chiến hào, họ lại thấu hiểu qua từng ánh mắt, từng giọng nói... Nguyễn Vĩnh thể hiện rất đầy đủ và chi tiết từ các tên làng, tên đất, quê xứ... của đồng đội đến phương ngữ, thậm chí cả tiếng lóng các vùng miền... để thấy họ hiểu về nhau đến mức độ nào.

Dấu ấn lãng mạn trong tập truyện ký này phải kể đến “Mùa hoa bỏ lại” (được tác giả chọn làm tên tập sách). Câu chuyện về mối tình Ngô Cho và Thu Thủy thuở học trò cuối cấp trung học. Cả hai cùng chung một làng bên dòng sông Vu Gia. Ở họ, không như là thề non hẹn biển mà chỉ “thoảng qua”. Tuy những phút giây chớm nảy nở ấy nhưng cũng đủ làm trăn trở và ngóng vọng một đời về nhau. Chiến tranh đã mang thời hoa đỏ diệu kỳ ấy đi, để rồi “cánh mỏng manh xao xác đỏ tươi” trải dài trong câu chuyện... Ngày hòa bình đã mấy mươi năm, tình cờ họ gặp lại nhau, rồi cũng chỉ thoảng qua, để lòng với lòng thêm chao chạnh, thêm hoài nhau... Nguyễn Vĩnh kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn trong Mùa hoa bỏ lại đã tạo nên khí phách mãnh liệt của người lính. Họ sôi trào khát vọng độc lập tự do, sẵn sàng gác lại “những mùa đắm say”, sẵn sàng hy sinh gian khổ tuổi thanh xuân khi nước nhà có biến... 

ĐỖ THƯỢNG THẾ