Mưa lớn gây ngập lụt, chia cắt nhiều nơi

Thứ ba, 11/10/2022 11:20
Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, cho biết: Mưa lớn vào đêm 9-10- 2022 và rạng sáng 10- 10-2022 đã làm ngập úng cục bộ nhiều khu vực trên địa bàn huyện. 49 thôn tại 8 xã bị ngập lụt, chia cắt đường giao thông.
Cảnh sát Giao thông Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) làm "cọc tiêu sống" điều tiết phương tiện giao thông.
Công an xã Hòa Bắc (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) thiết lập rào chắn trên đoạn đường ĐT 601 có nguy cơ sạt lở đất.

Huyện Hòa Vang ngập nặng

Ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, cho biết: Mưa lớn vào đêm 9-10 và rạng sáng 10-10 đã làm ngập úng cục bộ nhiều khu vực trên địa bàn huyện. 49 thôn tại 8 xã bị ngập lụt, chia cắt đường giao thông.

Tại xã Hòa Bắc, các thôn Lộc Mỹ, thôn Nam Yên và thôn An Định ngập đường thôn và chia cắt. Xã Hòa Liên có 9/13 thôn bị chia cắt đường giao thông, nhiều thôn ngập cục bộ như các thôn Trung Sơn, Hiền Phước, Trường Định… Tại xã Hòa Phong, nước sông Túy Loan dâng cao gần bằng đường QL14G, có 9/13 thôn bị ngập, chia cắt đường giao thông, vùng rau Túy Loan, ớt Bồ Bản đã ngập trên diện tích 6ha, xã đang kiểm tra theo dõi để rào chắn những điểm nguy hiểm. Xã Hòa Phú nước lớn, tràn lên đường QL14G gần khu vực chợ gây chia cắt 6/8 thôn, tuyến đường đi lên huyện miền núi Đông Giang, Quảng Nam, lực lượng Công an xã đang triển khai rào chắn, cảnh báo nguy hiểm. Xã Hòa Nhơn 14/14 thôn đều bị chia cắt đường giao thông. Đến chiều 10-10, nước vẫn chưa rút, hiện chưa thống kê được thiệt hại.

Ông Thái Văn Hoài Nam, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, hiện nay nguy hiểm nhất là tuyến đường ĐT601, tại đèo La Ngà, đoạn qua thôn Nam Mỹ, ngay trên công trình đập dâng nhà máy nước Hòa Liên, tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp. Thực ra tình trạng sạt lở đã bắt đầu xảy ra từ sau cơn bão số 4 (Noru), những ngày qua, mưa lớn kéo dài đã làm tình trạng sạt lở nguy hiểm hơn, có nguy cơ cắt đứt tuyến đường lên các thôn Tà Lang, Giàn Bí. Trung tá Lê Văn Tư -Trưởng Công an xã Hòa Bắc cũng cho biết, Công an xã đã triển khai lực lượng, đặt rào chắn cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông tại đoạn đèo La Ngà.

Công an xã Hòa Liên (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chăng dây cảnh báo nguy hiểm tại các tuyến đường liên thôn bị ngập lụt.

Tại xã Hòa Liên, các thôn Trung Sơn có 85 hộ dân, thôn Trường Định có125 hộ dân, thôn Quan Nam có 78 hộ dân đang bị ngập úng cục bộ, tuyến đường ĐT601 đi qua địa bàn xã bị ngập lụt không thể lưu thông. Trung tá Nguyễn Văn Cảm -Trưởng Công an xã Hòa Liên cho biết, Công an xã đã triển khai lực lượng xuống các thôn, chăng dây cảnh báo nguy hiểm trên các tuyến đường liên thôn, kiểm tra tình hình ngập lụt tại các khu dân cư. Xã Hòa Khương cũng bị ngập cục bộ các khu dân cư tại 4 thôn Hương Lam, thôn 5, Phú Sơn Tây, Phú Sơn 1, nhiều hộ dân nuôi cá bị tràn ao, gây thiệt hại về tài sản. Theo ông Nguyễn Kế Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Khương, đến chiều 10-10-2022, tổng diện tích thiệt hại về nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã là 47,3ha.

Mưa lũ gây chia cắt huyện Bắc Trà My trong ngày 10-10.
Mưa lớn gây sạt lở đất đá cản trở giao thông trên QL14B đoạn qua xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc.

Chạy lũ ở Quảng Nam

Chiều 10-10, sau một ngày và một đêm mưa lớn, nhiều tuyến đường và nhà dân ở một số khu vực nội thành Tam Kỳ nước dâng cao ngập gần 1m khiến việc sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm chủ động ứng phó với lũ, một số hộ dân đã đưa đồ đạc lên vị trí cao trong nhà; một số hộ dân cũng dùng ghe đưa các cháu học sinh đi học nhằm đảm bảo cho an toàn hoặc di chuyển trên các tuyến đường, khu dân cư bị ngập sâu. Ông Nguyễn Kiều Hưng (trú khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) cho biết: Mưa lớn khiến nước ở mọi nơi chảy về khu dân cư gây ngập sâu. Đến chiều nay thì nước đã tràn ngập vào nhà. Tôi lo sợ nước dâng cao gây ngập sâu hư hỏng hết đồ đạc nên đã chủ động di chuyển lên vị trí cao trong nhà.

Nhiều tuyến đường nội thị trung tâm của TP Tam Kỳ cũng ngập sâu khiến việc lưu thông của các loại xe gặp nhiều khó khăn, nhiều xe máy bị nước vào chết máy không thể di chuyển tiếp được. Tuyến đường Hùng Vương, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… nhiều đoạn bị ngập sâu có nơi trên 0,5m khiến các phương tiện phải quay đầu. “Những năm lại đây chưa khi nào Tam Kỳ mưa lớn và kéo dài như vậy. Ngoài Tam Kỳ thì các địa phương trong cả tỉnh cũng mưa to. Cứ mưa kéo dài cộng với các thủy điện trên núi xả lũ về thì dân ở đồng bằng lãnh đủ”- ông Mai Chí Tâm (trú phường An Mỹ, TP Tam Kỳ) lo lắng nói.

Ngập cục bộ ở một số tuyến đường nội thị Tam Kỳ chiều 10-10.

Tại huyện miền núi Bắc Trà My, ông Trần Toại, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, từ sáng 10-10, nước lũ băng qua QL40B đoạn cầu ngầm Sông Trường (xã Trà Sơn) và sông Nước Oa (xã Trà Tân, thuộc huyện Bắc Trà My) hơn 1m. Việc lưu thông qua hai cầu ngầm này để lên huyện Nam Trà My và các xã vùng cao Bắc Trà My hoàn toàn bị chia cắt. Nước lũ cũng chia cắt lưu thông đoạn qua cầu ngầm Ông Bình, cầu ngầm Ông Hắc (xã Trà Dương), cầu Sông Ví (xã Trà Đông); tuyến đường về 2 xã Trà Giáp và Trà Ka cũng bị chia cắt, nhiều điểm bị ngập sâu gần 1m… “Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện đã cử lực lượng tại chỗ đặt các biển cảnh báo, kiểm soát người và phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm này. Hiện chính quyền huyện đang lên phương án sơ tán người dân ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá hoặc ở vùng trũng thấp nguy cơ ngập nước cao”- ông Toại thông tin thêm.

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, trong ngày 10-10, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của mưa lũ; tập trung triển khai công tác ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Người dân TP Tam Kỳ di chuyển vật dụng lên cao do nước ngập vào nhà.

Nhiều đoạn quốc lộ bị ngập

Tại Thừa Thiên- Huế, mặc dù các hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên- Huế như Hương Điền, Tả Trạch, A Lưới, A Lin B1… được lệnh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên- Huế tăng lưu lượng điều tiết hồ thủy điện Hương Điền để tăng dung tích phòng lũ, song do mưa to liên tục nhiều vùng bị ngập. Trong đó, đoạn quốc lộ 1A qua địa phận xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc bị ngập hàng trăm mét từ 1 giờ sáng ngày 10-10, khiến nhiều xe máy lưu thông qua đây bị chết máy.

Cảnh sát Giao thông Công an huyện Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế) làm "cọc tiêu sống" điều tiết phương tiện giao thông.

Nhằm đảm bảo an toàn giao thông, hàng chục cán bộ, chiến sĩ của Trạm Cảnh sát Giao thông (CSGT) Phú Lộc (Phòng CSGT Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc đã túc trực trên đoạn đường này để hướng dẫn, giúp đỡ phương tiện và người dân tham gia giao thông.

Trao đổi với phóng viên, Thiếu tá Huỳnh Tuế - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phú Lộc cho biết, sau khi nhận tin báo nước lũ từ thượng nguồn về tràn qua tuyến Quốc lộ 1, toàn bộ cán bộ chiến sĩ của Đội được điều động đến đoạn ngập lụt cục bộ để thực hiện nhiệm vụ giúp người dân và phương tiện qua lại. “Bên cạnh hàng ngàn phương tiện các loại ô-tô lưu thông qua đoạn đường ngập lụt cục bộ trong sáng nay, còn có rất nhiều người dân, công nhân, giáo viên, phụ huynh chở con em đi học bằng xe máy đi qua đoạn đường có nước lũ. Chúng tôi túc trực, bám đường để giúp đỡ, hướng dẫn người dân đi xe máy không chạy xe và dắt xe vào những khu vực ngập sâu gây nguy hiểm”, Thiếu tá Huỳnh Tuế cho hay.

HỒNG THANH – BÃO BÌNH - Hầu Tỷ