Mùa ươi năm nay: Được mùa, mất cây ?

Thứ sáu, 13/06/2014 10:44

(Cadn.com.vn) - Năm nay ươi được mùa lẫn giá. E ngại người dân ồ ạt triệt hạ ươi để lấy quả, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra Chỉ thị số 11/CT-UBND nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi hoặc tác động bất lợi để cây ươi chết nhằm thu hoạch hàng loạt... Tuy nhiên thực tế cho thấy, các ngành chức năng dường như "chưa tiếp cận được" chỉ thị trên.

Ươi được mùa rực đỏ cả núi rừng.

Anh Sáu, một người hành nghề xe ôm ở ngã ba xã Phước Đức (H. Phước Sơn, Quảng Nam) cho biết, chưa năm nào ươi được mùa như năm nay. Khắp các cánh rừng đều thấy ươi đỏ rực. "Thông thường, mỗi cây ươi sau 3 năm mới luân phiên cho trái một lần, nhưng năm nay hầu như có cây là có trái. Việc ươi cho ra trái nhiều thế này nhiều người sẽ đổ xô đi hái. Mà ươi là loại cây đặc biệt, thân cao hơn 20m. Để thu hoạch nhanh và nhiều, người ta sẽ cưa cho cây ngã đổ. Do vậy nếu các ngành chức năng không có biện pháp bảo vệ sẽ khiến ươi bị tàn phá trên diện rộng", anh Sáu cảnh báo.

Đúng như lời anh Sáu nói, dọc các cánh rừng ở các xã Phước Đức, Phước Xuân, Phước Hòa... người đi đường dễ dàng bắt gặp những cánh rừng ươi đỏ rực. Tuy nhiên thời điểm này, tại H. Phước Sơn ươi còn non nên chưa có người đi hái. "Ươi chủ yếu được mua xuất sang Trung Quốc. Những năm trước, vào thời điểm này đã có nhiều thương lái đi đặt mối thu mua ươi. Nhưng năm nay không biết sao giờ vẫn chưa thấy ai lên hỏi mua. Nếu ươi được mùa mà mất giá thì rừng sẽ không bị tàn phá, còn không thì...", anh Hùng, một đại lý nông sản ở Phước Sơn dự báo.

Trái ngược với Phước Sơn, tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My dù ươi chưa chín nhưng đã bị người dân địa phương ồ ạt thu gom. Anh Tâm, chủ đại lý nông sản ở TT Trà My, H. Bắc Trà My cho hay: "Dù chưa đến mùa nhưng hơn tuần qua thương lái dưới Tam Kỳ đã lên ngã giá thu gom ươi rồi. Ươi non họ cũng mua. Họ nói non phơi khô sẽ trở nên già. Giá họ đưa ra 60-80.000 đồng/1 kg tươi; khô thì 250-300.000 đồng/1 kg. Còn khi nào có ươi bay (ươi chín tự rụng-P.V) thì giá hơn 400.000 đồng. "Người dân mình cứ thấy có tiền là bất chấp. Vì sợ đến ươi chín người khác lấy mất nên khi còn xanh trên cây, họ đã chặt đốn để đem về bán dù giá không cao", anh Tâm lý giải.

Ông Hồ Văn Nhui (trú thôn 3, xã Trà Bui, H. Bắc Trà My) ái ngại: "Trước kia người dân ở đây chỉ đi nhặt trái ươi đã chín rụng xuống, còn bây giờ nhiều người cứ cưa ngang cây xuống mà hái. Dù chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động nhưng họ vẫn làm vì trong rừng sâu, không ai kiểm soát nổi. Nhưng nếu nghiêm cấm các đại lý thu mua hạt ươi non, thì lúc đó sẽ không còn ai chặt cây để hái trái nữa".

Ươi non được phơi tràn lan ở Tam Kỳ nhưng không được các ngành chức năng xử lý.

Trên thực tế, nhằm bảo vệ có hiệu quả, khai thác và sử dụng một cách bền vững, hợp lý nguồn lợi do cây ươi mang lại, tránh việc khai thác theo kiểu tận diệt, ngày 29-5, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND nghiêm cấm việc chặt hạ cây ươi hoặc tác động bất lợi để cây ươi chết nhằm thu hái quả. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện có cây ươi phân bố có trách nhiệm tuyên truyền, vận động người dân địa phương tích cực tham gia bảo vệ loài cây ươi, cũng như thực hiện việc khai thác quả ươi theo đúng quy định nhằm bảo tồn, khai thác bền vững sản phẩm của loài cây này trong thời gian đến.

Tăng cường công tác kiểm tra, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản nói chung và chặt hạ cây ươi trái phép nói riêng để thu hái quả, cũng như việc khai thác quả ươi không theo đúng quy định. Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị chức năng và các chủ rừng tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn, xử lý các trường hợp thu hái, mua, bán, cất giữ, vận chuyển trái phép quả ươi và chặt hạ cây ươi trái phép để thu hái quả. Giám sát và xác nhận nguồn gốc hạt ươi (lâm sản ngoài gỗ) để làm cơ sở trong việc quản lý và lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. UBND các huyện, chủ rừng và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng chặt hạ cây ươi để khai thác hạt trong lâm phận, địa bàn quản lý.

Chỉ thị ban hành từ cuối tháng 5 là vậy, tuy nhiên thực tế cho thấy việc kiểm tra để ngăn chặn, xử lý các trường hợp thu hái, mua, bán, cất giữ, vận chuyển trái phép quả ươi và chặt hạ cây ươi trái phép chưa được các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, những ngày qua ươi non sau khi được thu gom tại Trà My đã được trung chuyển xuống các đầu nậu ở TP Tam Kỳ. Sáng 11-6, có mặt tại đại lý nông sản lớn nhất TP Tam Kỳ (số 428-Trần Cao Vân), cảnh hối hả của công nhân đang phơi ươi non diễn ra tấp nập. Bà Trinh, chủ đại lý cho biết: "Mới đầu mùa nên ươi chưa chín. Với loại ươi xanh này chúng tôi sẽ mua về rồi phơi khô mới xuất đi được. Do cầu nên mới có cung vậy thôi".

Việc thu mua, phơi ươi non diễn ra ngang nhiên tại trung tâm TP Tam Kỳ, vi phạm nghiêm trọng Chỉ thị số 11/CT-UBND tỉnh Quảng Nam thế nhưng vẫn không thấy các ngành chức năng nào đến kiểm tra, xử lý. Như vậy phải chăng có sự phớt lờ của cấp dưới đối với chỉ thị trên, hoặc các ngành chức năng "chưa tiếp cận" được chỉ thị (?).

Đặc điểm của loại cây ươi khi chín sẽ tự rụng và theo gió phát tán đi khắp nơi. Nhưng nhìn những vựa ươi xanh non này, ai cũng biết chúng đã bị khai thác theo kiểu tận diệt như thế nào. Và điệp khúc khi mùa ươi đến đồng nghĩa với những cánh rừng ươi bị tàn phá nghiêm trọng đang bắt đầu tái diễn...

Trần Tân