Mục đích đoàn kết của Taliban
(Cadn.com.vn) - Sự thiếu hòa hợp giữa Pakistan và Afghanistan đang đưa Taliban tiến dần đến đích.
Taliban và các nhóm chiến binh thánh chiến khác cùng chí hướng đang trở nên đoàn kết hơn trong quyết tâm áp đặt Luật Sharia hà khắc ở cả Afghanistan và Pakistan, với sự giúp đỡ của “cố vấn quốc tế” Al-Qaeda.
Trong khi những kẻ khủng bố đang chạy đua về phía trước với tinh thần đoàn kết, chính phủ Kabul và Islamabad lại bị phân chia sâu sắc trong nỗ lực giải quyết chủ nghĩa cực đoan phát triển. Islamabad hiện đang bận rộn với những cuộc đàm phán trong khi tại Afghanistan đang gia tăng “các cuộc tấn công nội bộ” vì sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Taliban. Vì sao như vậy?
Nam Á, vốn thừa kế nền văn minh Thung lũng Indus rộng lớn, đang quay cuồng sau 3 thập kỷ chiến tranh. Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Afghanistan hiện lan sang phía Đông, và các tổ chức cực đoan thường xuyên hoạt động trên Lằn ranh Durand phân cách Afghanistan và Pakistan. Tình hình an ninh trong khu vực bộ lạc liên bang quản lý (FATA) tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, khi Taliban đang kiểm soát hiệu quả.
Những kẻ khủng bố Pakistan đang hoạt động dưới tên gọi khác nhau: Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP), Sipah-e-Sahaba Pakistan (SSP), Lashkar-e-Taiba (LET)... Bên cạnh những kẻ khủng bố “cây nhà lá vườn”, một số lượng lớn các chiến binh từ Trung Á và các nước Arab đang đến định cư tại FATA và tổ chức các vụ tấn công đẫm máu.
Trong khi đó, nhóm tôn giáo-chính trị ở Pakistan như Jumat-e-Islam (JI) và Jamiat-ul-Islam Ulemai (JUI) là phe ủng hộ trung thành của Taliban. Mặc dù cả hai JI và JUI khó có thể giành chiến thắng bầu cử song họ vẫn có sức mạnh vượt trội. Các đảng phái chính trị của Thủ tướng Nawaz Sharif cho rằng, Taliban có thể được đưa vào hệ thống chính trị chính thống thông qua thương lượng.
Vai trò cơ quan tình báo Pakistan (ISI) chỉ là hỗ trợ các nhóm Taliban mà sau này có thể được sử dụng để gây ảnh hưởng sau năm 2014 – khi Mỹ và NATO rút quân. Phương pháp tiếp cận hiện tại của cả Islamabad và Kabul là “mua” thời gian trước khi đám mây âm u năm 2014 sáng sủa hơn, tức là đang xem xét có thể thương lượng với Taliban về chia sẻ quyền lợi chính trị.
Nhưng phương pháp tiếp cận này không thể thành công. Vòng đầu tiên của “các cuộc đàm phán hòa bình” giữa Taliban và chính phủ Pakistan thất bại thảm hại khi các cuộc tấn công vào dân thường và nhân viên quân sự không thể dừng lại. Ngược lại, Taliban đẩy mạnh những nỗ lực giành ảnh hưởng ở Lằn ranh Durand.
Vì thế, cũng có những kịch bản mang tầm quốc tế khác. Hai gã khổng lồ Châu Á, Ấn Độ và Trung Quốc đang nóng lòng xem xét các sự kiện xảy ra trong sân sau của họ. Bắc Kinh chỉ rõ sẽ không chấp nhận việc Taliban tiếp quản ở Afghanistan.
Bản thân Trung Quốc đang đối mặt với mối đe dọa khủng bố ở phía Tây đất nước, trong đó nổi lên là cuộc tấn công nhà ga Côn Minh gần đây. New Delhi quan tâm nhiều hơn về các nhóm khủng bố “cây nhà lá vườn”, mặc dù sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Taliban có thể làm tê liệt nghiêm trọng nền kinh tế.
Sự tăng trưởng như “nấm mọc sau mưa” của các tổ chức khủng bố đang gây ra mối đe dọa hiện hữu cho toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Nam Á. Islamabad và Kabul sẽ cần nâng những nỗ lực lên một tầm cao mới.
Thanh Văn