Mục tiêu lớn, thử thách lớn
(Cadn.com.vn) - Trong tháng 7 này, chính phủ mới của Ukraine sẽ phải đối mặt với bài toán thử nghiệm lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 4, khi phải lần đầu tiên công bố báo cáo công việc trước người dân. Mặc dù chính phủ mới nhậm chức không nhận được nhiều kỳ vọng về một sự thay đổi lớn, những bước đi ban đầu của Thủ tướng Volodymyr Groysman làm tăng hy vọng rằng, những thay đổi tích cực không phải là khó nắm bắt.
Thứ nhất là những bước đi khuyến khích đầu tiên. Hồi tháng 4, ngay khi chính phủ của Thủ tướng Groysman lên nhậm chức, không có nhiều hy vọng về khả năng chính phủ mới có thể làm thay đổi tình hình trong nước và thúc đẩy những cải cách bị đình trệ. Các nhà phê bình lo ngại Thủ tướng Groysman, đồng minh thân cận của Tổng thống Petro Poroshenko, sẽ quá phụ thuộc vào tổng thống và không thể chịu trách nhiệm về những quyết định khó khăn do thiếu ý chí chính trị.
Tuy nhiên, ông Groysman đang nỗ lực chứng minh những suy đoán này là sai. Nhà lãnh đạo này nhanh chóng hành động, tăng tính minh bạch của chính phủ bằng cách yêu cầu tất cả các quan chức nhà nước công khai mua sắm công trên trang mạng trực tuyến Prozorro, nơi mọi công dân Ukraine có thể kiểm tra việc chính phủ sử dụng nguồn vốn nhà nước như thế nào. Ắt hẳn ai cũng còn nhớ cuộc khủng hoảng chính trị gần đây bùng nổ do mâu thuẫn gay gắt giữa chính phủ và Quốc hội, dẫn đến việc người tiền nhiệm của ông Groysman, cựu Thủ tướng Arseny Yatsenyuk, phải từ chức. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi ông Groysman từng bước cải thiện quan hệ với các nghị sĩ.
Chính phủ của ông quyết định bãi bỏ thuế đối với tiền lương hưu theo yêu cầu trong nhiều năm qua của phe đối lập trong Quốc hội. Chính phủ cũng đã khởi động quá trình cải cách bằng cách sửa đổi luật chăm sóc sức khỏe, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc nhập khẩu và áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề tham nhũng. Chính phủ của Thủ tướng Groysman cũng bắt đầu một cuộc cải cách ngành năng lượng vốn bị trì hoãn nhiều lần, tăng giá khí đốt hộ gia đình để giảm trợ cấp ngân sách khổng lồ cho Cty năng lượng nhà nước Naftogaz. Các nhà phân tích tin rằng, việc cải cách năng lượng, vốn vấp phải phản đối gay gắt của nhiều người, là tín hiệu cho thấy, ông Groysman sẵn sàng để đưa ra quyết định tốt cho nền kinh tế.
Thứ hai là ưu tiên phát triển vùng. Không giống như người tiền nhiệm Yatsenyuk, vốn thực hiện loạt các chuyến thăm nước ngoài khi nhậm chức, ông Groysman chú trọng đi thăm các khu vực ở trong nước. Động thái này rõ ràng gửi thông điệp, chính phủ mới sẽ tập trung nỗ lực vào phát triển khu vực và các vấn đề trong nước chứ không chỉ là chính sách đối ngoại. Trong khi đó, các chính sách đối ngoại của chính phủ ông Groysman cũng dễ dự đoán. Nhà lãnh đạo này đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các mối quan hệ giữa Ukraine và phương Tây và đã thăm Mỹ và Đức. Chuyến đi đến Mỹ phản ánh sự phụ thuộc về sự hỗ trợ tài chính từ Washington và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - có trụ sở tại Mỹ - tổ chức đang xem xét giải ngân đợt viện trợ thứ ba cho Ukraine. Điều này rõ ràng đang rất được lòng cử tri.
Và thứ ba là những kế hoạch tham vọng cho tương lai. Một lộ trình hoạt động của chính phủ trong vòng 5 năm tới, được công bố hồi tháng 5, được thiết kế nhằm tạo ra những cải cách sâu rộng cho đất nước. Trong đó, chính phủ cam kết đưa Ukraine, hiện ở vị trí thứ 83, lên vị trí thứ 20 trong bảng xếp hạng kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) vào năm 2018; trở thành quốc gia tự túc sản xuất khí đốt vào năm 2020 và khôi phục cơ sở hạ tầng đường đất nước năm 2021. Tuy nhiên, lộ trình này đang vấp phải chỉ trích vì để lộ thiếu sót lớn vì không đề xuất một chiến lược rõ ràng và các bước cụ thể để thực hiện cải cách.
Rõ ràng, chính phủ của Thủ tướng Groysman đã đề ra những mục tiêu lớn và ban đầu đã có những động thái lấy lòng được cử tri. Dù vậy, thách thức đặt ra để hoàn thành những mục tiêu này không phải là ít.
Thanh Văn