Mười Chấp và một thời...(3)

Thứ sáu, 11/04/2008 00:00

Xem lại kỳ trước:

 Nối lại đường dây

Lần hồi xây dựng cơ sở

(Cadn.com.vn) - ôm ấy, Tư Chuyển bỏ hai bó thuốc lá Trường Xuân trong đôi bầu gánh đi. Gần nửa chiều thì đến vùng Cửa Lở, đói, mệt, đôi chân cũng mỏi nhừ, ông quyết định ghé vào cái quán ven đường uống nước kiếm chi ăn, nghỉ một lúc.

Tư Chuyển đang ngồi ở bàn uống nước thì người chủ quán bước lại, chào làm quen: - Anh đi mô dưới ni? Nghe hỏi “Anh đi mô”, Tư Chuyển hơi giật mình, song ông kịp trả lời: - Tôi đi bán thuốc. - Ông mà đi bán thuốc chi! - người chủ nhà đổi cách xưng hô - Bí thư Tam Xuân mà đi bán thuốc? Ông nói chơi.

Tư Chuyển chưa kịp chối thì anh ta nói:

- Đi đâu, nói thiệt đi.

- Anh nói chi lạ rứa. Chắc anh nhìn lầm ai rồi! Tôi người Tam Thái đâu phải Tam Xuân.

- Thôi ông Để ơi, anh đi mô dưới ni thì nói thiệt đi - anh ta gọi tên mà Tư Chuyển dùng khi làm Bí thư Tam Xuân, rồi tự xưng tên mình - Tôi là Hoa đây, làm ấp trưởng ở đây. Anh mà nói lơ mơ không xong với tôi đâu - anh ta nói có vẻ hù vậy song mỉm cười, vừa như đùa - Có lẽ cha này muốn thử gan, nghe lạnh xương sống, tuy vậy nhìn thái độ không phải là dọa. Tư Chuyển kiên trì, xem anh ta là ai.

- Có lẽ anh lầm tôi với ai đó. Để thì biết mấy người tên Để, tôi chưa hề gặp anh.

- Đúng, anh thì không biết tôi, là dân đen làm sao anh biết. Hoa là tên con, còn tên thật là Nguyễn Hoán. Anh là Võ Để, Bí thư Tam Xuân, từng đứng lên mít-tinh trước hàng ngàn dân. Anh mà lạ chi. Rồi anh ta hạ giọng:

- Nói chơi với anh thôi. Anh muốn đi ra ngoài thì không nên qua bên kia - anh ta chỉ tay qua bên ấp 5 - Anh qua bên ấy là chết ngay(?).

Nghe anh ta nói đến đó, nghĩ tay Hoán này là người tốt, nên Tư Chuyển giả lả - Thôi, nói qua nói lại với nhau cho vui, chừ xin phép anh tôi đi - vừa nói Tư Chuyển đứng dậy, làm như sực nhớ điều gì - Mà lúc nãy anh bảo tôi đi đâu mà qua phía đó?

- Giờ này mà còn chưa chịu nói thật. Anh không nên đi qua bên ấy. Anh qua hắn tóm liền.

- Anh nói hắn là ai? - Tư Chuyển bộc lộ thái độ.

- Hắn là quốc gia chứ ai. Là anh tôi mới nói rứa. Tôi nói cho anh biết, anh em ở đây đứt liên lạc, tìm cách vượt hết rồi! Tôi được các ảnh bố trí vào làm ấp trưởng. Anh tin tôi thì ở đây tôi chỉ đường cho anh đi.

Mười Chấp (thời kháng chiến).

Tư Chuyển cảm thấy bớt lo, hơi mừng, tin anh ta nhưng cần đề phòng, biết đâu? Giá như anh ta là người của chúng nó thì dễ gì thoát ra khỏi cái ấp này. Ông nói thật lòng - Anh nói vậy là rõ rồi. Chừ thì tôi nói thật, không giấu gì anh. Tôi không đi ra ngoài Bắc đâu. Trên Tam Xuân tình hình căng quá, chúng nó đang rình bắt tôi, tôi xuống đây trớ ít ngày, rồi tính tiếp. Đi hết thì ai ở lại với bà con!

Người chủ quán nhìn Tư Chuyển, rưng rưng nước mắt. Tư Chuyển nắm tay ông Hoa, nói như tâm sự - Nếu anh không bắt tôi thì anh phải giúp tôi...

- Thôi, rứa là anh em mình hiểu nhau rồi. Anh đưa đôi bầu vào nhà, cơm nước xong tôi sẽ bàn với anh.

Tối đó ông Hoa đưa Tư Chuyển đi, qua mấy cái vườn thì đến một ngôi nhà trong một khu vườn khá rộng, quanh vườn là bờ tre. Đó là nhà của ông Đặng Nuôi. Ông Nuôi tướng người phương phi, da ngăm ngăm, oai như dân làm biển. Ông Nuôi ít nói, suốt ngày ở ngoài sân, ngồi vót lạt dưới gốc cây khế chỗ góc sân, khi thì lội ra rào đốn tre. Nhà ông không kín cổng cao tường nhưng ít người vào ra, đám con trẻ, sắp nhỏ giữ bò hay lẻn vào vườn nhà ai có trái cây hái trộm nhưng chúng rất sợ ông Nuôi nên không dám hó hé. Thỉnh thoảng khế chín nhiều, ông hái một rổ xách ra cổng kêu sắp nhỏ lại phát cho đứa mấy trái, chúng mừng lắm - Còn ổi, mãng cầu thì lâu lâu con gái bỏ trong rổ đi chợ bán lấy tiền mua chút mắm, chút dầu phộng...

Ông Đặng Nuôi dặn Tư Chuyển cứ ở trong nhà, nếu có người lạ mặt vào, có tiếng đằng hắng thì ra sau nhà rúc vào đống lưới chỗ mái hiên sau.

Qua ông Đặng Nuôi và Nguyễn Hoán, Tư Chuyển nắm được tình hình ở Tam Hòa. Hầu hết số cán bộ đưa về cánh Cửa Lở đã có thuyền đưa đi trót lọt, cán bộ xã ủy cũng đi. Đặng Nuôi kể cho Tư Chuyển một chuyện lạ, có 3 người dân làm biển, tên là Viện, Thuật và Khừng tự xưng với địch là đảng viên. Bọn chính quyền vừa thiết lập ở Tam Hòa thì thừa biết mấy cha làm biển này và cho đó là mấy cha điên điên, khùng khùng. Từ cái vỏ bề ngoài hư hư thật thật ấy, 3 người đã tự thành lập một “chi bộ” thường xuyên sinh hoạt, xây dựng cơ sở và đứng ra “lãnh đạo”, vì người của cách mạng đã đi hết rồi!

Thông qua ông Đặng Nuôi, Tư Chuyển hẹn gặp “chi bộ” điên. Họ nói với Tư Chuyển: muốn tìm cán bộ huyện để có được sự chỉ đạo, nhưng biết cán bộ huyện ở đâu mà gặp. Tư Chuyển nói: “Tôi là cán bộ huyện đây”. Từ đó “chi bộ” điên trở thành chi bộ hợp pháp nối được đường dây qua cấp ủy Tam Hòa và Huyện ủy Tam Kỳ.

Ông Đặng Nuôi và Nguyễn Hoán sau đó trở thành những cơ sở tin cậy của Huyện ủy ở Tam Hòa. Mười Chấp giao cho Tư Chuyển nắm các cơ sở tốt này để xây dựng thêm nhiều cơ sở mới.

Từ ngày về đứng ở vùng Đông, thỉnh thoảng Mười Chấp không xuống được thì Tư Chuyển về “căn cứ” báo cáo tình hình. Mỗi lần về, đi qua Tam Xuân, Tư Chuyển mới dám nghĩ nhiều đến chuyện vợ con. Mỗi lần về cánh Tây, Tư Chuyển lại nhớ lời dặn của Mậu Đông, “nhà anh em mình là nơi địch luôn rình rập”. Đứa con đầu lòng của Tư Chuyển là Vũ Ngọc Hoàng, sinh năm 1953, khi Tư Chuyển quyết định “bất hợp pháp”, chia tay người vợ trẻ mới một mặt con thì Hoàng mới 3 tuổi. Bà nội thì rất yêu quý cháu nội đích tôn nên Tư Chuyển không lo cho con lắm mà lo cho người vợ trẻ. Tuy vợ Tư Chuyển không đẹp nhưng là “gái một con” để bọn đàn ông háo sắc, ham gái phải trông “mòn con mắt”. Tư Chuyển có nhiều lo nghĩ đến vợ con dù giấu kín trong lòng, bởi lẽ, cô ấy là người sống tình cảm, có phần yếu đuối. Hơn nữa, Tư Chuyển biết thủ đoạn xấu xa của bọn tay sai là luôn luôn tấn công vào gia đình, vợ con của cán bộ kháng chiến, nhất là biết cán bộ đó đang ở lại hoặc “nằm vùng”. Sau này chúng có một chủ trương bất thành văn là: Nằm được trên bụng vợ Cộng sản là xem như đã thắng người Cộng sản đó.

Một lần từ Hóc Dinh, Tư Chuyển liên lạc được bà Tiến ở thôn 5 Tam Xuân, một cơ sở tin cậy của Tư Chuyển. Hỏi thăm tình hình vợ con thì bà Tiến cho biết: Thằng Hoàng ở với bà nội, được cưng lắm. Còn chị Đoạn thì hay về bên ngoại.

Tư Chuyển nghe qua vậy thôi, hơi buồn nhưng không biết tính đường nào. Con thì còn nhỏ quá, trông cho nó lớn cho ra miền Bắc đi học. Vợ thì còn trẻ quá, tình hình đang khó khăn mờ mịt như thế này, đưa vợ con đi trú đâu. Tư Chuyển đem chuyện nhà nói với Mười Chấp không chỉ để giãi bày mà còn để chia sẻ. Mười Chấp thì khác Tư Chuyển, vợ và 4 con ông đã ở ngoài miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không biết sướng khổ ra sao, con cái học hành thế nào nhưng không phải bận tâm như Tư Chuyển. Mười Chấp chỉ biết động viên chứ chưa nghĩ ra cách gì giúp Tư Chuyển về việc vợ con trong những ngày ấy.                        

Còn nữa

Hồ Duy Lệ