Muôn nẻo thợ hồ

Thứ sáu, 27/09/2013 10:59

(Cadn.com.vn) - Với sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, Đà Nẵng đang trở thành một trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước. Theo đó, nhiều công trình mới được xây dựng, nhiều khu dân cư hình thành... khiến Đà Nẵng như một đại công trường xây dựng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đặc biệt là hàng vạn thợ hồ.

Muôn người theo một nghiệp

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, những năm qua đã có hàng nghìn công trình xây dựng được các cơ quan chức năng cấp phép trên địa bàn. Trong đó nhiều công trình trọng điểm đã và đang được xây dựng, mang tầm chiến lược lâu dài như tòa nhà Trung tâm hành chính TP, Bệnh viện Ung thư, các hội sở ngân hàng, khách sạn, resot, nhà dân... và cần một lượng đáng kể lao động. Anh Hữu, một chủ thầu xây dựng tại Liên Chiểu cho hay, mỗi năm anh thường nhận từ 10 đến 20 công trình xây mới, phần lớn là xây nhà ở, nhà trọ. Ngoài ra còn có thêm những công trình tu sửa, nâng cấp. Trung bình mỗi căn nhà từ khi đổ móng đến lúc hoàn thiện thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng, vì vậy lúc nào tổ thợ của anh cũng phải duy trì từ 15 đến 30 người, và dường như không bao giờ hết việc.

Trên mỗi công trình xây dựng tại Đà Nẵng, không khó để nhận ra một phần của xã hội được thu nhỏ tại nơi này. Có rất nhiều người lao động khác nhau về độ tuổi, ngành nghề, quan hệ xã hội, vùng miền cùng làm chung trên một công trường. Phần lớn thợ hồ tại Đà thành chủ yếu xuất thân từ nông dân tại các vùng nông thôn ngoại thành Đà Nẵng và các tỉnh lân cận, có người nhân lúc mùa vụ nông nhàn theo các chủ thầu vốn là bà con thân thích, hàng xóm láng giềng kiếm thêm thu nhập, song chiếm phần đông vẫn là thợ chuyên nghiệp. Cũng có người từng là nông dân tại các vùng nông thôn vừa được quy hoạch, hết ruộng đất, trở thành những thị dân bất đắc dĩ, không nghề nghiệp ổn định... nên chọn thợ hồ làm kế mưu sinh. Số ít trong họ có những học sinh, sinh viên, và cả giáo viên, tranh thủ những ngày hè đi làm thợ hoặc phụ hồ; những em bé tuổi mới mười ba, mười bốn bỏ dở giấc mơ đến trường bám theo cha, chú, anh chị cùng quê ra phố làm bạn với xi-măng, gạch, cát...

Không có trang phục bảo hộ lao động cho những người thợ hồ.

Nhìn những chàng thanh niên nước da rám nắng, mồ hôi nhễ nhại xúc từng xẻng hồ lớn lên giàn giáo cao hơn 2m, tại khu 532 (Q. Liên Chiểu) anh Hữu thở dài: "Chỗ anh tuyển phụ hồ toàn trình độ Đại học...". Như biết lỡ lời, anh lại  phân trần: "Toàn sinh viên vừa ra trường, không xin được việc làm, thất nghiệp, thôi em à. Thằng em đó học cầu đường của Bách khoa, thằng em kia học khoa Văn trường Sư phạm, thằng kia học kế toán của bên Kinh tế...".

Có thể thấy rằng, thợ hồ đang bỗng chốc trở thành ngành "hot" tại Đà thành. Nó không chỉ giải quyết được nạn thất nghiệp đang "thịnh" tại tất cả những thành phố lớn, mà còn đang tích cực góp phần hàng ngày xây dựng nên diện mạo của thành phố. Tuy nhiên, đằng sau những niềm tự hào mang tính an ủi đó,  những người thợ hồ phải trả những cái giá nhiều hơn sức lao động.  Quanh năm long đong theo những công trình, nay đây mai đó, ăn ở tạm bợ, người thợ hồ đang phải đánh đổi sức lực, mồ hôi, thậm chí là hơn thế...

Nghề của những chuyến đi xa

Dường như đã là cái tiền định, ít ai chọn nghiệp thợ hồ mà không phải xa nhà, bởi phụ thuộc vào chủ thầu, mà chủ thầu thì sẵn sàng "nhận" bất kỳ công trình nào, dù xa tới đâu. "Cái nghề này cũng giống như nghề đi biển vậy, phải xa nhà mới mong có công việc để làm, thế nên họ gọi đây là nghề của những chuyến đi xa", ông Chín Sơn, một thợ hồ đã có thâm niên hơn 20 năm, chia sẻ. Nhà ở tại Thăng Bình (Quảng Nam), cứ sau mỗi vụ cày cấy hoặc thu hoạch đồng ruộng, ông lại tay thước, tay bay lên đường ra Đà Nẵng. Mỗi chuyến đi của ông kéo dài hàng tháng trời, chỉ khi gia đình có việc quan trọng ông mới về. Ông kể, một thời ông theo cánh thợ hồ Hòa Xuân, Khuê Trung sang Lào, ra Quảng Ninh, lên Lạng Sơn, về Hà Nội... Muốn thăm nhà, mỗi chuyến đi về có thể chi phí lên tới cả... mười ngày công! Giờ tuổi cao, ông chỉ đủ sức làm ở những công trình gần. Nhóm thợ của ông vừa làm xong một công trình tại Liên Chiểu, nay tiếp tục một công trình khác tại Cẩm Lệ.

Nghề thợ hồ tại Đà Nẵng quanh năm không ngớt việc. Khi nhận một công trình nào đó, việc đầu tiên của họ là dựng những chiếc lán trại tạm bợ để làm nơi ăn ngủ. Tiếp theo là chọn một địa chỉ cơm hộp vừa túi tiền, hợp khẩu vị... Trong không khí sum họp của cả nhóm thợ mỗi buổi đêm về, có lẽ người thợ xa nhà cũng vơi bớt được chút nào những nỗi niềm riêng...

Trên công trường không chỉ đổ mồ hôi

 Có thể nói, sự vất vả, khổ cực của nghề thợ hồ không còn là chuyện lạ đối với những ai từng chọn nó làm nghiệp mưu sinh. Không phải ngẫu nhiên mà các Cục Thống kê Lao động đã xếp nghề xây dựng vào nhóm 10 nghề nguy hiểm và độc hại nhất thế giới. Chứng kiến một ngày công lao động của những người thợ hồ trên công trường, mới thấy hết nỗi khổ cực và nguy hiểm dành cho họ. Không đồ bảo hộ lao động, không chế độ bảo hiểm thân thể hay bảo hiểm y tế, những người thợ hồ hàng ngày phơi nắng phơi mưa trên những công trình xây dựng, làm bạn với vôi vữa, hít thở bụi xi- măng và gạch, cát. Cường, một phụ hồ đang làm việc tại Thanh Khê tâm sự: "Đâu chỉ có độc hại, mỗi năm nghề này cũng... "cống" cho Diêm Vương  mấy chục sinh mạng. Không ai thống kê, chủ yếu là giấu nhẹm, mê tín mà...".

 Những nguy hiểm bất ngờ luôn rình rập những người thợ hồ như sập giàn giáo, gạch đá rơi, gãy trụ chống, dẫm phải đinh hay cọc nhọn... Không ai muốn tai nạn xảy ra, từ những thợ, phụ, chủ thầu cho đến những chủ công trình. Nhưng, để hạn chế tai nạn, ít ai chịu khó trang bị bảo hộ cho thợ và công trình, trừ những công ty xây dựng lớn. Đặc biệt, với những thợ hồ, sau khi lưng mỏi, chân run, họ "về hưu" mà không có một thứ gì "bảo hiểm" cho cuộc sống về sau, mà chỉ dựa vào sự trả ơn của con cái, thế hệ mà những thợ hồ hầu như dành trọn một đời nghề để "đầu tư" cơm áo, học phí, tình yêu và cả niềm hy vọng...

Hàn Lê