Mưu sinh dưới đáy nước

Thứ sáu, 24/06/2016 11:00

(Cadn.com.vn) - Họ lầm lũi như bỏ hết lại sau lưng nhịp sống của thành phố ồn ào. Người lặng lẽ như dòng chảy Hàn giang giữa lòng thành phố, kẻ dữ dội như những con rái cá nơi cửa vịnh. Miếng cơm manh áo cột chặt họ với đáy sông, lòng biển và những hiểm nguy chực chờ. “Sản vật” mà họ đánh đổi bằng việc ngâm mình dưới nước bất kể nắng mưa, nguy hiểm lại là món khai vị cho hầu hết các bữa tiệc hải sản ở Đà Nẵng.

Thợ lặn chip chíp chuẩn bị xuống nước.

“Chíp thủ” ở vịnh  Đà Nẵng

Nắm chặt bàn tay đen trũi, chỉ ngón tay cái lên trời báo hiệu cho bạn tàu, “chíp thủ” Huỳnh Văn Phước (trú P. Xuân Hà, Q. Thanh Khê) lao mình xuống nước, để lại đám sủi tăm trắng xóa và cái ống dây thở càng lúc càng bị kéo xuống sâu. Ống dây dài hàng trăm mét được chất thành đống hình vòng tròn trên thuyền nhỏ dần theo chiều tiến sâu của người lặn. Theo thứ tự đã định trước, các “chíp thủ” khác cũng lần lượt rời thuyền lặn sâu xuống lòng vịnh Đà Nẵng. Người lạ nhìn cái cảnh ấy sẽ toát mồ hôi, vì không biết những con người bé nhỏ ấy hiện đang ở đâu giữa mặt biển mênh mông này. Chàng trai trẻ Huỳnh Văn Hùng phá vỡ không gian im lặng, căng thẳng trên thuyền bằng câu trấn an chúng tôi: “Họ đã bắt đầu làm việc ở dưới đó rồi. Giờ giống như rải quân đi tìm trầm ấy, khi nào gom đủ thì giật dây báo hiệu là lên”. Hùng 22 tuổi, với nghề tuy không còn trẻ nhưng do vào nghề muộn nên chỉ mới được giao nhiệm vụ quan sát diễn biến của các đồng nghiệp dưới đáy biển từ... trên thuyền! An nguy của họ chủ yếu phụ thuộc vào những chiếc ống thở được chia ra từ máy nén khí và sợi dây ám hiệu. Người lặn chíp chíp ví công việc này hao hao phi công bay trên trời. Thâm niên, kinh nghiệm của phi công tính bằng giờ bay thì bản lĩnh của “chíp thủ” tính bằng những ngày tháng ngụp lặn dưới đáy biển. Thường thì lần xuống nước đầu tiên ai cũng hồi hộp, lo lắng, nhưng vài ba lần sẽ quen... Có điều không nhiều người chọn nghề này vì cảm giác khi rời khỏi thuyền, lặn xuống giữa biển nước bao la, thấy mình cũng nhỏ bé như con chíp chíp!

Ngoài bộ đồ lặn để ổn định thân nhiệt, chiếc kính bảo hộ và cái ống thở, mỗi “chíp thủ” còn phải quấn quanh mình một sợi xích chì nặng tương đương 1/4 trọng lượng cơ thể để đỡ tốn sức chống lại sức đẩy của nước. Thuận lợi cho việc ổn định dưới đáy biển, đáy sông nhưng nếu không lành nghề, sợi xích này sẽ khó khăn cho hành trình trồi lên mặt nước. Có hai thời khắc mà người ở dưới ra hiệu cho người “vận hành” trên thuyền là khi túi đựng đã đầy chíp chíp hoặc khi có sự cố mất an toàn. Trần Văn Hậu (trú P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà) là một thợ lặn chíp chíp được nhiều bạn lặn gọi là “người không phổi” bởi sự lì lợm của anh. Theo anh Hậu, oxy được cung cấp cho người lặn từ chiếc máy nén khí thông qua đường ống dài hàng trăm mét nên để giữ cho nó hoạt động ổn định, tránh những rủi ro do sóng gió, chướng ngại vật là điều rất quan trọng. “Nhiều khi sóng đánh mạnh hoặc gặp phải chướng ngại vật nào đó khiến ống thở bị hẹp lại hoặc gấp khúc thì lập tức người lặn thấy thiếu khí và yêu cầu được lên. Nếu người trên không kinh nghiệm, kéo chậm vài ba giây là đã vô cùng nguy hiểm. Có người lên đến nơi là nằm vật ra, mặt tái mét”, anh Hậu cho biết.

Trong bữa cơm trưa vội vàng, đạm bạc trên thuyền, cánh thợ lặn kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện sinh nghề tử nghiệp của các “chíp thủ”. Rằng thuận buồm xuôi gió, nghề lặn chíp chíp có khi kiếm tiền triệu mỗi ngày. Nhưng sông nước vô chừng, có ngày lặn hết cả hơi cũng chỉ đủ tiền nạp oxy. Cái nghiệt ngã của nghề này là chỗ người lặn có thể trở thành phế nhân, thậm chí mất mạng chỉ trong giây lát nếu thiếu kinh nghiệm hoặc dính phải vận rủi. Ông Nguyễn Tư, một “chíp thủ” có 20 năm kinh nghiệm, hiện là Hội trưởng Hội vạn lặn P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà vẫn còn bàng hoàng khi kể lại cái chết của một đồng nghiệp cách đây mấy ngày. Người mà ông nói tới là anh S., trú P. Thọ Quang, hoàn cảnh quá khó khăn đã bỏ nghề lái taxi để gia nhập đội lặn giữ vịnh Đà Nẵng. Sau thời gian học việc, anh quyết định xuống nước nhưng đã gặp sự cố nguy hiểm, bỏ mạng ngay cửa vịnh, gần chân cầu Thuận Phước.  “Khi anh em kéo được lên thì nó đã lịm đi, dùng hết mọi kinh nghiệm của nghề sông nước để sơ cứu rồi gọi bác sỹ ra tận nơi nhưng cũng không được. Nó đi để lại vợ và 2 con nhỏ, tội nghiệp”, ông Tư trầm ngâm.

Mỗi ngày, người mò nghêu phải ngâm mình dưới nước khoảng 7-8 tiếng đồng hồ.

Ngâm mình “sục” nghêu

Khác với lặn chíp chíp, trên sông Hàn còn có một “chợ lao động” trên mỏ nghêu nằm ở đoạn giữa cầu Trần Thị Lý và cầu Tuyên Sơn. Không phải đối mặt với những bất trắc như các “chíp thủ” nhưng đội quân mò nghêu cũng phải ngâm mình gần chục tiếng đồng hồ mỗi ngày giữa sông bất kể nắng mưa. Ông Nguyễn Lợi (trú P. Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn), một thợ mò nghêu chuyên nghiệp, tâm sự: “Làm việc dưới nước mà phải phải đi dép hoặc mang tất. Chân tay ai cũng nứt sùi vì thường xuyên đụng phải mảnh sành, gai góc, kim loại. Da nhăn nheo như bắp chuối non, tay ai cũng như lớn hơn bình thường, không biết tưởng bị bệnh lạ”.

Vào những ngày hè, thời tiết thuận lợi, mỗi người mò nghêu có thể kiếm được dăm bảy trăm nghìn đồng. Vì vậy, cái nghề không cần vốn liếng gì ngoài sức khỏe này còn thu hút rất nhiều phụ nữ tham gia. Với một đôi dép, tất tay, tất chân, cái vợt quấn lưng hoặc chiếc thau nhôm mang bên người, họ ngâm mình cho đến khi đủ sản lượng thì lên bờ tập kết rồi lại tiếp tục ngụp lặn. Có người ham việc, bữa ăn vội giữa sông chỉ là chiếc bánh bao, bánh mì, gói xôi. “Có khi trúng mỏ nghêu, một tay cầm chiếc bánh mì bỏ miệng, tay còn lại dò dẫm nhặt nghêu. Cả người ngâm dưới nước nên chỉ biết đói chứ không biết no. Bí quá mới lên bờ thôi chứ lên một tí, người ráo ráo là lười xuống nước lắm”, nữ “nghêu thủ”  Phạm Thị Hòa nói.

Hỏi có thể gắn bó với công việc được bao nhiêu năm nữa, ông Nguyễn Lợi lắc đầu: “Răng mà biết được. Bệnh tật thì bỏ nghề sớm, còn không thì rồi nay mai nghêu cũng hết chứ nó đẻ đâu kịp cho mình bắt. Đời sông nước vô chừng. Cũng như lặn chíp ngoài vịnh, thấy kiếm được ăn thì người nơi khác cũng đổ về, nhỏ to gì bắt hết. Biết khai thác tận diệt kiểu ni chẳng bền nhưng vì miếng cơm manh áo, kiếm ăn được ngày nào hay ngày đó”.

Công Khanh